Doanh nghiệp Việt muốn IPO ở Mỹ: Không dễ

Bởi thị trường chứng khoán nước ngoài đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe hơn, quản trị chuẩn mực hơn nên buộc doanh nghiệp phải hoàn thiện.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp của Việt Nam đánh tiếng hoặc có ý định niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán Mỹ.

Lý giải việc nhiều doanh nghiệp Việt thích niêm yết cổ phiếu ở thị trường chứng khoán nước ngoài trong khi nếu thực hiện ở trong nước thì hoàn toàn có thể thành công, PGS.TS Trần Đăng Khâm, Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân), cho rằng, điều này xuất phát từ những tính toán về lợi ích của doanh nghiệp.

Theo đó, nếu niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán nước ngoài, doanh nghiệp huy động được lượng vốn từ nước ngoài. Đặc biệt, phát hành ở thị trường nước ngoài đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe hơn, quản trị chuẩn mực hơn. Do vậy, nó vừa giúp doanh nghiệp đánh bóng được tên tuổi, vừa giúp cho doanh nghiệp hoàn thiện hoạt động quản trị theo hướng tốt hơn.

Mặt khác, khi có các cổ đông nước ngoài, doanh nghiệp cũng tận dụng được mối quan hệ của các cổ đông để từ đó có thể phát triển sang thị trường nước ngoài.

"Những doanh nghiệp có xu hướng muốn mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu ra nước ngoài, thậm chí có thể đặt nhà máy ở nước ngoài. Do vậy, doanh nghiệp muốn phát hành cổ phiếu trên thị trường nước ngoài nhằm nhiều mục tiêu", PGS.TS Trần Đăng Khâm nói.

Nhiều doanh nghiệp Việt đánh tiếng muốn IPO trên thị trường chứng khoán Mỹ

Nhiều doanh nghiệp Việt đánh tiếng muốn IPO trên thị trường chứng khoán Mỹ

Vị chuyên gia cũng lưu ý, với những doanh nghiệp thực sự có nhu cầu huy động vốn nước ngoài nhằm phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, khi thị trường chứng khoán nước ngoài đòi hỏi những điều kiện niêm yết khắt khe thì buộc doanh nghiệp phải hoàn thiện hoạt động quản trị trong nước.

Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp đưa ra tuyên bố niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài, tuyên bố tìm nhà đầu tư chiến lược... song thực chất họ không làm gì cả, sau khi làm cho giá cổ phiếu lên, họ bán đi kiếm lời.

"Những doanh nghiệp kiểu như vậy thường tuyên bố "Chúng tôi có kế hoạch...", "chúng tôi đang chuẩn bị niêm yết...", nhưng bao giờ niêm yết lại là chuyện khác. Nhà đầu tư cần thận trọng, vì đôi khi mục đích của doanh nghiệp chỉ là để... cho oai, nâng giá cổ phiếu rồi bán", PGS.TS Trần Đăng Khâm chỉ rõ.

Ông cho biết, doanh nghiệp có thể phát hành trực tiếp cổ phiếu ở nước ngoài và giao dịch trên thị trường nước ngoài. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể phát hành chứng chỉ lưu ký - đưa một lượng cổ phiếu ra giao dịch ở nước ngoài. Cả hai hình thức này đều giúp doanh nghiệp tăng lượng vốn, tăng uy tín, hình ảnh... Khi doanh nghiệp niêm yết ở nước ngoài thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải thực hiện quản lý, tuy nhiên hiện nay khung pháp lý về vấn đề này chưa đầy đủ.

"Khi doanh nghiệp nhắm tới một thị trường, đầu tiên họ phải nhìn thấy việc niêm yết trên thị trường đó mang lại lợi ích cho doanh nghiệp đến đâu. Bên cạnh đó, phải xem doanh nghiệp có đủ khả năng hay không.

Nhiều khi doanh nghiệp tham vọng, nhìn thị trường chứng khoán Mỹ và thấy cơ hội niêm yết trên thị trường đó mang lại uy tín, hình ảnh, tạo ra các mối quan hệ như thế nào mà quên mất mình khó có thể đáp ứng được điều kiện niêm yết của họ.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp hướng tới việc huy động vốn ở nước ngoài và niêm yết ở nước ngoài song không thành công do khác biệt về văn hóa, pháp lý... và mọi điều kiện khác đều không được. Chưa kể, sau khi doanh nghiệp phát hành và niêm yết xong thì thanh khoản rất kém", vị chuyên gia nói.

Thực tế đúng như lời nhận định của PGS.TS Trần Đăng Khâm, không dễ để doanh nghiệp có thể gia nhập vào cuộc chơi toàn cầu, nhất là khi nhìn vào điều kiện niêm yết của sàn Nasdaq hay New York (Mỹ).

Niêm yết trên sàn Nasdaq hay New York đòi hỏi các doanh nghiệp phải đạt tất cả các điều kiện của 1 trong 4 bộ tiêu chuẩn về chỉ số tài chính và bộ tiêu chuẩn về thanh khoản dành cho thị trường.

Chẳng hạn, với sàn New York, về tài chính, tiêu chuẩn tối thiểu cho một công ty được niêm yết là vốn chủ sở hữu 4 triệu USD, giá cổ phiếu 2 USD và hoạt động liên tục trong 2 năm, hoặc có tổng tài sản và doanh thu/vốn hóa 75 triệu USD khi giá cổ phiếu đạt tối thiểu 3 USD. Ngoài ra, về tiêu chí giao dịch, số lượng cổ đông giao dịch phải đạt ít nhất 400 cổ đông, khi lượng cổ phiếu giao dịch tối thiểu là 500.000 đơn vị/phiên.

Đối với sàn Nasdaq, các doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về tài sản, doanh thu, lợi nhuận, thanh khoản cổ phiếu, vốn hóa. Nếu niêm yết trên sàn cao cấp nhất Global Select Market của Nasdaq, doanh nghiệp phải đáp ứng tất cả các tiêu chí thuộc ít nhất 1 trong 4 bộ tiêu chuẩn sau: Tổng lãi trước thuế trong 3 năm tài chính gần nhất lớn hơn 11 triệu USD và không có năm nào lỗ, ít nhất 2 trong 3 năm phải lớn hơn 2,2 triệu USD, với tiêu chuẩn về tài sản và vốn chủ sở hữu phải có tổng tài sản ít nhất 80 triệu USD, vốn chủ sở hữu 55 triệu USD, vốn hóa thị trường 160 triệu USD, ngoài ra với một số tiêu chí yêu cầu doanh thu đạt ít nhất 90 triệu USD trong năm gần nhất...

Ngoài ra, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu thực hiện báo cáo kiểm toán theo chuẩn kế toán Việt Nam (VAS) tuy nhiên khi niêm yết trên thị trường quốc tế, các báo cáo phải được kiểm toán ít nhất 3 năm theo chuẩn quốc tế IFRS. Giữa VAS và IFRS vẫn còn tồn tại một khoảng cách nhất định liên quan đến định giá tài sản, nợ phải trả hay báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu...

Bởi những điều kiện khắt khe của thị trường chứng khoán Mỹ nên theo ông Khâm, các doanh nghiệp Việt Nam thường đặt trọng tâm vào 3 thị trường là Singapore, Hongkong (Trung Quốc) và London (Anh) hơn thị trường Mỹ bởi có điều kiện tương đồng về mặt cơ sở kỹ thuật, pháp lý...

Năm 2020, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiên số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới tăng kỷ lục. Số tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới năm 2020 đạt 393.659 tài khoản, tăng 94% so với số lượng tài khoản mở mới trong năm năm 2019, khối ngoại mở mới 2.856 tài khoản.

Lũy kế tới hết tháng 12/2020, tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt hơn 2,77 triệu tài khoản, tăng 16,7% so với cuối năm 2019.

Xu hướng này tiếp diễn trong năm nay, với 86.000 tài khoản mới được mở trong tháng 1, nhiều hơn bất kỳ tháng nào của năm 2020.

Theo nhận định của một số chuyên gia, nếu lãi suất tiền gửi trên thị trường tiếp tục giảm hoặc giữ ở mức thấp thì tiếp tục sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư F0. Lượng nhà đầu tư đăng ký mới sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng dư địa để giảm lãi suất còn ít.

Chuyên gia cho rằng, mặt bằng thị trường thấp thì độ an toàn cao hơn, còn khi VN-Index tăng mạnh, giá cổ phiếu tăng cao thì những rủi ro trên thị trường càng nhiều. Do đó, nhà đầu tư F0 phải đầu tư học hỏi, nghiên cứu, phải hiểu được cổ phiếu định đầu tư, không nên vội vàng giải ngân.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/doanh-nghiep/doanh-nghiep-viet-muon-ipo-o-my-khong-de-3430837/