Doanh nghiệp Việt hợp lực để cạnh tranh với 'ông lớn Internet'

Để cạnh tranh với những 'gã khổng lồ' như Google, Facebook... trên môi trường Internet, các tổ chức, doanh nghiệp nội dung số tại Việt Nam cần phải có sự hợp tác chặt chẽ, dù rằng rất khó.

Các diễn giả tham gia tọa đàm tại Internet Day 2017. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Các diễn giả tham gia tọa đàm tại Internet Day 2017. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Tại buổi tọa đàm trong khuôn khổ Ngày Internet Việt Nam diễn ra sáng 22/11 tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, để cạnh tranh với những “gã khổng lồ” như Google, Facebook... trên môi trường Internet, các tổ chức, doanh nghiệp nội dung số tại Việt Nam cần phải có sự hợp tác chặt chẽ, dù rằng rất khó.

Trận chiến của tương lai

Từ khi Việt Nam chính thức hòa mạng Internet vào năm 1997, tới nay, Internet đã len lỏi vào khắp các ngõ ngách của cuộc sống, làm thay đổi thói quen, cuộc sống của nhiều người, cách kinh doanh của doanh nghiệp...

Nhớ lại những năm đầu của thập niên 1990, ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus cho biết, khi ông tới một đơn vị bộ đội kết nghĩa cách Hà Nội khoảng 60km thì thấy rằng những tờ báo, tạp chí của Thông tấn xã Việt Nam được chuyển đới đây đã muộn một tuần so với ngày ra báo.

Thế nhưng giờ đây, với sự bùng nổ của Internet, chỉ cần một vài phút, thông tin đã có thể lan tỏa đến với mọi người. Chính điều này đã làm thay đổi cách tiếp cận của độc giả, cách tác nghiệp của báo chí và sự thay đổi này xảy ra mạnh mẽ trong vòng 3-5 năm trở lại đây.

Sự bùng nổ của Internet cũng khiến báo chí toàn cầu gặp khó khăn. Nguồn thu trước đây từ quảng cáo giờ đã rơi vào tay của Google, Facebook. Một thống kê chỉ ra rằng, có tới 85% chi phí mới cho kỹ thuật số đều rơi vào tay của hai “ông lớn” này và phần còn lại dành cho... báo chí. Đây chính là một trong những thách thức vô cùng lớn mà báo chí buộc phải vượt qua.

Ông Nguyễn Thế Tân, CEO của VCCorp cho rằng, cuộc chiến sắp tới giữa doanh nghiệp Việt và nước ngoài là nội dung số. Theo ông, nội dung số trong nước chiếm khoảng 45-50% thị phần với doanh thu ước tính khoảng 1 tỷ USD/năm. Đây là mảng cực kỳ quan trọng khi doanh nghiệp trong nước có lợi thế địa phương.

Trong khi đó, ông Lê Hồng Minh, CEO của Công ty VNG thì nói, khi mở cửa Internet 20 năm trước, có một điều chúng ta đã lo lắng và giờ đã trở thành hiện thực là mở cửa. Có rất nhiều tranh luận và câu hỏi đặt ra là quản lý doanh nghiệp nước ngoài thế nào? Thế nhưng, đây là khâu hỏi khó có lời giải không chỉ Việt Nam mà trên thế giới.

Do đó, theo ông Hồng Minh, phải chấp nhận thực tế là Internet không có ranh giới và trong tương lai cũng vậy. Sẽ chỉ còn khái niệm sân chơi Internet chung cho các doanh nghiệp, và doanh nghiệp phải hành xử như thế nào trong thị trường đó để tồn tại và phát triển.

Theo CEO của VNG, 10 năm tới Internet sẽ vượt xa tầm ảnh hưởng của nội dung số. Ngành nội dung chiếm 1-2% GDP trong khi cơ cấu còn lại khoảng 50% là dịch vụ thương mại, y tế, ngân hàng... Và, theo ông Lê Hồng Minh, “trận chiến” sắp tới là của các ngành mới ví dụ như Uber, Grab đang là những trận chiến nóng hổi...

Nhiều người thích thú với công nghệ mới nhất được trình diễn tại sự kiện. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Làm gì để cạnh tranh?

Trước những cuộc chiến được dự báo với các “gã khổng lồ” cung cấp dịch vụ từ nước ngoài, nhiều chuyên gia cho rằng, các tổ chức, doanh nghiệpcần phải liên kết lại mới có thể tồn tại và phát triển.

Ông Lê Quốc Minh nhận định, cuộc chiến với tin tức giả (fake news) trong tương lai sẽ còn rất quyết liệt. Do đó, cần phải nâng cao nhận thức người dùng, cơ quan quản lý phải kiểm soát chặt chẽ các nhà mạng... Ngoài ra, cơ quan truyền thông phải chủ động thẩm định thông tin. Đặc biệt, cần ngồi lại với nhau để chia sẻ, cùng bán quảng cáo thay vì quảng cáo chạy sang Google, Facebook.

Bên cạnh đó, ông Lê Quốc Minh cho rằng cần có liên minh về bảo vệ bản quyền trên báo chí. Theo ông, thời điểm này không ngồi lại thì sẽ khó mà chống đỡ được các đợt sóng lớn từ doanh nghiệp nước ngoài.

Đồng tình quan điểm này, ông Lương Hoài Nam, đồng sáng lập Gotadi.com nói sẽ không có cách nào để chặn các công ty toàn cầu. Do đó, các doanh nghiệp trong nước cần hợp tác để phục vụ người dân của mình, dù là rất khó để ngồi lại.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Thế Tân cho rằng, doanh nghiệp nội dung số nước ngoài cung cấp vào Việt Nam không bị ràng buộc bởi nhiều chế tài trong khi doanh nghiệp trong nước bị ràng buộc. Trong cuộc cạnh tranh, doanh nghiệp trong nuwosc ít tiền hơn, họ thoáng tay mình bị trói tay thì đó là khó khăn nhất. Vì thế, quan trọng nhất là tháo gỡ được điều này nhưng phải cân đối mục tiêu của nhà quản lý. Từ đó, ông khuyến nghị về chính sách cần phải có sự thay đổi để tạo sức bật cho doanh nghiệp nội như việc lập “đặc khu ảo” và doanh nghiệp khi tham gia vào đó phải cam kết với cơ quan quản lý và nhận được cơ chế thông thoáng hơn.

Cùng lúc, các tổ chức, doanh nghiệp cần sáng tạo ra những sản phẩm, nội dung độc đáo, có giá trị tốt để thu hút người dùng.

Ông Lê Hồng Minh cho rằng doanh nghiệp trong nước cần mạnh dạn tiến ra nước ngoài một cách bền vững. Bên cạnh đó, cần đầu tư vào các lĩnh vực mới để tìm kiếm thị trường lớn hơn. Cùng lúc, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần ngồi lại đưa ra nhận thức chung để tìm ra giải pháp tháo bỏ rào cản để cùng phát triển.

Tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay hiện có tình trạng gần như “bảo hộ ngược” cho doanh nghiệp nước ngoài. Ví dụ như nhà mạng có những gói cước tạo điều kiện truy cập Facebook, doanh nghiệp cho các đơn vị này đặt máy chủ miễn phí trong khi các doanh nghiệp khác như VNG, VCCorp lại phải đi thuê...

Ông cũng khẳng định Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang tìm cách để có những chính sách phù hợp. Chúng ta không cấm doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam nhưng phải đưa ra các chính sách để tạo bình đẳng giữa doanh nghiệp nước ngoài và trong nước./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/doanh-nghiep-viet-hop-luc-de-canh-tranh-voi-ong-lon-internet/476524.vnp