Doanh nghiệp Việt Nam vẫn lơ mơ về phòng vệ thương mại?

Xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại gia tăng khiến các doanh nghiệp cần tìm kiếm nhiều hơn kinh nghiệp để hóa giải vấn đề này.

Thời gian qua, các quốc gia trên thế giới đang có xu hướng áp dụng nhiều hơn (PVTM). Đặc biệt, khi chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng tại một số nước, số lượng các vụ việc liên quan đến PVTM trên thế giới và ở Việt Nam cũng gia tăng nhanh, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Theo bà Nguyễn Hằng Nga, Phòng xử lý PVTM thuộc Cục PVTM (Bộ Công Thương), tính đến năm 2018, Việt Nam đã phải đối mặt với 81 vụ điều tra PVTM, bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Trong đó mỗi năm đều phát sinh các vụ việc chống bán phá giá và tăng nhiều nhất từ năm 2015 trở lại đây (trung bình mỗi năm có 7 vụ, đỉnh điểm là 12 vụ năm 2015) phát sinh đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Các vụ điều tra chống trợ cấp xảy ra tuy có muộn hơn chống bán phá giá nhưng mỗi năm cũng có từ 1 - 2 vụ việc, riêng năm 2018, Việt Nam đã phải đối mặt với 4 vụ việc đến từ các quốc gia khác nhau. Bên cạnh đó, thời gian qua Việt Nam cũng đối mặt với 28 vụ điều tra tự vệ.

“Phạm vi sản phẩm bị điều tra áp dụng các biện pháp PVTM ngày càng đa dạng. Trước đây, các sản phẩm của Việt Nam bị điều tra thường tập trung ở các sản phẩm như thép, dệt may, giày dép hay thủy sản…thì hiện nay sản phẩm khác cũng bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM kể cả các sản phẩm ít ai ngờ đến như đinh thép, túi dệt, mắc áo thép… Bên cạnh đó, nhiều quốc gia còn áp dụng biệt pháp khởi kiện nhiều sản phẩm cùng lúc”, bà Nga cho hay.

Bà Nguyễn Hằng Nga, Phòng xử lý PVTM thuộc Cục PVTM (Bộ Công Thương) thông tin về xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng.

Bà Nguyễn Hằng Nga, Phòng xử lý PVTM thuộc Cục PVTM (Bộ Công Thương) thông tin về xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng.

Trước , ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ pháp lý khá hoàn chỉnh để thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại phù hợp với các quy định của WTO. Tuy nhiên nhìn chung, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nắm được hết các quy định này và sử dụng chúng một cách phù hợp, để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của bản thân doanh nghiệp.

“Một số quốc gia có dấu hiệu lạm dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ quá mức ngành sản xuất trong nước, điều này đang tác động trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Trung cảnh báo.

Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Trao đổi kinh nghiệm từ phía Nhật Bản trong việc đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay trên thế giới, ông Tadayoshi Hiraki, Vụ Công nghiệp chế tạo, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đưa ra ví dụ, khi các quốc gia Bắc Âu thực hiện các biện pháp PVTM đối với sản phẩm sắt thép của Nhật Bản, phía Nhật Bản đã tiến hành gửi các bản khuyến cáo chính thức lên Chính phủ các quốc gia trong khu vực này.

Trong bản khuyến cáo của Nhật Bản có yêu cầu các quốc gia đánh giá lại biện pháp PVTM, dựa trên những quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong đó, Nhật Bản sẽ cho rằng các quốc gia khi đưa ra các biện pháp tự vệ đã chưa nhìn thấy những nguy cơ rõ ràng, bởi việc đánh giá năng lực cung cầu tại quốc gia đó, thời điểm đó chưa thực sự chính xác trong dài hạn. “Yếu tố được nhấn mạnh trong khuyến cáo của Nhật Bản đến các quốc gia là cần cân nhắc khi áp dụng các biện pháp PVTM, sự hạn chế thương mại bằng biện pháp này sẽ mang lại nhiều bất lợi cho tất cả các bên”, ông Tadayoshi Hiraki đưa ra kinh nghiệm.

Cũng theo ông Tadayoshi Hiraki, song song với việc gửi khuyến cáo, Nhật Bản cũng tổ chức Diễn đàn với các quốc gia thành viên khối OECD. Khi đó, Nhật Bản đề xuất với những quốc gia có phát sinh vụ việc PVTM các biện pháp giảm nguồn cung phát sinh, với mong muốn quốc gia đó từ bỏ các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước để giải quyết vấn đề cung đang vượt cầu.

“Trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp kém năng lực phải từ bỏ cuộc chơi, nhưng vẫn có nhiều quốc gia hỗ trợ các doanh nghiệp này bằng cách trợ cấp cho họ, chính vì thế đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp yếu kém làm ảnh hưởng chung đến sự phát triển của các doanh nghiệp khác. Tại các diễn đàn, Nhật Bản tư vấn cho các quốc gia những biện pháp loại bỏ các doanh nghiệp yếu kém, giúp làm lành mạnh thị trường”, ông Tadayoshi Hiraki đưa ra cách thức.

Đối với vấn đề xử lý các vụ kiện chống bán phá giá, ông Shohei Nishimura, Vụ Chính sách thương mại của METI cho biết, Nhật Bản đánh giá cao vai trò giải quyết tranh chấp về PVTM, đặc biệt là các vụ kiện chống bán phá giá trên tinh thần quy định của WTO.

Theo đó, các nước có sản phẩm bị kiện chống bán phá giá như Nhật Bản trước tiên cần tuân thủ quyết định khởi kiện và tuyệt đối không lẩn tránh. Các bên cần có cuộc tham vấn song phương, sau đó nếu không thành công sẽ tiến hành thành lập Ban Hội thẩm bao gồm thành viên thuộc cơ quan PVTM thuộc các quốc gia thành viên WTO. Nếu việc hóa giải không thành công, biên bản sẽ được gửi tiếp lên Ban Phúc thẩm của WTO.

“Khi việc thương thảo không thành công từ Ban Hội thẩm, Nhật Bản sẽ kháng cáo lên Ban Phúc thẩm của WTO yêu cầu xem xét về quyết định đó. Đối với cơ quan điều tra vụ việc chống bán phá giá, Nhật Bản sẽ chứng tỏ quan điểm và yêu cầu cơ quan điều tra cần xác định mức độ tổn hại của nhà sản xuất tại quốc gia khởi kiện, đặc biệt là khi 2 sản phẩm có sự khác biệt về giá cả để làm rõ”, ông Shohei Nishimura chia sẻ./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-viet-nam-van-lo-mo-ve-phong-ve-thuong-mai-853797.vov