Doanh nghiệp vận tải gặp khó do dịch COVID-19

Xe nằm bến dừng hoạt động. Nếu chạy, phải bù lỗ vì không đủ chi phí xăng dầu, trả lương cho lái, phụ xe... Đó là thực trạng chung của nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô trên địa bàn tỉnh khi dịch COVID-19 tái bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp.

Lực lượng Thanh tra giao thông Thanh Hóa kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 đối với nhà xe Sao Việt (tuyến Thanh Hóa - Hà Nội) trước khi xe xuất bến. Ảnh: MC

HTX Vận tải Tấn Thành (trụ sở tại lô 54, mặt bằng quy hoạch 1636, đường Nguyễn Trãi, phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa) có gần 50 đầu xe ô tô chở khách đi các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... và ngược lại. Ông Đỗ Trọng Thướng, Phó Giám đốc HTX, cho biết: Xe các tuyến Thanh Hóa - TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa- Bắc Ninh, Thanh Hóa- Bắc Giang, Thanh Hóa- Quảng Nam của HTX đã không chạy từ đầu tháng 5-2021 do tại những địa phương này, dịch COVID-19 vẫn đang còn diễn biến phức tạp. Các tuyến còn lại: Thanh Hóa - Hà Nội, Thanh Hóa - Quảng Ninh, Thanh Hóa - Bình Dương..., HTX đã giảm đầu xe và giảm tần suất chạy chỉ bằng 20% so với khi chưa bùng phát dịch COVID-19. Song, mỗi chuyến xe chỉ dao động từ 3- 7 khách nên không đủ chi phí xăng dầu và trả lương cho lái xe, phụ xe. Chẳng hạn như tuyến Thanh Hóa - Hà Nội, HTX đã rút từ 20 xe xuống còn 5 xe, nhưng mỗi chuyến xe chỉ có khoảng 5 khách. Với giá vé 100.000 đồng/vé, mỗi chuyến thu được 500.000 đồng, trong khi đó chi phí xăng dầu là 1,8 triệu đồng (chưa kể chi phí cho lái xe, phụ xe và tiền bến bãi). Mặc dù, mỗi chuyến xe chạy đều phải bù lỗ nhưng HTX vẫn phải duy trì để vừa giữ tuyến, vừa giữ khách. Tuy nhiên, việc bù lỗ sẽ không thể kéo dài, nếu như... dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và lượng hành khách đi xe ô tô không được cải thiện.

Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Thọ Mười, huyện Triệu Sơn có 22 xe ô tô chở khách (12 xe chạy tuyến cố định và 10 xe chạy hợp đồng). Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công ty: Từ đầu tháng 5 đến nay, nghĩa là khi dịch COVID-19 tái bùng phát ở 30 tỉnh, thành trong cả nước, xe chạy tuyến cố định đi các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên của công ty phải dừng hoạt động và nằm bến. Một số tuyến đi các tỉnh, thành phố khác, như: Lạng Sơn, Bình Dương, TP Hà Nội... vẫn hoạt động bình thường nhưng doanh nghiệp thực hiện giảm chuyến 50%, nghĩa là từ 2 chuyến/ngày xuống còn 1 chuyến/ngày. Tuy nhiên, lượng khách đi xe chỉ đạt dưới 30% so với trước khi xảy ra dịch. Do lượng khách đi lại giảm sâu nên mỗi chuyến (sau khi trừ chi phí xăng dầu, trả công cho lái, phụ xe, bến bãi) doanh nghiệp phải bù lỗ rất nhiều. Riêng tuyến Bình Dương phải bù lỗ cả chục triệu đồng/chuyến, nhưng vì giữ tuyến và giữ khách nên doanh nghiệp vẫn phải cố duy trì.

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, việc bù lỗ này không thể kéo dài vì doanh nghiệp không còn đủ sức. Bởi, ngoài số tiền bù lỗ, trả lương cho lái, phụ xe..., mỗi tháng Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Thọ Mười còn trả lãi vay ngân hàng 200 triệu đồng từ khoản vay đầu tư mua xe. Vì vậy, ông mong muốn trong thời điểm kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các ngân hàng nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp bằng cách giảm lãi suất và khoanh nợ (không đưa vào nợ xấu). Chờ đến khi dịch được khống chế, hoạt động vận tải trở lại bình thường, việc trả lãi và gốc cho ngân hàng sẽ có nhiều thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thời điểm xe ô tô chở khách phải lắp camera giám sát từ ngày 1-7-2021 theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 của Chính phủ sẽ càng thêm khó cho doanh nghiệp.

Hơn 1 tháng nay, hàng chục xe ô tô chở khách đi các tỉnh phía Nam của Công ty TNHH Vận tải hành khách Tuấn Thành (trụ sở phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa) vẫn xếp hàng đỗ ngay ngắn tại bến xe phía Nam TP Thanh Hóa. Ông Trần Xuân Tú, Giám đốc Công ty, cho biết: “Từ ngày 10-5 đến nay, 12 xe chạy tuyến Thanh Hóa- Đà Nẵng của doanh nghiệp tôi dừng hoạt động và nằm tại bến, chỉ còn 2 xe chạy tuyến Thanh Hóa - Quy Nhơn hoạt động, nhưng phải giảm tần suất chạy xe từ 2 ngày/chuyến xuống 4 ngày/ chuyến, lượng khách đi xe chỉ rất ít. Mỗi chuyến Thanh Hóa - Quy Nhơn, công ty bù lỗ gần 10 triệu đồng. Ngoài chấp nhận bù lỗ để duy trì tuyến và giữ khách, mỗi tháng doanh nghiệp còn trả lãi ngân hàng số tiền khoảng 200 triệu đồng từ khoản tiền vay để mua xe kinh doanh... Tất cả những vấn đề này đặt doanh nghiệp trong tình cảnh vô cùng khó khăn”.

Không chỉ có 3 đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng ô tô đang khốn đốn, gặp khó do ảnh hưởng của dịch COVID-19 mà hiện trên địa bàn tỉnh có trên 1.000 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách với hơn 5.000 phương tiện (số liệu từ Phòng Quản lý Vận tải, Sở Giao thông - Vận tải cung cấp) đến thời điểm này cũng đang gặp khó. Vì vậy, để vượt qua giai đoạn này, các doanh nghiệp ngoài áp dụng các giải pháp chống đỡ như: Chấp nhận cho xe nằm bến chờ dịch COVID-19 được kiểm soát mới hoạt động trở lại (đối với vùng có dịch diễn biến phức tạp); cho xe hoạt động cầm chừng bằng cách giảm chuyến, giảm tần suất hoạt động và chấp nhận bù lỗ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mong muốn, kiến nghị các ngân hàng giảm lãi và giãn nợ (khoanh nợ) đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vay vốn mua ô tô kinh doanh vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng thời, nghiên cứu, xem xét lùi thời hạn lắp camera giám sát theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ, thay vì phải lắp vào ngày 1-7 tới đây.

Bài và ảnh: Minh Lý

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/giao-duc/doanh-nghiep-van-tai-gap-kho-do-dich-covid-19/19948.htm