Doanh nghiệp vận tải vừa và nhỏ phát triển nhờ mô hình kết nối công nghệ

Không còn lo lắng bị triệt tiêu bởi những 'ông lớn', các DN vận tải vừa và nhỏ, các HTX đã có những bước tiến phát triển nhờ công nghệ kết nối.

Các doanh nghiệp vận tải vừa và nhỏ, các HTX đã và đang phát triển mạnh nhờ công nghệ kết nối

Các doanh nghiệp vận tải vừa và nhỏ, các HTX đã và đang phát triển mạnh nhờ công nghệ kết nối

Năm 2016, Bộ GTVT chính thức phê chuẩn kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016). Nhờ vậy, đã mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp vận tải vừa và nhỏ cũng như các HTX. Ngay khi mô hình xe công nghệ mà tiêu biểu là Uber, Grab được phép thí điểm loại hình “xe hợp đồng điện tử”, hàng trăm HTX vận tải vừa và nhỏ như được sống lại, khi được tiếp cận với công nghệ mới nhất, giúp cải thiện lợi nhuận, giảm áp lực cho lái xe.

Đáng nói, mô hình kết hợp như Grab và HTX vận tải có quan hệ đối tác đã tận dụng được nguồn lực và kinh nghiệm sẵn có của các HTX vận tải để phát triển mạnh hơn, gia tăng hiệu quả quản lý dịch vụ giao thông cho hàng trăm HTX và đối tác vận tải. Các HTX vừa và nhỏ có cơ hội trụ lại trong bối cảnh kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt, tạo ra những giá trị kinh tế cho hàng ngàn lái xe, lợi ích thực thụ cho hàng triệu người tiêu dùng..

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, các HTX vừa và nhỏ trong lĩnh vực vận tải trước đây thường có quy mô nhỏ, số lượng phương tiện chỉ vài ba chiếc, lợi nhuận không cao, chủ yếu duy trì để có công ăn việc làm cho các xã viên kiểu “lấy công làm lãi”. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế phát triển, vận tải cũng phát triển mạnh mẽ, nhiều loại hình vận tải ra đời đã khiến các HTX vận tải vừa và nhỏ càng khó khăn để cạnh tranh bởi tính lạc hậu, ít cơ hội tiếp thị bài bản và có phần yếu kém về công nghệ”.

Hiện nay, với mạng lưới hợp tác phủ rộng trên 5 tỉnh – thành phố thí điểm trong hơn 4 năm qua, khoảng 300 HTX vận tải trên cả nước đã bắt tay hợp tác Grab, trong số này tất cả đều cho rằng, mối quan hệ tương hỗ này đã giúp nhiều bên cùng có lợi. Kinh tế số thời 4.0, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ kiến tạo mà tiêu biểu là đề án thí điểm triển khai ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016) không những không triệt tiêu cái cũ, mà còn là một nền tảng mới giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ này tồn tại, phát triển có quy mô, hiệu quả và chuyên nghiệp, dễ quản lý hơn nhờ tính minh bạch so với thời xe vẫy.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc Taxi Nguyên Minh trên thị trường Hà Nội thừa nhận, từ ngày Grab có mặt tại Hà Nội, taxi Nguyên Minh đã tìm hiểu đồng thời bắt tay hợp tác. “Cũng phải thừa nhận, ban đầu chúng tôi cũng rất phản đối, vì thời điểm đó taxi truyền thống chịu quá nhiều ràng buộc trong khi xe công nghệ, dường như lại hoạt động dễ dàng hơn. Nhưng qua tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu của hành khách, chúng tôi đã đi tới “bắt tay” làm đối tác, tương trợ hai bên cùng có lợi. Hơn 5 năm hợp tác cho kết quả rất khả quan. Và có thể khẳng định, Grab hỗ trợ các HTX vận tải vừa và nhỏ phát triển hơn chứ không hề triệt tiêu đi”, ông Minh nói.

Theo ông Minh, từ khi hợp tác với Grab đến nay, doanh thu của HTX tăng lên, lượng khách đều tăng lên hàng năm khoảng 30%; đối với lái xe cũng giảm cung đường chạy rỗng, không còn phải “lang thang rà rê” trên các tuyến phố để đón khách, chờ khách gây kẹt xe, xả thải.

Mới đây, sau một thời gian dài đánh giá và tổng kết thí điểm, Bộ GTVT vừa có Quyết định số 146/QĐ-BGTVT dừng Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016) kể từ ngày 1/4/2020 để thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Như vậy, từ ngày 1/4 tới, xe công nghệ như Grab, Go-Viet, Fastgo… sẽ rộng đường để hoạt động vì đã có hành lang pháp lý rõ ràng, không còn bó gọn trong việc thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố theo Đề án 24 nữa. Xe công nghệ sẽ thoải mái mở rộng mạng lưới hoạt động của mình tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước, nếu địa phương đó thông qua. Đây là bước tiến rất lớn sau nhiều năm loại hình vận chuyển này xuất hiện ở Việt Nam.

Công nghệ 4.0 hướng tới nền kinh tế số với tính chuyên môn hóa cao sẽ tạo hiệu quả kinh tế cao. Mỗi doanh nghiệp, bộ phận tập trung, chuyên sâu vào thế mạnh của mình để phục vụ khách hàng nhanh hơn, thuận tiện hơn, văn minh hơn. Các HTX giảm bớt được khâu kết nối, tập trung quản lý đội ngũ lái xe văn minh, hài lòng người dùng, mang lại hiệu quả cao nhất.

Đăng Sơn

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/doanh-nghiep-van-tai-vua-va-nho-phat-trien-nho-mo-hinh-ket-noi-cong-nghe-d455287.html