Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay lãi suất thấp

Các chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, nhưng lãi cho vay giảm chưa tương xứng. Thời gian qua, một số ngân hàng tung ra gói tín dụng ưu đãi, nhưng để doanh nghiệp tiếp cận là điều không dễ dàng.Tín dụng tăng trưởng

Lãi suất huy động và cho vay chưa tương xứng

Từ tháng 3.2021, sau nhiều tháng sụt giảm liên tiếp, lãi suất tiết kiệm trên thị trường có dấu hiệu tăng trở lại tại một số ngân hàng tư nhân lớn. Song, mặt bằng lãi suất huy động vẫn ở mức thấp so với nhiều năm trước. Hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng chỉ khoảng 3%, từ 6 - 9 tháng khoảng 4 - 6%/năm, kỳ hạn 12 tháng từ 5,3 - 7%/năm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay được cho là giảm không tương xứng. Những lĩnh vực không thuộc ưu tiên đang phải vay vốn kỳ hạn 6 tháng với lãi suất ở mức 7,5%/năm, nhưng 3 tháng sau sẽ điều chỉnh, khi đó lãi cho vay có thể tăng lên khoảng 8,5 - 9%/năm.

Lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, nhưng lãi cho vay giảm chưa tương xứng.

Theo các doanh nghiệp, mức lãi suất cho vay giảm như vậy là không đáng kể. Với khoản cho vay dài hạn, lãi suất ưu đãi năm đầu từ 8 - 8,7%/năm, các năm sau cộng thêm biên độ từ 3,5 - 4,3%/năm, tính ra, lên tới từ 11,5% đến hơn 12%/năm. Chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay rất lớn. Trong khi lãi suất huy động bình quân chỉ 3 - 5%/năm.

Các chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, nhưng lãi vay giảm chưa tương xứng. Thời gian qua, một số ngân hàng tung gói tín dụng ưu đãi, nhưng để tiếp cận là không dễ dàng. Hiện nhiều ngân hàng vẫn giữ nguyên lãi suất cũ với các khoản vay trung, dài hạn chưa đến kỳ trả nợ, khiến nhiều người phải vay với lãi suất cao.

Các ngân hàng cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay theo kiến nghị của các doanh nghiệp là rất khó, bởi lãi suất huy động giảm, nhưng số dư huy động lãi suất cao từ năm trước vẫn còn. Mặt khác, dù thừa vốn nhưng ngân hàng chỉ có thể giảm lãi suất đối với các khách hàng tốt, có khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn...

Tác động đến doanh nghiệp

Những tháng đầu năm 2021, tình hình dịch Covid-19 còn tác động đến thị trường, dẫn đến giao dịch hàng hóa bị hạn chế; hoạt động xuất, nhập khẩu và giá cả nhiều loại hàng hóa bị ảnh hưởng nặng nề; tình hình sản xuất và tiêu thụ một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh cũng gặp khó khăn. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, xăng dầu nhiều lần tăng giá, các loại chi phí cố định như mặt bằng, lương nhân viên... cũng tăng trở lại, nên nhiều doanh nghiệp mong muốn lãi suất cho vay giảm để giảm bớt khó khăn.

Lãi suất cho vay cao sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp may mặc có trụ sở trên địa bàn huyện Nghĩa Hành, từ đầu năm 2020 đến nay, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn. Theo chính sách, doanh nghiệp nhỏ và vừa nằm trong nhóm lĩnh vực ưu tiên sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Thế nhưng, đối với những khoản vay ngắn hạn vài ba tháng, mức lãi suất còn thấp, chứ vay trung, dài hạn, doanh nghiệp vẫn phải chịu mức lãi suất khá cao.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hồ Bân cho biết: Hiện mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều giảm. Đối với 6 lĩnh vực ưu tiên, có nơi chỉ áp dụng mức cho vay với lãi suất 4%/năm. Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện như: Có phương án kinh doanh khả thi, tài chính lành mạnh, chỉ số tín dụng, uy tín tốt...

Lãi suất cho vay cao khiến các doanh nghiệp khó phục hồi và giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường. Do đó, giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp là cần thiết. Song, các dự báo đều nhận định, lãi suất huy động sẽ thiết lập mặt bằng mới vào quý II/2021, do lạm phát có xu hướng tăng. Điều này có thể khiến các ngân hàng sẽ đẩy mạnh huy động, lãi suất sẽ tăng. Lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay khó giảm.

Theo thống kê, tổng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh hiện đạt 54.200 tỷ đồng, tăng 0,11% so với cuối năm 2020. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn khoảng 30.400 tỷ đồng (tăng 0,14% so với cuối năm 2020); dư nợ cho vay trung, dài hạn ước đạt 23.800 tỷ đồng (tăng 0,08% so với cuối năm 2020). Số liệu này cho thấy, dư nợ cho vay trung, dài hạn không chênh lệch nhiều so với cho vay ngắn hạn. Vì vậy, nếu chỉ giảm lãi suất đối với các khoản vay ngắn hạn, thì doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn bởi các khoản vay trung, dài hạn.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202104/doanh-nghiep-van-kho-tiep-can-von-vay-lai-suat-thap-3053540/