Doanh nghiệp Việt cần tăng cường năng lực bản thân khi tham gia CPTPP

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng và có thể hoạt động không hiệu quả nếu không cải cách cơ cấu và hoàn thiện thể chế, tăng cường năng lực khi tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

 Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Anh Dương, trình bày tại Hội thảo (Ảnh: Tapchithongtindoingoai)

Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Anh Dương, trình bày tại Hội thảo (Ảnh: Tapchithongtindoingoai)

Ngày 19/02 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo “Thực hiện hiệu quả Hiệp định CPTPP trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam”.

Hội thảo được thực hiện cùng với sự phối hợp của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

Các đại biểu đã xác định cơ hội và thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ và đề xuất yêu cầu thúc đẩy cải cách cơ cấu và hoàn thiện thể chế, tăng cường năng lực cho doanh nghiệp nhằm thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP.

Về dịch vụ tài chính, CPTPP cam kết mở cửa thị trường cao hơn so với các FTA và WTO. Dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán là những nhóm chính chịu nhiều tác động từ CPTPP. Chính phủ đã và đang tiến hành những bước cải cách cần thiết để hài hòa hóa khung khổ của các nhóm dịch vụ này với cam kết trong CPTPP. Trên thực tế, một số định chế tài chính nước ngoài đã thu hẹp hoạt động hoặc rút khỏi Việt Nam trong thời gian qua.

Về lao động-việc làm, so với một số nước trong khu vực ASEAN và các quốc gia thành viên CPTPP, Việt Nam được đánh giá có lợi thế về nguồn lao động trẻ, dồi dào, chất lượng có cải thiện. Tuy nhiên, xu hướng già hóa ngày càng rõ nét, cơ cấu trình độ chuyên môn kỹ thuật còn bất cập, cơ cấu việc làm chưa thực sự bền vững,..

CPTPP nằm trong số những hiệp định thương mại có yêu cầu cao nhất liên quan đến môi trường và nhìn chung phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam về môi trường cũng như định hướng của Việt Nam về phát triển bền vững. Việc thực hiện các cam kết về môi trường không chỉ có ý nghĩa chuẩn bị cho CPTPP mà xuất phát từ yêu cầu nội tại của nền kinh tế.

Công tác xây dựng cơ sở pháp lý nhằm thực hiện hiệu quả CPTPP cho thấy sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Số lượng các văn bản phải sửa đổi, bổ sung không nhiều do đã có một quá trình dài hoàn thiện pháp luật. Việc sửa đổi, bổ sung năm 2019 không chỉ đáp ứng nghĩa vụ thực hiện các cam kết quốc tế mà còn vì nhu cầu phát triển kinh tế xã hội nội tại của Việt Nam.

Việc thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP đòi hỏi phải xử lý một số yêu cầu về thể chế, bao gồm: hiểu đúng và đầy đủ các nội dung pháp lý trong CPTPP; cải thiện hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan và kịp thời rà soát và ban hành các văn bản pháp luật thực thi CPTPP.

Doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội không nhỏ từ CPTPP: mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tiếp cận nguồn vốn đầu tư; tiếp cận công nghệ, kỹ năng quản lý nước ngoài; và cải thiện hiệu quả hoạt động khi thể chế kinh tế thị trường trở nên hoàn thiện hơn.

Dù vậy doanh nghiệp cũng phải xử lý hiệu quả những thách thức, đặc biệt trong việc cải thiện khả năng cạnh tranh; khả năng tận dụng cơ hội, đặc biệt là hài hòa việc thực hiện CPTPP với các tuyến hội nhập khác.

Tác động đối với doanh nghiệp sẽ tích cực hơn nếu Chính phủ củng cố hơn nữa đồng thuận xã hội về tiến trình và các biện pháp cải cách, cân bằng các mục tiêu chính sách, đồng thời tạo dựng thêm không gian chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp.

Các ý kiến tại Hội thảo cũng nhấn mạnh những yêu cầu về cải cách thể chế thương mại; thể chế đầu tư; thể chế liên quan đến các biện pháp phi thuế quan; thể chế liên quan đến sở hữu trí tuệ;...

CPTPP là tên viết tắt của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Trans-Pacific Partnership). Đây là Hiệp định tiếp nối của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), sau khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP. CPTPP bao gồm 11 thành viên là Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam.

Anh Vũ (TH)

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/doanh-nghiep-viet-can-tang-cuong-nang-luc-ban-than-khi-tham-gia-cptpp-99958.html