Doanh nghiệp vi phạm xuất khẩu lao động: Sẽ bị thu hồi giấy phép

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung thừa nhận trong công tác xuất khẩu lao động còn tình trạng loạn thu phí, cò mồi, trốn trách nhiệm từ phía doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Đồng thời cam kết, sẽ tiếp tục chấn chỉnh việc này, cần thiết sẽ tạm dừng và thu hồi giấy phép với những doanh nghiệp vi phạm pháp luật.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đưa người LĐVN đi làm việc ở nước ngoài là một chủ trương của Đảng và Nhà nước, đã được cụ thể bằng luật pháp. Trong chương trình quốc gia về giải quyết việc làm cho thanh niên, Việt Nam từng đặt ra mục tiêu sẽ có 1 triệu thanh niên, người lao động được đi lao động học tập tại nước ngoài.

Lao động đang làm việc ở nước ngoài mỗi năm gửi về khoảng 3 tỷ USD (ảnh minh họa)

Theo đó, đến nay, Việt Nam có khoảng 500.000 người đang làm việc tại nước ngoài. Số lượng này gần đây có tăng lên, đặc biệt năm 2017, Việt Nam đưa được 134.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Bình quân thu nhập mỗi năm thu về từ các lao động ở nước ngoài là xấp xỉ 3 tỷ USD.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, công tác xuất khẩu lao động còn những bất cập như tỷ lệ LĐVN bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không về nước, ở lại lao động bất hợp pháp vẫn xảy ra ở một số thị trường. “Đúng như đại biểu nói, một số thị trường tiềm năng tỷ lệ bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không chịu về nước rất cao, đặc biệt là Hàn Quốc có lúc lên đến 50%.

Vì lý do này, Hàn Quốc đã không ký lại bản ghi nhớ về việc tiếp nhận LĐVN trong 4 năm. Sau 3 năm kiên trì triển khai rất nhiều biện pháp, đến năm 2017, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐTBXH đã làm việc với phía Hàn Quốc đề nghị bạn kiên quyết với các chủ doanh nghiệp sử dụng lao động bất hợp pháp, tỷ lệ LĐVN bỏ trốn rút xuống còn 33%. Trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc vừa qua, phía Hàn Quốc đã đề nghị Việt Nam ký lại bản ghi nhớ này. Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động, giảm tình trạng lao động trốn việc ở nước ngoài”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Trước những băn khăn của đại biểu Quốc hội về việc thời gian qua, nhiều văn phòng xuất khẩu lao động trái phép, đăng tin lừa đảo trên mạng, khiến nhiều người dân lao đao, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đưa người đi lao động nước ngoài là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên Bộ cũng rất thận trọng.

Tình trạng cò mồi, môi giới, thu phí, trốn tránh trách nhiệm cũng có và Bộ LĐTBXH cũng đã chấn chỉnh việc này. Cụ thể, thời gian qua, Bộ LĐTBXH cùng với Chính phủ đã tổ chức đối thoại với 282 doanh nghiệp, cùng chấn chỉnh, tháo gỡ những vướng mắc, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp khi về địa phương tuyển lao động phải thông báo công khai về nhu cầu, mức thu, lệ phí thu...

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cũng cho biết: Thời gian qua, Bộ đã thanh tra 51 doanh nghiệp, phát hiện 338 sai phạm, đã thu hồi giấy phép hoạt động của 5 doanh nghiệp, đình chỉ tạm thời 25 doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp có cả bề dày trong công tác xuất khẩu lao động 25 năm - lần đầu tiên bị đình chỉ và thu hồi giấy phép.

“Thời gian tới, ngành LĐTBXH sẽ tiếp tục chấn chỉnh, đặc biệt phối hợp chặt chẽ với địa phương, giám sát kỹ các doanh nghiệp trong quá trình thu phí, công khai minh bạch, phối hợp phía bạn, cần thiết sẽ tạm dừng và thu hồi giấy phép với những doanh nghiệp vi phạm pháp luật”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh

Về giải pháp bảo vệ lao động qua biên giới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo tập trung xử lý vấn đề này. Hiện, ước tính có khoảng 139.000 LĐVN thường xuyên qua biên giới làm việc. Tuy nhiên, có một khó khăn là hiện chúng ta đang thiếu khuôn khổ pháp lý về vấn đề này. Hiện Bộ LĐTBXH đang hướng dẫn 7 tỉnh phía Bắc ký biên bản với các địa phương phía bạn về bảo vệ lao động.

Trước những vấn đề đại biểu và cử tri nêu liên quan đến công tác lao động, việc làm, đặc biệt là công tác xuất khẩu lao động, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Lao động, việc làm là những vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống người dân và xã hội, nên luôn nhận được sự quan tâm của các đại biểu, cử tri và nhân dân.

Vì thế, tới đây, ngành LĐTBXH cần khẩn trương rà soát, đánh giá tổng thể hoạt động đưa LĐVN đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác lao động với các nước có nhu cầu lao động, hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường lao động. Đặc biệt, cần rà soát các thủ tục hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong việc cấp phép cho doanh nghiệp đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị ngành LĐTBXH cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài để trục lợi; phối hợp với các cơ quan có các giải pháp phù hợp để quản lý, bảo vệ LĐVN ở nước ngoài, hạn chế tối đa việc LĐVN lợi dụng đi lao động ở nước ngoài để trốn ở lại nước sở tại trái pháp luật.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/doanh-nghiep-vi-pham-xuat-khau-lao-dong-se-bi-thu-hoi-giay-phep-74549.html