Doanh nghiệp Việt lạc quan hơn mức trung bình APEC

Cuộc khảo sát do PwC mới thực hiện với hơn 1.100 lãnh đạo doanh nghiệp đang hoạt động tại 21 nền kinh tế APEC cho thấy, có 50% doanh nghiệp Việt lạc quan về triển vọng năm tới trong khi mức trung bình khu vực chỉ là 28%.

Cuộc khảo sát cho biết, hơn một nửa (53%) các doanh nghiệp tại 21 nền kinh tế APEC có dự định mở rộng đầu tư trong vòng 12 tháng tới.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp tỏ ra kém lạc quan về triển vọng tăng trưởng doanh thu trong năm tới và khá thất vọng về tiến triển của thương mại tự do trong khu vực.

Ông Raymund Chao, Chủ tịch công ty PwC Trung Quốc nhận định:
Quy mô thị trường và nguồn nhân lực dồi dào của Trung Quốc đã thúc đẩy các lãnh đạo doanh nghiệp không ngừng đầu tư và mở rộng tại đây ngay cả khi tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.

Về lâu dài, dự định mở rộng đầu tư sẽ có lợi cho các nền kinh tế APEC khi mà hơn 2/3 (69%) những dòng vốn đầu tư này sẽ chảy vào chính các nền kinh tế trong khu vực.

Trung Quốc, Mỹ, Singapore và Indonesia là những quốc gia thu hút nhiều đầu tư hơn cả. Các CEO cũng đang theo đuổi chiến lược đa dạng hóa trong khu vực: Trung bình mỗi doanh nghiệp tham gia khảo sát sẽ đầu tư vào 7 nền kinh tế khác. Năm ngoái, con số này là 6 nền kinh tế.

Trong khi đó, gần 1/3 (31%) các doanh nghiệp có kế hoạch tăng đầu tư chủ yếu vào các nền kinh tế nằm ngoài khu vực APEC.

Xét trên toàn khu vực APEC chỉ có 28% các CEO rất tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng doanh thu trong 12 tháng tới.

Đây là năm thứ hai liên tiếp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ quan điểm không mấy lạc quan như vậy. Tuy nhiên, tại một số nền kinh tế trẻ và tăng trưởng nhanh thì các CEO có lạc quan hơn về tăng trưởng doanh thu ngắn hạn.

Điển hình tại Việt Nam, 50% các lãnh đạo doanh nghiệp “rất lạc quan” về doanh thu ngắn hạn trong cuộc khảo sát năm nay, cao hơn con số 44% năm ngoái. Với dân số hơn 90 triệu người, thu nhập bình quân tăng trưởng nhanh chóng và khả năng thu hút đầu tư nước ngoài cao, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn.

Đã có thêm nhiều CEO nhận định rằng quá trình tự do hóa thương mại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang tiến triển mạnh mẽ hơn so với 2 năm trước. Tuy nhiên, phần lớn (53%) người trả lời vẫn cho rằng tốc độ tiến triển này là chậm.

Các lãnh đạo tại ASEAN có xu hướng nhận định tích cực hơn về tiến triển tự do hóa thương mại. Ví dụ, 44% các CEO tại Việt Nam cho rằng quá trình thúc đẩy thương mại tự do tại châu Á – Thái Bình Dương đã được đẩy mạnh đáng kể trong năm qua. Tỷ lệ này chỉ là 14% tại Mỹ và 9% tại Nhật Bản.

Môi trường cạnh tranh tại các nền kinh tế APEC cũng đang thay đổi. Thêm nhiều CEO cho biết đối thủ hàng đầu của họ là một công ty đa quốc gia có trụ sở tại một nền kinh tế mới nổi (18%) hoặc một doanh nghiệp dẫn đầu trong khu vực APEC (20%).

Ông Orlando Marchesi, Tổng Giám đốc công ty PwC Peru cho biết:
Trong tương lai gần, các lãnh đạo doanh nghiệp APEC sẽ phải cân bằng triển vọng kinh tế ngắn hạn với kế hoạch đầu tư dài hạn. Môi trường pháp lý và thuế là những yếu tố sẽ quyết định niềm tin vào khả năng kinh doanh và đầu tư. Nếu không có những thay đổi phù hợp về môi trường pháp lý thì các nền kinh tế sẽ không thể cạnh tranh thành công trong một thế giới tuy nhiều tiền nhàn rỗi nhưng tăng trưởng chậm.

Hai tỷ lệ này là 10% và 12% trong năm 2014. Tuy vậy, thách thức cạnh tranh lớn nhất vẫn đến từ các công ty đa quốc gia của các nền kinh tế phát triển.

Các CEO cũng có quan điểm khác nhau về tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Gần một nửa các CEO tại APEC cho rằng GDP của Trung Quốc sẽ tăng trưởng ở mức cao nhất là 5-6% mỗi năm trong vòng 3 năm tới. Mặc dù vậy, các CEO sẽ không bỏ qua những tiềm năng phát triển tại thị trường này.

Trong 3 năm tới, chiến lược chung của các lãnh đạo doanh nghiệp sẽ là xây dựng thương hiệu , mở rộng thị trường và tăng cường hợp tác khi đầu tư vào Trung Quốc.

Một điều đáng lo ngại đối với lãnh đạo các nền kinh tế APEC, đó là chi phí liên quan tới tuân thủ chính sách vẫn tiếp tục không ổn định. Chỉ có 14% người tham gia khảo sát cho biết họ tự tin hơn so với năm trước về khả năng dự báo chi phí tuân thủ và số tiền thuế phải nộp của doanh nghiệp.

Phần lớn các CEO cho biết môi trường pháp lý và chính sách (quy định minh bạch, ít tham nhũng) là yếu tố quan trọng nhất khi quyết định đầu tư xuyên biên giới trong phạm vi khu vực APEC.

Hơn một nửa (58%) cho rằng môi trường pháp lý và chính sách sẽ tác động mạnh mẽ hơn vào các quyết định đầu tư tại khu vực APEC trong 3 đến 5 năm tới. Kết quả khảo sát chỉ ra rằng các dòng vốn đầu tư sẽ có xu hướng chảy vào những nền kinh tế APEC có môi trường pháp lý phù hợp, nguồn nhân lực dồi dào, cũng như triển vọng tăng trưởng năng động.

Các doanh nghiệp cũng đang tìm đến những chiến lược rộng hơn để kích thích tăng trưởng doanh thu. Các CEO cho biết nỗ lực nâng cấp hệ thống công nghệ số trong doanh nghiệp đã giúp họ đạt được hiệu quả về hoạt động và chi phí, cũng như cải thiện trải nghiệm của khách hàng và tối ưu hóa tài sản doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát cho thấy trong 3 năm tới, việc thu thập thông tin trong thời gian thực hoặc cận thời gian thực từ hệ thống kho vận, máy móc và thiết bị thanh toán bán lẻ sẽ trở nên phổ biến khắp khu vực.

1/3 các CEO kỳ vọng vào nguồn doanh thu mới từ việc tích hợp các thiết bị kết nối thông minh vào doanh nghiệp.

Chí Tín

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/doanh-nghiep-viet-lac-quan-hon-muc-trung-binh-apec-d54855.html