Doanh nghiệp viễn thông và nhà đầu tư Trung Quốc 'săn' giá trị kinh tế từ 5G

Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên xây dựng và triển khai mạng 5G trên thế giới. Xét riêng về số liệu, nước này dường như đã chiến thắng trong cuộc đua 5G.

Ảnh minh họa: Internet

Hiện tại, các công ty viễn thông của Trung Quốc triển khai 5G quy mô lớn nhất với 130.000 trạm gốc vào cuối năm, trong khi tháng đầu tiên ra mắt dịch vụ 5G thương mại, hơn 5 triệu điện thoại được bán ra.

Tuy nhiên, thước đo thành công thực sự của 5G là giá trị kinh tế mà nó tạo ra và đó là điều mà các công ty viễn thông, nhà đầu tư và ngành công nghiệp Trung Quốc đang vật lộn.

Zhang Jin, nhà nghiên cứu tại Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc và là đồng tác giả của một nghiên cứu mới về 5G, thừa nhận "thách thức nghiêm trọng" mà các nhà mạng phải đối mặt. Chúng bao gồm các yêu cầu về vốn đầu tư khổng lồ, khách hàng không sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho 5G và cần phải cải tổ tổ chức để giành được nhiều khách hàng nhất.

Ở giai đoạn đầu này, ba nhà mạng gồm China Mobile, China Unicom và China Telecom đưa ra một danh sách các ngành mà họ xem là mục tiêu hoặc đã hợp tác nhưng đến nay họ chỉ có một số dự án làm ví dụ.

Cụ thể, China Mobile đang giúp xây dựng một "cổng thông minh" tại cảng Ninh Ba ở phía đông Trung Quốc, sử dụng 5G để điều khiển từ xa các cần cẩu để giảm độ trễ và cắt giảm chi phí lao động. Nhà mạng cũng tham khảo một nhà máy điện thông minh ở Giang Tây và phẫu thuật từ xa hỗ trợ 5G được thực hiện trong bệnh viện PLA.

China Mobile chỉ ra một loạt các mối quan hệ đối tác mà nó đã thiết lập, gồm liên minh Internet vạn vật kết nối (IoT) với hơn 900 thành viên và một nhóm khác trong video và hoạt hình nhưng cho đến nay chưa có kết quả nào trong hoạt động thương mại.

Để mở rộng theo các hướng khác, ba nhà khai thác đã thành lập tất cả các quỹ đầu tư mạo hiểm. Tháng 9, China Unicom công bố thành lập quỹ đổi mới trị giá 10 tỷ nhân dân tệ (1,43 tỷ USD) để xây dựng "bãi thử nghiệm đại dương xanh" và vườn ươm khởi nghiệp. China Mobile cho biết sẽ đầu tư 14 tỷ nhân dân tệ (2 tỷ USD) trong năm tới cho các dự án và công ty khởi nghiệp 5G, còn China Telecom được cho là đang lên kế hoạch cho một quỹ tương tự.

Dù vậy, họ bị giới hạn bởi các hạn chế của nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc. Kinh tế kém hiệu quả là một trong những lý do khiến Bắc Kinh rất quyết liệt trong việc tăng tốc 5G. Năng suất công nghiệp của Trung Quốc chỉ bằng khoảng 35% so với các nền kinh tế hàng đầu, nếu tính trên toàn bộ nền kinh tế là khoảng 30%.

Trong một bài phát biểu gần đây về ngành công nghiệp, Bao Fan, Giám đốc điều hành của Công ty đầu tư China Renaissance, thừa nhận các khó khăn, chỉ ra dù Trung Quốc thành công trong Internet tiêu dùng, Mỹ lại vượt xa trong Internet công nghiệp.

Nếu khoảng 80% các nhà sản xuất Mỹ sử dụng đám mây, Trung Quốc chỉ là 30%; tại Mỹ, 12% sử dụng cảm biến công nghiệp, gần gấp 3 lần số lượng ở Trung Quốc. Các công ty Mỹ có bằng sáng chế cao gấp 5 lần so với Trung Quốc.

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-vien-thong-va-nha-dau-tu-trung-quoc-san-gia-tri-kinh-te-tu-5g-193604.ict