Doanh nghiệp Việt 'nước đến chân' vẫn 'không thèm nhảy'

Chia sẻ tại Hội thảo 'CPTPP - Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam' ngày 28/11, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đều 'nước đến chân chưa nhảy, nước đến mũi mới nhảy'.

Có cơ hội “nhảy vọt” nhưng chỉ “nhảy tại chỗ”

Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mang đến nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Nhận diện được cơ hội và thách thức là bước tiến đầu tiên, nhưng nếu chỉ nhận thức mà không hành động thì không đạt hiệu quả.

Theo ông Nam, doanh nghiệp Việt có cơ hội “nhảy vọt” khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng hiện đa phần vẫn đang “nhảy tại chỗ”. Đồng quan điểm, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, phần lớn doanh nghiệp đều “nước đến chân chưa nhảy mà nước đến mũi mới nhảy”.

Hội thảo “CPTPP - Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam” ngày 28/11. (Ảnh: T.A)

Về cơ hội mở rộng thị trường khi tham gia CPTPP, ông Khanh ví thị trường 90 triệu dân trong nước chính là một “mỏ vàng” mà doanh nghiệp cần phải “đào” trước khi tính đến những thị trường xuất khẩu khác. Trong khi nhiều hoa quả ngoại nhập giá thành không hề rẻ mà vẫn “đắt khách” tại Việt Nam thì hoa quả chất lượng cao của Việt Nam lại mang đi xuất khẩu hết. “Chúng ta ngồi trên đống vàng nhưng chưa tận dụng được”, ông Khanh đặt vấn đề.

Nhận diện về những thách thức của doanh nghiệp khi tham gia CPTPP, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh nhấn mạnh, câu chuyện “thẻ vàng” của EU đối với thủy sản Việt Nam là bài học lớn mà các doanh nghiệp cần phải lưu tâm.

Để có thể tận dụng được các cơ hội từ CPTPP, TS. Thành cho rằng, các doanh nghiệp cần phải nắm được các quy định có liên quan tới doanh nghiệp mình, và tìm cách đáp ứng các yêu cầu đó. Các quy định về xuất khẩu hàng hóa ngày càng khắt khe, ngoài tiêu chuẩn về chất lượng, còn phải đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa.

Không thể “đơn thương độc mã”

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), thách thức lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là phải tự nhận diện được các thách thức và cơ hội của hội nhập CPTTP cho chính doanh nghiệp mình. Bởi nếu không nhận thức đầy đủ thì doanh nghiệp không thể tự đổi mới mình, có tầm nhìn và phương thức để ứng phó.

“Nhiều ý kiến khẳng định vai trò của cơ quan Nhà nước, nhưng chúng tôi cho rằng, doanh nghiệp phải nhận thức đầy đủ. Việc một doanh nghiệp đơn lẻ tự mình đứng vững trong CPTPP là khó. Do vậy, liên kết các doanh nghiệp trong cùng ngành hàng là bài toán căn cơ để giải quyết vấn đề. Đây vốn là điểm yếu của doanh nghiệp Việt trong các năm qua khi các doanh nghiệp vẫn “đơn thương độc mã” trong hội nhập”, ông Thịnh nói.

Việc một doanh nghiệp đơn lẻ tự mình đứng vững trong CPTPP là khó. (Nguồn: Báo Công Thương)

TS. Nguyễn Minh Phong đánh giá, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do nói chung, Việt Nam có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu và nhập khẩu, thu hút và gia tăng đầu tư vốn FDI theo cả hai chiều nhờ nhận được những ưu đãi thuế và chính sách cạnh tranh bình đẳng, những hỗ trợ và ngoại lực hữu ích khác…

Tuy nhiên, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng khiến Việt Nam chịu thêm nhiều áp lực. Trong đó, áp lực đến từ sự gia tăng sức ép cạnh tranh và thu hẹp thị phần ngay trên sân nhà.

Ngoài ra, các hiệp định này còn thêm sức ép bảo đảm các yêu cầu về xuất xứ nội khối và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; sức ép giảm mức thuế, dịch chuyển và xói mòn cơ sở thuế; sức ép vượt các hàng rào kĩ thuật (TBT) và hệ thống vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS).

Ngày 12/11/2018, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan, với 100% đại biểu có mặt tán thành. Như vậy, với quyết định của Quốc hội, Việt Nam là quốc gia thứ 7 phê chuẩn CPTPP - một trong những hiệp định thương mại tự do chất lượng cao, toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay.

CPTPP hứa hẹn mang đến cho Việt Nam cơ hội kết nối tốt nhất, động lực để cải cách thể chế mạnh mẽ, thu hút đầu tư và xuất khẩu. Việc thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh của doanh nghiệp, tăng cường sự chủ động sẽ giúp doanh nghiệp phát triển...

Thái Anh

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/doanh-nghiep-viet-nuoc-den-chan-van-khong-them-nhay-82522.html