Doanh nghiệp Việt bị 'gạt' ra ngoài chuỗi giá trị: Linh kiện chạy lòng vòng

Nhiều doanh nghiệp VN bị các tập đoàn đầu tư nước ngoài (FDI) từ chối dù sản phẩm của họ đang được xuất khẩu cho nhiều khách hàng tại các nước phát triển.

Các DN trong nước rất khó để trở thành nhà cung ứng cho Samsung tại VN - Ảnh: M.P

Bị từ chối ở thị trường nội địa

Tại cuộc gặp với Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vào ngày 18.7, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp (DN) cơ khí - điện TP.HCM, cho rằng nhiều DN nước ngoài như Samsung cũng làm khó DN trong nước.

Trả lời Thanh Niên, ông Tống ví dụ cụ thể, Công ty cơ khí Duy Khanh là DN có tuổi đời hơn 30 năm sản xuất hàng cơ khí tại VN, trong đó đã có hơn 20 năm chuyên cung cấp các khuôn mẫu và các chi tiết máy cho nhiều tập đoàn nước ngoài, sản phẩm đã xuất khẩu đến các quốc gia Mỹ, Canada... Thế nhưng, ngay trong nước, rất nhiều lần công ty nỗ lực thi thố để có thể lọt vào danh sách nhà cung ứng cho một số tập đoàn sản xuất điện tử đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản như Samsung, nhưng thất bại.

“Những thông tin từ phía các DN nước ngoài đưa ra cho DN nội địa còn khá mơ hồ, không rõ ràng. Hoặc họ chỉ đưa cho các DN yếu kém để làm thử rồi từ đó kết luận DN trong nước không đáp ứng được yêu cầu. Trong khi các DN làm được, có năng lực và đầu tư hạ tầng tốt thì lại không được tham gia sản xuất thử. Hầu hết khi liên hệ đều được thông báo để lại thông tin liên lạc sau nhưng từ đó là mất hút”, ông Tống phản ánh.

Tương tự, Công ty TNHH cao su Đức Minh chuyên sản xuất roăng cao su cho xe hơi xuất khẩu sang cho một nhà cung ứng linh kiện, phụ tùng ở Hàn Quốc. Nhà cung ứng này bán cho một nhà lắp ráp ô tô tại VN và sản phẩm tái nhập vào nội địa. Thế nhưng, chính Công ty Đức Minh cũng từng tham gia sản xuất mẫu roăng cho một đơn vị lắp ráp ô tô đến từ Nhật có nhà máy ở VN với mong muốn để trở thành nhà cung ứng, nhưng luôn bị từ chối.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Cao su - Nhựa TP.HCM, nhận xét trường hợp này không hiếm, bởi rất nhiều linh kiện điện tử, điện máy được DN VN sản xuất hoặc gia công cho DN ngoại nằm trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn điện tử, nên lại tái xuất khẩu những linh kiện đó cho nhà lắp ráp tại nước nào có nhu cầu. “Nhiều khi cái roăng cao su làm bởi công ty Việt được tái nhập vào VN hay nhập sang Thái Lan, Indonesia... với xuất phát từ nhà cung ứng Hàn Quốc hay Nhật là điều bình thường”, ông Anh nói thêm.

Một DN chuyên sản xuất bao bì lớn, nhà máy đặt tại Đức Hòa - Đức Huệ (Long An) có thâm niên 16 năm làm trong nghề và có thể cung cấp bao bì cao cấp, đủ loại cho các nhà sản xuất từ sữa, điện tử, bánh kẹo đến hàng gốm sứ, kính... nhưng nhiều lần gửi hồ sơ muốn trở thành nhà cung ứng bao bì cho một tập đoàn ngoại chuyên sản xuất sữa, ngũ cốc, cà phê hòa tan tại VN đều không thành công.

“Thật ra chúng tôi không có ý chen chân giành mối của đối tác mình và “buôn có bạn, bán có phường”. Tuy nhiên, khi DN FDI đánh tiếng muốn tìm nhà cung ứng bao bì cho mảng sản phẩm ngũ cốc họ mới sản xuất thử nghiệm tại một cuộc hội thảo, một mặt hàng còn mới và nhu cầu còn rất thấp, chúng tôi muốn thử sức mình là được làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất lớn. Từ đó, có thể tiến đến cùng tham gia công đoạn nào đó trong chuỗi cung ứng của DN. Song điều này quả không dễ và không đơn giản chút nào và không hiểu sao mình vẫn bị từ chối”, giám đốc kinh doanh của DN này chia sẻ.

Chỉ “hứng phần vụn”

Không phủ nhận có một số DN nhỏ trong nước có năng lực yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của quá trình tuyển chọn làm công nghiệp hỗ trợ cho các DN FDI, nhưng ông Nguyễn Quốc Anh nhấn mạnh đa số các tập đoàn sản xuất điện tử đến từ Hàn, Nhật đều đưa theo bộ sậu sản xuất và cung ứng theo chuỗi sản xuất của họ. Vì vậy bản thân các DN nội địa, nếu có tham gia, chỉ “hứng phần vụn” trong chuỗi cung ứng này.

“DN vừa và lớn trong nước, từng cung ứng cho các tập đoàn điện tử lớn nước ngoài, có đầu tư bài bản chuyên nghiệp đến đâu cũng rất khó lọt vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài. Chỉ ngoại trừ một phụ tùng hay linh kiện đơn giản nào đó đặt làm từ DN ngoại có chi phí cao hơn DN nội, hoặc to cồng kềnh, không đòi hỏi công nghệ cao và chi phí vận chuyển nếu đi xa tốn kém thì họ mới đặt DN nội địa làm”, ông Anh nhận xét.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Phước Tống đề nghị: “Tôi thấy các DN Nhật hay Hàn đều ưu tiên cho các nhà cung ứng của họ. Làm vậy làm sao các DN phụ trợ VN cạnh tranh được? Chính phủ cần phải có chính sách rõ ràng để hạn chế tối đa sự tham gia của các DN phụ trợ nước ngoài đầu tư sản xuất tại VN. Vì hầu hết các lĩnh vực này chúng ta đều sản xuất được, ngoại trừ một vài linh kiện chi tiết công nghệ cao. Đó cũng là một trong những điểm quan trọng để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước thay vì chỉ loanh quanh và vẫn yếu kém như suốt bao nhiêu năm qua”.

Nguyên Nga

Mai Phương

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/doanh-nghiep-viet-bi-gat-ra-ngoai-chuoi-gia-tri-linh-kien-chay-long-vong-985344.html