Doanh nghiệp Việt bình đẳng Netflix, Facebook...: Cất 'gánh nặng người nhà'

Theo chuyên gia, cần rà soát, tiến tới gỡ bỏ những gánh nặng cho doanh nghiệp nội thay vì bắt các nền tảng xuyên biên giới cũng phải chịu gánh nặng ấy.

Mức độ tuân thủ nghĩa vụ thuế giữa các nền tảng xuyên biên giới khác nhau

Tại chương trình 'Đối thoại 2045' giữa Thủ tướng với các doanh nhân, trí thức tiêu biểu, đại diện một doanh nghiệp đề nghị Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ riêng biệt để phát triển văn hóa kinh tế sáng tạo, đồng thời kiến nghị sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình trên nền tảng tôn trọng thực thi luật pháp Việt Nam phù hợp với thông lệ thế giới: tức thì, bình đẳng, không ngoại lệ.

“Có như thế, công nghiệp nội dung Việt Nam mới có năng lực canh tranh để đóng góp vào việc phát triển kinh tế văn hóa sáng tạo”, đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, vấn đề quản lý các nền tảng xuyên biên giới cũng được đặt ra, trong đó có vị ĐBQH lưu ý đến việc phải ưu tiên cho nội lực Việt Nam.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPC) thừa nhận doanh nghiệp trong nước gặp một số khó khăn khi cạnh tranh với các nền tảng xuyên biên giới. Tuy nhiên, cần bóc tách cụ thể từng vấn đề. Cần giải quyết không phải chỉ bằng một nghị định như trên.

Trước hết là về việc thực hiện các nghĩa vụ thuế, Việt Nam gặp khó khăn về mặt cơ chế thu thuế để tạo ra sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các nền tảng xuyên biên giới về nghĩa vụ nộp thuế.

Cần tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài

Cần tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài

Ông Nguyễn Quang Đồng cho biết, không thể vội vàng kết luận các nền tảng xuyên biên giới trốn thuế/không nộp thuế. Thực tế, mức độ tuân thủ nghĩa vụ thuế giữa các nền tảng xuyên biên giới là khác nhau.

Chẳng hạn, Google, Facebook có cơ chế đóng thuế riêng, mà phía cơ quan thuế của Việt Nam đang gặp khó khăn để truy thu thuế của người Việt Nam đóng cho những nền tảng này.

Đối với thuế VAT, khi một doanh nghiệp chạy quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới có thể thông qua 2 cơ chế để nộp thuế. Thứ nhất, một agency quảng cáo sẽ đứng ra thu 10% thuế VAT. Thứ hai, người dùng nộp tiền trực tiếp cho nền tảng xuyên biên giới thông qua thẻ visa, thẻ master. Khi ấy, các nền tảng xuyên biên giới đã trừ lại 10% số tiền trên giá trị hợp đồng để người dùng tự nộp thuế.

"Vấn đề là người dùng không tự nộp thuế, mà cơ quan thuế cũng không truy thu được, dẫn đến có sự bất bình đẳng về nghĩa vụ thuế", ông Nguyễn Quang Đồng nói.

Thuế TNDN thì phức tạp và gây tranh cãi hơn, bởi các nền tảng xuyên biên giới đã đăng ký thành lập doanh nghiệp ở Mỹ hay một quốc gia khác. Với nguyên tắc tránh đánh thuế hai lần, tất cả các nguồn thu, hạch toán lợi nhuận của nền tảng này sẽ được chuyển về nước sở tại - nơi họ đăng ký thành lập doanh nghiệp, còn Việt Nam không thể đánh được thuế TNDN của các nền tảng xuyên biên giới ở nước ta.

Ngoài ra, còn có những phần thuế dịch vụ theo kiểu mới nữa. Facebook hay Google không phải là một nền tảng về mặt thương mại điện tử nhưng họ vẫn có một số dịch vụ tương tự như thế.

Ví dụ, một mẫu quảng cáo xuất phát trên Google Map, đó chỉ chỉ là một dịch vụ mang tính kết nối và quảng cáo, không phải là thương mại điện tử để yêu cầu họ đóng tiền. Những dạng dịch vụ mới như vậy cũng cần xem xét thu thuế dịch vụ như thế nào.

Một ví dụ khác, khi những người làm dịch vụ trên các nền tảng xuyên biên giới đi đóng thuế thu nhập cá nhân thì mới lộ ra là chưa thu được thuế dịch vụ của họ. Vậy làm thế nào biết những thông tin đó để thu thuế?

Theo ông Đồng, bản thân những người làm dịch vụ như trên cũng muốn đóng thuế, vì trốn thuế gặp rất nhiều rủi ro, nhưng làm thế nào để quy định mức thuế suất cho họ và có một cơ chế thuận lợi cho họ đóng thuế? Trong nền kinh tế số, tính linh hoạt rất cao, các nền tảng trong nước hay nước ngoài đều là một cơ chế để cho họ sáng tạo nội dung trên ấy.

"Hiện nay, có những vấn đề mới phát sinh phức tạp của nền tảng xuyên biên giới, do đó cần tách biệt từng vấn đề. Cơ chế thu thuế của Việt Nam chưa đảm bảo, năng lực của các cơ quan thu thuế làm sao để đảm bảo theo kịp những giao dịch số... là vấn đề đặt ra cho hệ thống trong nước", Viện trưởng IPS nhấn mạnh.

Nâng cao nội lực Việt Nam thế nào?

Ông Nguyễn Quang Đồng đánh giá, một số quy định của các cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong nước rất chặt chẽ, không còn phù hợp và tạo ra cản trở cho sự phát triển của doanh nghiệp trong nước.

Vấn đề kiểm duyệt nội dung, đăng ký trên môi trường số là một ví dụ. Các doanh nghiệp trong nước phải chịu những quy định xin phép, cấp phép rất phiền hà, chưa kể đằng sau chuyện cấp phép đó còn có tiêu cực. Đây là gánh nặng đang đè lên doanh nghiệp trong nước và cần phải giải phóng các doanh nghiệp trong nước ra khỏi những gánh nặng ấy để họ thoải mái hơn trong chuyện kinh doanh.

Vị chuyên gia dẫn chứng câu chuyện về taxi truyền thống và taxi công nghệ. Taxi truyền thống phải gánh thêm những quy định bất hợp lý hơn, như bị cấm lưu thông trên một số tuyến phố vào giờ cao điểm, trong khi taxi công nghệ lại được đi. Vấn đề ở đây là đừng cấm taxi truyền thống đi vào một số tuyến đường như vậy vì họ không gây tắc nghẽn mà còn đang góp phần giải quyết vấn đề giao thông. Thay vì taxi công nghệ cũng bị cấm đường như taxi truyền thống thì phải gỡ bỏ quy định cấm đường đối với taxi truyền thống.

Đó là chưa kể có những đòi hỏi vô lý như taxi công nghệ cũng phải đeo mào hay gắn logo phản quang để nhận diện.

Từ câu chuyện này, Viện trưởng IPS cho rằng các bộ, ngành cần rà soát lại xem những quy định nào đang tạo gánh nặng cho doanh nghiệp trong nước thì giải tỏa để tránh tạo nên sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Trước những kiến nghị phải ưu tiên, nâng cao nội lực doanh nghiệp Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Quang Đồng cho rằng điều này trên hết phụ thuộc vào chính các doanh nghiệp.

Theo đó, Nhà nước chỉ có thể sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, môi trường pháp lý tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, còn cạnh tranh bằng công nghệ, bằng thị trường là chuyện của doanh nghiệp, Nhà nước không có cách nào can thiệp được.

Ông dẫn chứng, đối với một số ngành cụ thể, như mảng Big Data, cần đầu tư vào mảng giáo dục nghề nghiệp để hỗ trợ nguồn nhân lực cho doanh nghiệp Việt.

Hay trong một số dịch vụ công của chính phủ, có thể dùng các nhà thầu nội địa thay vì nhà thầu nước ngoài để nâng hiệu quả của doanh nghiệp trong nước lên. Tuy nhiên, việc này phải cẩn trọng để tránh một số rào cản về mặt kỹ thuật, chống phân biệt đối xử trong CPTPP.

Trong dịch vụ OTT, rất khó đòi hỏi các nền tảng xuyên biên giới như Netflix phải có các kênh truyền hình quảng bá của Việt Nam, hay phải dịch tất cả nội dung trên đó ra tiếng Việt... Ngược lại, cũng không thể bắt một số nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước phải gánh những chi phí theo kiểu của Việt Nam.

"Không thể yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước phải đưa vào những kênh truyền hình hầu như chẳng có người xem. Đây là cơ chế thị trường, không thể áp đặt kiểu hành chính như vậy", ông Nguyễn Quang Đồng nói và cho rằng, đối với những quy định vô lý thì cần loại bỏ, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp trong nước, giúp họ bình đẳng về quyền lợi và trách nhiệm với các nền tảng xuyên biên giới.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/doanh-nghiep/doanh-nghiep-viet-binh-dang-netflix-facebook-cat-ganh-nang-nguoi-nha-3428928/