Doanh nghiệp Việt cần nâng cao thương hiệu

Bên cạnh việc đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp cần đổi mới sáng tạo nâng cao thương hiệu và giá trị gia tăng từ nguyên liệu là tài nguyên bản địa. Đó được xem là những yếu tố để xây dựng thương hiệu, thâm nhập thị trường trong giai đoạn hội nhập mới.

Nhận định trên được đưa ra tại Hội thảo Cơ hội thị trường cho doanh nghiệp Việt giai đoạn hội nhập mới và kết nối thị trường do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm BSA phối hợp cùng các đơn vị tổ chức diễn ra tại Hà Nội ngày 10/5.

Một gian trưng bày sản phẩm chất lượng trong khuôn khổ hội thảo (Ảnh: K.D)

Chia sẻ về điều này, chuyên gia chiến lược và thương hiệu Trần Anh Tuấn cho biết: cùng với chất lượng sản phẩm các giải pháp đổi mới sáng tạo trong tiếp thị có vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là mẫu mã sản phẩm. Mặc dù phần lớn các mặt hàng thực phẩm vẫn lưu thông qua kênh truyền thống, tuy nhiên tỷ trọng hàng hóa thực phẩm qua kênh hiện đại ngày càng tăng, hiện chiếm khoảng 20-50% tổng lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường. Vì vậy, hơn bao giờ hết để hội nhập doanh nghiệp cần liên tục đổi mới sáng tạo.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng doanh nghiệp nhỏ Việt Nam về nông sản, thực phẩm, thường chỉ xuất nguyên liệu thô hay làm gia công là chính nên không bị “xét giấy” thông hành, căn cước. Người nông dân và doanh nghiệp nhỏ cũng chưa hiểu hết về tiêu chuẩn. Theo các chuyên gia, những yếu tố nền tảng mà doanh nghiệp Việt cần xây dựng để có thể thâm nhập thị trường và phát triển bền vững là phải đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng của sản phẩm, phải nâng cao thương hiệu và giá trị gia tăng từ nguyên liệu…

Chia sẻ với doanh nghiệp, bà Lê Việt Nga – Vụ phó Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương cho biết, cùng với việc hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm an toàn thực phẩm và mô hình chuỗi cửa hàng, cơ sở đảm bảo an toàn thực phẩm. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị truyền thông thực hiện các chương trình truyền thông giới thiệu cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn, xây dựng chuyên mục riêng về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng cường xuất khẩu hàng Việt Nam vào các chuỗi siêu thị của doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài, thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, khuyến công, khoa học công nghệ để hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm an toàn vào hệ thống phân phối.

Tại hội thảo lần này, các doanh nghiệp được cập nhật Bộ tiêu chí Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập. Đây là bộ tiêu chí dựa trên sự kế thừa các quy định, thực hành hiện có tại Việt Nam, được diễn giải và đảm bảo giám sát quá trình áp dụng tuân thủ các quy định về công nhận, chứng nhận quốc tế có liên quan. Bộ tiêu chí sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam khẳng định được chất lượng sản phẩm cũng như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thế giới./.

Kim Dung

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/doanh-nghiep-viet-can-nang-cao-thuong-hieu-483209.html