Doanh nghiệp Việt ở đâu trong chuỗi cung ứng cho Samsung?

Nhiều doanh nghiệp cung ứng linh kiện cho Samsung thu về hàng chục nghìn tỷ mỗi năm và đang có xu hướng dịch chuyển cơ sở về Việt Nam.

Samsung đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam khi có số vốn đăng ký lên tới 17,4 tỷ USD vào các nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP. HCM.

Trong năm 2019, 4 đơn vị lớn của Samsung gồm Samsung Thái Nguyên, Samsung Electronics Việt Nam, Samsung Display Việt Nam và Samsung HCMC CE Complex đạt tổng doanh thu trên 1,5 triệu tỷ đồng, tương đương gần 66 tỷ USD. Số này ngang bằng với 1/4 GDP.

Trong 8 tháng đầu năm, đây cũng là hai nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, lần lượt đạt 31,6 tỷ USD và 27,7 tỷ USD. Tổng tỷ trọng nhóm này chiếm hơn 1/3 kim ngạch xuất khẩu toàn quốc gia.

Không chỉ trực tiếp đóng góp, sự xuất hiện của các tập đoàn điện tử lớn như Samsung kéo theo hệ sinh thái đồ sộ hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong danh sách các nhà cung ứng khoảng 80% các giao dịch của Samsung Electronics, 28 công ty có nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Đây là đều là các doanh nghiệp vốn nước ngoài (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…), phần lớn có quan hệ đối tác lâu năm với Tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc – nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới.

Quy mô hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đều ở mức lớn, đem về hàng nghìn tới hàng chục nghìn tỷ đồng doanh thu mỗi năm. Nổi bật nhất trong số này là Samsung Electro-Mechanics và Samsung SDI Vietnam, là hai công ty con của Samsung, năm ngoái thu về lần lượt 41.000 tỷ đồng và 32.600 tỷ đồng.

Nhiều cái tên nằm ngoài Samsung cũng cho thấy kết quả kinh doanh với những con số ấn tượng: MCNEX Vina sản xuất module camera doanh thu 22.200 tỷ đồng năm vừa rồi; Power Logics Vina sản xuất bảng mạch bảo vệ pin đạt hơn 19.800 tỷ đồng;

CammSys Vietnam cung cấp module camera thu về 13.250 tỷ; Goertek Vina sản xuất tai nghe, mic đạt hơn 12.800 tỷ đồng; Intops Việt Nam chuyên vỏ điện thoại ghi nhận 11.900 tỷ đồng; SI Flex sản xuất mạch in linh hoạt (FPCB) doanh thu 9.300 tỷ đồng, AAC Technologies Vietnam module loa, micro đạt gần 9.000 tỷ đồng…

Hầu hết trong số này là các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, lợi nhuận vài trăm tỷ đồng mỗi năm. Một số đơn vị cũng thường xuyên góp mặt trong danh sách đóng thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều nhất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, điều có thể dễ dàng nhận thấy nhất, trong danh sách những nhà cung ứng linh kiện lớn nhất cho Samsung Việt Nam lại vắng bóng các doanh nghiệp Việt. Mặc dù vào năm 2019, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, cho biết đã có 210 doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Samsung và đang tiếp tục tìm kiếm nhà cung cấp trong các lĩnh vực điện, điện tử...

Tiềm năng hợp tác của doanh nghiệp Việt Nam với Samsung còn rất lớn bởi thời gian qua khi Samsung cử chuyên gia tư vấn cải tiến cho 54 doanh nghiệp thì tỉ lệ hàng lỗi, tồn kho đã giảm nhiều. Thế nhưng, để vươn tầm trở thành nhà cung ứng linh kiện hàng đầu cho Samsung thì nhiều doanh nghiệp Việt chưa làm được.

Công ty TNHH Nhựa Việt Hưng là một trong những nhà cung ứng đầu tiên cho Samsung tại Việt Nam, hiện cung cấp hai mặt hàng là vỏ nhựa và bao bì. Ông Hoàng Anh Tuân, Chủ tịch Nhựa Việt Hưng chia sẻ, trở thành doanh nghiệp vệ tinh cho Samsung cũng “gian khổ lắm”, chứ không “sướng” như mọi người nghĩ.

Đầu tiên, các doanh nghiệp phải mất từ 3-6 tháng để Samsung thẩm định máy móc, công nghệ, sau đó họ sẽ cử người hỗ trợ làm các sản phẩm đầu tiên, nếu hiệu quả sẽ tiếp tục nâng công suất, trở thành nhà cung cấp chính thức.

Doanh nghiệp Việt đang lỡ cơ hội cung cấp linh, phụ kiện cho Samsung.

Doanh nghiệp Việt đang lỡ cơ hội cung cấp linh, phụ kiện cho Samsung.

“Samsung đưa ra điều kiện cứ hai tiếng giao hàng một lần, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam nghe thấy vậy đã lắc đầu. Các khâu đều được điện tử hóa, họ chỉ cho phép tồn kho trong một thời gian ngắn. Vì vậy, buộc nhà cung cấp phải giao hàng chính xác”, ông Tuân nói.

Theo ông Tuân, yếu tố chính xác về thời gian vô cùng quan trọng, nếu chậm giao hàng có thể gây thiệt hại lớn và bị loại ra khỏi cuộc chơi, giống như quay vào ô mất lượt.

Vào được chuỗi đã khó, nhưng nếu không làm tốt, ngay lập tức sẽ bị loại ra. Hàng năm, Samsung có xếp loại các nhà cung cấp hạng A, B, C, D. Nếu xếp vào loại C, D tức là mắc nhiều lỗi, cận kề khả năng bị loại.

Ông Tuân cũng nhấn mạnh, chuỗi cung ứng của Samsung được tổ chức minh bạch, cởi mở với tất cả doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt nào tính cách “đi đêm” để vào chuỗi giá trị của họ sẽ bị loại ngay lập tức.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, Samsung đang áp đúng bài của cuộc chơi kinh tế thị trường và ở đó chắc chắn không có chuyện cầm tay chỉ việc và ép đối tác phải chờ đợi hay buộc phải mua sản phẩm của mình.

“Đây là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam nhưng là bài toán cạnh tranh về giá cả, công nghệ và chất lượng. Có nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam để tham gia vào được thì buộc phải có đầu tư và đưa ra sản phẩm cạnh tranh so với các doanh nghiệp đang làm cùng Samsung.

Khi đó cũng là sản phẩm đó, cung ứng ở trong nước, giá thành rẻ hơn, điều kiện vận chuyển thuận lợi hơn thì không có lý do gì Samsung không lựa chọn”, TS Cung nói.

Thế nhưng, theo TS Cung, từ trước tới nay phần lớn doanh nghiệp trong nước (với những anh có ‘máu mặt’ trong đó có cả doanh nghiệp nhà nước) lại quen làm ăn theo kiểu ký được một phi vụ nào đó, được nâng đỡ bằng các mối quan hệ nên ít khi phải va chạm với thị trường. Chính vì thế khi buộc phải tham gia vào cuộc chơi với sự cạnh tranh thực sự sẽ ngại thay đổi, không dám mạo hiểm.

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam nhìn nhận: “Làm công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi người thực, việc thực cùng với sự uyển chuyển trong việc ứng dụng công nghệ.

Thế nhưng thực tế cho thấy tâm lý ăn sẵn, lười mà nhiều doanh nghiệp đang bị sa vào cho nên lúc nào cũng kêu gào và chờ mọi việc tự đến. Sự thụ động này sẽ không mang lại thành công nếu thực sự doanh nghiệp muốn đặt mình vào cuộc đua này”.

Quốc Thanh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/doanh-nghiep-viet-o-dau-trong-chuoi-cung-ung-cho-samsung-3420901/