Doanh nghiệp Việt khó vào được chuỗi cung ứng toàn cầu do thiếu năng lực quản trị

Theo các chuyên gia quốc tế thuộc Chương trình thí điểm phát triển nhà cung cấp Việt Nam (SDP), thiếu năng lực quản trị, quản lý từ xây dựng chiến lược dài hạn cho đến kế hoạch cụ thể triển khai công việc là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp Việt khó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Các chuyên gia trong Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đánh giá, nhìn chung, các doanh nghiệp Việt có nhiều điều kiện thuận lợi để gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là máy móc và công nghệ được đầu tư mới, hiện đại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt cần tập trung xây dựng chiến lược phát triển và tầm nhìn lãnh đạo, thiết lập quy trình vận hành, khai thác sử dụng máy móc hợp lý và hiệu quả.

Nhiều năm trước, Việt An, một công ty thuộc ngành công nghiệp phụ trợ nằm trong chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp ô tô, xe máy hàng đầu thế giới như Yamaha, Honda, Canon, Piaggio… đã ứng dụng tinh thần Kaizen của Nhật với mong muốn phát triển doanh nghiệp một cách bền vững như các đối tác của mình.

Hiểu một cách đơn giản, nếu Innovation là sự sáng tạo, đổi mới trong toàn bộ doanh nghiệp thì Kaizen là cải tiến ở quy mô nhỏ hơn, mang tính tăng dần và mang lại hiệu quả ấn tượng trong thời gian dài.

Khi phong trào này mới được phát động, nhân viên thường làm tốt, một phần vì sợ sếp, một phần vì thấy hay. Nhưng sau một thời gian mang lại kết quả tích cực, lãnh đạo của công ty này quyết định rút ra, không theo sát quá trình này nữa; lúc này Kaizen cũng dần mất đi.

Và phải tới 3 năm sau đó, Việt An mới vực dậy được phong trào Kaizen trong chính doanh nghiệp của mình nhờ thay đổi lại nhóm nhân sự trẻ, lãnh đạo xác định cam kết theo sát trong suốt quá trình.

Trên thực tế, phong trào Kaizen ở Việt An chỉ là một ví dụ nhỏ cho thấy những thách thức trong tầm nhìn, chiến lược của lãnh đạo mà các công ty đang gặp phải, đặc biệt là những doanh nghiệp muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hồi tháng 5/2018, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp cùng Cục Công nghiệp Việt Nam phát động Chương trình thí điểm phát triển nhà cung cấp Việt Nam (SDP) nhằm hỗ trợ các nhà cung cấp trong nước xuyên suốt chuỗi giá trị trong các ngành mục tiêu, cải thiện hiệu quả hoạt động để có thể đáp ứng yêu cầu của các công ty đa quốc gia (MNE) về chất lượng, giá thành, giao hàng... Khi đã đáp ứng các yêu cầu này, nhà cung cấp sẽ được kết nối với các MNE để tiếp cận cơ hội cung ứng sản phẩm.

Đánh giá 45 doanh nghiệp, hầu hết đều thuộc khối công nghiệp phụ trợ như Việt An tham gia chương trình SDP cho thấy chỉ có khoảng 20% số doanh nghiệp có sức cạnh tranh tốt, đã sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Số còn lại cần được nâng cao năng lực để đủ sức tham gia cung ứng cho các công ty đa quốc gia.

Đơn cử, Công ty Honda Việt Nam hiện chiếm khoảng 60% sản lượng xe máy tại thị trường Việt Nam, nhưng chỉ có 23/100 nhà cung ứng của Honda là doanh nghiệp Việt. Nguyên nhân được cho là do doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về công nghệ, thời gian, nguồn nhân lực.

Trên thực tế, theo nhìn nhận của ông Mike Dickinson, Tổng giám đốc Diễn đàn công nghiệp thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất và kinh doanh ô tô của Anh (SMMT), cố vấn cấp cao Chương trình SDP, nhiều doanh nghiệp Việt có hệ thống máy móc, công nghệ đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc… do được đầu tư mới, nhưng không phát huy được vì thiếu năng lực quản trị, quản lý, từ việc xây dựng chiến lược dài hạn đến kế hoạch triển khai công việc.

Ông Mike Dickinson, Tổng giám đốc Diễn đàn công nghiệp thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất và kinh doanh ô tô của Anh (SMMT)

"Lãnh đạo của một số doanh nghiệp không nắm rõ kế hoạch công việc, không có chiến lược rõ ràng để cùng đội ngũ phát triển trong khi lại đưa ra nhiều kỳ vọng thiếu thực tế”, một cố vấn cấp cao khác của SDP chia sẻ.

Ngoài ra, ban lãnh đạo của một số công ty không có đủ kiến thức để tiến hành các dự án với các đối tác nước ngoài; cụ thể là thiếu kỹ năng và cách tiếp cận; những người được giao đảm nhiệm dự án thì không có kỹ năng quản lý; nhiều công ty không có quá trình đo lường theo dõi kết quả thực hiện.

Căn cứ vào kết quả đánh giá, các chuyên gia của SDP đã xây dựng một chương trình đào tạo cho 45 doanh nghiệp tham gia chương trình. Chương trình này sẽ được thực hiện trong vòng ba tháng kể từ đầu tháng 10/2018.

Vào đầu năm 2019, 45 doanh nghiệp tham gia chương trình của IFC sẽ trải qua quá trình đánh giá hoạt động kinh doanh lần thứ hai, đây là cơ sở để chọn ra 25 doanh nghiệp nhận được hỗ trợ dài hạn hơn với các cố vấn riêng tùy thuộc vào đặc thù mỗi doanh nghiệp. Các nhóm cố vấn còn đóng vai trò quan trọng giúp kết nối các nhà cung ứng trong nước với các doanh nghiệp FDI có nhu cầu.

Để có thể cạnh tranh và nhận hỗ trợ, các doanh nghiệp phải có chiến lược cạnh tranh và hệ thống quản lý rõ ràng; có quy trình giới thiệu và quản lý sản phẩm; quản lý chuỗi cung ứng dựa trên yếu tố công nghệ.

Quỳnh Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/doanh-nghiep-viet-kho-vao-duoc-chuoi-cung-ung-toan-cau-do-thieu-nang-luc-quan-tri-1539576698881.htm