Doanh nghiệp Việt đang 'bỏ quên' một nguồn vốn lớn

Khi kinh doanh không tốt, doanh nghiệp thường 'đổ lỗi' cho khách quan như cơ chế chính sách. Quan điểm của tôi, đây là cách nhìn thiếu khách quan.

Ông Quang Minh – Chủ tịch, Tổng Giám đốc công ty cổ phần BIZEN Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Việt

Ông Quang Minh – Chủ tịch, Tổng Giám đốc công ty cổ phần BIZEN Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Việt

Ông Quang Minh – Chủ tịch, Tổng Giám đốc công ty cổ phần BIZEN Việt Nam đã chia sẻ với báo Diễn đàn Doanh nghiệp như vậy bên hành lang cuộc Tọa đàm “Kinh doanh thời nay - Khó khăn và giải pháp dành cho SME Việt Nam", vừa diễn ra gần đây. Với thời gian 30 năm nghiên cứu doanh nghiệp, ông Minh nhận thấy phần lớn doanh nghiệp gặp khó là do người chủ, người lãnh đạo, giám đốc doanh nghiệp không nhận thức được chính những điểm yếu và con đường đi của mình.

- Vậy, giải pháp hữu hiệu nhất cho trường hợp này sẽ như thế nào, thưa ông?

Thứ nhất, là phải tự nâng cao và hoàn thiện năng lực bản thân. Thứ hai, là quản trị doanh nghiệp. Thứ ba, là năng lực kinh doanh, từ nhận thức thị trường, đối thủ để đưa ra hoạch định. Thứ tư, là năng lực phát triển bản thân để làm sao có thể theo kịp với sự thay đổi của thời đại ngày nay từ hoạt động kinh tế cũng như vấn đề kinh doanh.

Đây là thời đại của những doanh nghiệp linh hoạt mới chiến thắng, chứ không phải doanh nghiệp lớn hay đi trước mới chiến thắng. Hơn bao giờ hết, năng lực người chủ doanh nghiệp đóng vai trò quyết định để đưa doanh nghiệp tiến về phía trước.

- Bên cạnh vấn đề tự thân, thì vốn cũng là một trong những thách thức đối với DNNVV, thưa ông?

Hiện nay, khi doanh nghiệp thiếu vốn thường nghĩ ngay đến đi vay. Trước hết là vay người thân, bạn bè, nhưng cũng chỉ vay được một lần. Tiếp theo đó là vay ngân hàng. Tuy nhiên, để đến gần ngân hàng thì cũng rất khó khăn và nhiều rào cản. Theo tôi được biết, Chính phủ cũng đang khuyến khích các ngân hàng hướng vào cho vay tín chấp, vì rào cản lớn nhất tại các doanh nghiệp là đang thiếu tiền, tài sản thì cũng không có nhiều để thế chấp. Đây cũng chỉ là những khó khăn nhìn từ phía bên ngoài.

Còn có một nguồn vốn rất lớn khác mà các doanh nghiệp Việt Nam đã bỏ qua, đó là huy động vốn từ các nhà đầu tư, kể cả trên thị trường chứng khoán. Tôi tin họ sẽ sẵn sàng đầu tư vào doanh nghiệp, nhưng có điều các doanh nghiệp Việt vẫn chưa nghĩ tới. Đó là quản trị kém, thiếu minh bạch, không rõ ràng trong hạch toán…Những bất cập này đã khiến doanh nghiệp không mời gọi được các nhà đầu tư.

Khả năng quản trị kém cũng khiến nhà đầu tư không biết doanh nghiệp sẽ đi đến đâu. Thường chiến lược chỉ nằm trong đầu của chủ doanh nghiệp hay CEO, mà không được cụ thể hóa, không triển khai cho nhân viên cùng nắm bắt, không có văn bản hướng dẫn chi tiết... Điều này làm cho nhà đầu tư lo lắng. Trong khi đây là nguồn vốn rất tiềm năng vì nhà đầu tư có thể sẵn sàng cam kết cùng doanh nghiệp lâu dài, không mất lãi trong thời gian trước mắt, cùng đồng cam cộng khổ với doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại đang bỏ qua “nguồn vốn” đặt biệt quý giá này.

- Vậy, theo ông doanh nghiệp cần phải làm gì trong tình huống này?

Theo tôi, điều quan trọng nhất là phải tự nâng cao năng lực của chủ doanh nghiệp để tăng cường năng lực quản trị của doanh nghiệp, minh bạch và rõ ràng hóa tất cả các hoạt động kinh doanh của mình, từ tầm chiến lược đến số liệu thực thế tại thời điểm này. Đây là bí quyết để DNNVV giải quyết được tình trạng vốn của mình một cách lâu dài.

- Còn với các doanh nghiệp khởi nghiệp, theo ông cơ chế chính sách của nhà nước đã có tác động tích cực hay chưa?

Các cơ chế chính sách của nhà nước hiện nay đã được cởi trói và khuyến khích cho khởi nghiệp. Nhưng vẫn chưa đi vào chiều sâu, chưa thực chạm tới và mang lại hiệu quả trực tiếp cho doanh nghiệp. Nhà nước đang đang đẩy mạnh chương trình khởi nghiệp, nhưng chưa có một cơ chế nào giúp cho họ tránh được sai lầm.

Trong khởi nghiệp, 10 người sai lầm thì có 9 người thất bại. Nhưng vấn đề là nhà nước phải thấu hiểu, đối với khởi nghiệp, việc tránh sai lầm quan trọng hơn thành công, vì khởi nghiệp rất khó thành công ngay, do đó cần phải tránh sai lầm và bớt ngộ nhận trước khi tiến đến thành công. Nhà nước cần đẩy mạnh hỗ trợ vấn đề này cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Còn với người mới khởi nghiệp không nên nghĩ rằng mở ra công ty là con đường được trải thảm hoa, mà phải nhìn nhận là con đường khó khăn nhất. Đây không phải là một nghề, mà là sự nghiệp của một đời người. Làm doanh nghiệp phải bắt đầu bằng sự say mê và nghiêm túc tìm hiểu nó. Ở Mỹ, ngoài 30 tuổi họ mới khuyến khích khởi nghiệp, trong khi Việt Nam lại khuyến khích khởi nghiệp sớm là chưa đúng, vì sẽ xảy ra tâm lý “chưa làm thợ đã muốn làm thầy”. Và chương trình khởi nghiệp ở Việt Nam đang bị “đốt cháy giai đoạn”.

Cho nên thứ nhất, phải có thời gian trải nghiệm và tích lũy kiến thức, kinh nghiệm lẫn bản lĩnh, quan hệ các nguồn lực khác để lập doanh nghiệp trước đã. Thứ hai, những người muốn khởi nghiệp thì phải tích cực học tập, trao đổi với những người đi trước, học từ những thất bại chứ không chỉ học thành công. Học từ những thất bại để không thất bại là người thông minh và khôn ngoan nhất. Học thành công để suy ngẫm và tìm ra con đường thành công của riêng mình, cấm sao chép. Đây cũng chính là điểm yếu của các doanh nhân cũng như các startup Việt Nam - thích sao chép thành công, và theo tôi đây là sai lầm lớn nhất.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Việt thực hiện

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/doanh-nghiep-viet-dang-bo-quen-mot-nguon-von-lon-149954.html