Doanh nghiệp Việt mong sớm được cấp giấy sở hữu đất đai, tài sản tại Campuchia

AVIC hi vọng Thủ tướng Chính phủ Campuchia chỉ đạo sớm hoàn thiện quy trình cấp giấy chứng nhận sở hữu đất đai, tài sản đối với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Campuchia, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực trồng cây cao su, cây công nghiệp.

Việt Nam đứng thứ 5 về vốn FDI vào Campuchia

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC) trong buổi làm việc của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hunsen, tính đến hết năm 2013, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký của Việt Nam vào Campuchia đạt trên 3 tỷ USD với 126 dự án, gấp gần 6 lần về tổng vốn đầu tư và trên 3 lần về số lượng dự án so với trước năm 2010. Việt Nam được xếp thứ 5 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Campuchia.

Theo thống kê tại Việt Nam, trong năm 2013 có khoảng 16 dự án được cấp phép đầu tư sang Campuchia với tổng giá trị trên 360 triệu USD. Tuy nhiên, theo thống kê của của Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC), trong 10 tháng đầu năm 2013, Việt Nam không có thêm dự án đầu tư nào đăng ký tại CDC.

Các lĩnh vực đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia tập trung chủ yếu là Trồng cây cao su và cây công nghiệp (411 triệu USD), Bưu chính Viễn thông (270 triệu USD), Tài chính ngân hàng ( 250 triệu USD)…Tổng vốn đầu tư tập trung chủ yếu tại Thủ đô Phnompenh (Tài chính- Ngân hàng, y tế) và các tỉnh Đông Bắc giáp biên giới Việt Nam - Campuchia.

Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đồng thời là Chủ tịch AVIC, năm 2013, một số dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia chưa đảm bảo đúng tiến độ triển khai. Trong đó, một số dự án thủy điện còn gặp khó khăn trong công tác bồi thường tái định cư; một số doanh nghiệp Việt Nam do năng lực tài chính, kinh nghiệm còn hạn chế nên khi đầu tư vào Campuchia đã không triển khai theo đúng kế hoạch dự kiến.

Đồng thời, sự liên kết hỗ trợ giữa các nhà đầu tư Việt Nam rời rạc, thiếu chặt chẽ, còn có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, FDI từ Việt Nam vào Campuchia thực hiện mới đạt khoảng 1,2 tỷ USD, bằng 40% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Bên cạnh các vấn đề từ phía doanh nghiệp, ông Hà cũng cho biết hoạt động đầu tư gặp một số khó khăn vì lý do khách quan. Đó là Chính phủ Campuchia chưa có chính sách ưu tiên cho các lĩnh vực kêu gọi đầu tư nước ngoài và đưa các hoạt động đầu tư vào chương trình hợp tác kinh tế trọng điểm; Chính phủ hai nước Việt Nam - Campuchia cũng chưa có các chính sách hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp – nhất là các vùng xâu, vùng xa, cơ chế phối hợp giữa các Bộ/Ngành và địa phương vẫn còn chồng chéo, chưa nhất quán. Cuối cùng, hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung còn nhiều hạn chế; giá điện, phí... còn cao.

AVIC kiến nghị cấp giấy chứng nhận sở hữu đất đai tài sản của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Campuchia

Trên cơ sở các khó khăn doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi đầu tư sang Campuchia, AVIC có đưa ra một số kiến nghị. Trong đó, đáng chú ý nhất là AVIC mong Thủ tướng Hunsen chỉ đạo các Bộ Ngành Campuchia phối hợp với các Bộ Ngành Việt Nam rà soát các quy định pháp lý, khẳng định giá trị đầu tư, đất đai, bất động sản, tài sản và hàng hóa, tiền vốn của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Campuchia là tài sản giữa hai quốc gia và cần được bảo vệ theo công ước quốc tế, cần luật hóa để bảo trợ quyền sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài tại Campuchia.

Ngoài ra, hiện nay đất tô nhượng kinh tế của các dự án trồng cây cao su của nhà đầu tư Việt Nam vẫn chưa được cấp chứng nhận quyền sở hữu hợp pháp, AVIC đề nghị Thủ tướng Hunse chỉ đạo các Bộ/Ngành liên quan sớm hoàn thiện quy trình cấp giấy chứng nhận sở hữu đất đai, tài sản đối với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Campuchia, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực trồng cây cao su, cây công nghiệp.

Thông điệp của AVIC được đưa ra khi đầu tháng 5/2013, tổ chức phi chính phủ Global Witness cáo buộc các tổ chức nước ngoài là Deutsche Bank và IFC đã tài trợ cho Tập đoàn cao su Việt Nam và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai phá rừng, chiếm đất trồng cao su. Chính phủ Campuchia sau đó đã phủ nhận thông tin này.

AVIC hi vọng Chính Phủ hai nước sớm thúc đẩy việc ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần trong năm 2014 và thành lập Tổ công tác hỗn hợp và thiết lập cơ chế làm việc định kỳ để rà soát, trao đổi, đánh giá hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Campuchia, thống nhất thủ tục đầu tư, hồ sơ cấp phép, quản lý dự án đối với các dự án đầu tư của của Việt Nam tại Campuchia, có cơ chế hỗ trợ về vốn với các dự án thuộc diện ưu tiên.

Chính phủ hai nước sớm thống nhất thủ tục Hải quan, có cơ chế “tạm nhập, tái xuất” thuận lợi cho thiết bị thi công dự án; Nâng cấp cơ sở hạ tầng cửa khẩu (kho ngoại quan, chợ cửa khẩu, đường giao thông,v.v...,); mở rộng danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước được hưởng ưu đãi thuế quan năm 2013 và những năm tiếp theo; tổ chức hội chợ hàng hóa.

Đồng thời, hiện nay nhiều sản phẩm phân bón được nhập khẩu vào Campuchia có chất lượng thấp. Để bảo hộ cho sản xuất phân bón trong nước, đề nghị Chính Phủ Campuchia có chính sách áp dụng thuế nhập khẩu phân bón như NPK là 7% (tương tự như chính sách Việt Nam đang áp dụng hiện nay).

Phát biểu tại buổi làm việc với BIDV và AVIC, Thủ tướng Hunsen khẳng định Campuchia tiếp tục chào đón và khuyến khích đầu tư và Chính phủ cam kết sẽ hỗ trợ ở mức cao nhất nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, mở rộng và thiết lập môi trường đầu tư tốt và ổn định cho các doanh nhân và nhà đầu tư.

Theo Fica

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thuong-truong/doanh-nghiep-viet-mong-som-duoc-cap-giay-so-huu-dat-dai-tai-san-tai-campuchia-56495.html