Doanh nghiệp vẫn kêu khó về các thủ tục, chính sách thuế và hải quan

Nhiều doanh nghiệp vẫn kêu khó về các thủ tục, chính sách thuế và hải quan, trong đó, tập trung chủ yếu vào các vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách mới.

Đó là nội dung được các doanh nghiệp đặt ra tại buổi đối thoại về các thủ tục, chính sách thuế và hải quan trong ngày 28/11, tại TP HCM, do Bộ Tài chính phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Theo các doanh nghiệp, thuế nhập khẩu một số máy móc thiết bị chỉ 0%, nhưng thiết bị phụ tùng nhập khẩu lại có thuế rất cao, có những chi tiết thuế đến 25%, mô tơ chịu thuế đến 30%... rất khó khăn cho doanh nghiệp chế tạo máy trong nước.

Theo các doanh nghiệp, thuế nhập khẩu một số máy móc thiết bị chỉ 0%, nhưng thiết bị phụ tùng nhập khẩu lại có thuế rất cao, có những chi tiết thuế đến 25%, mô tơ chịu thuế đến 30%... rất khó khăn cho doanh nghiệp chế tạo máy trong nước.

Khó vì chính sách mới

Liên quan đến những bất cập về chính sách thuế, Công ty Khuôn mẫu Lập Phúc đặt câu hỏi, công ty này nhập khẩu linh kiện là những chi tiết rất đơn giản, nhưng phải chịu thuế đến 25%, trong khi nhập khẩu khuôn - thuế chỉ có 0%.

Cùng với đó, thuế nhập khẩu một số máy móc thiết bị thuế chỉ 0%, nhưng thiết bị phụ tùng nhập khẩu lại có thuế rất cao, có những chi tiết thuế đến 25%, mô tơ chịu thuế đến 30%... rất khó khăn cho doanh nghiệp chế tạo máy trong nước. Vì vậy, tôi kiến nghị, nhập khẩu khuôn mẫu nguyên chiếc phải áp mức thuế 30% mới phù hợp”- Đại diện Công ty Khuôn mẫu Lập Phúc kiến nghị.

Giải đáp câu hỏi của doanh nghiệp, đại diện Vụ chính sách thuế Bộ Tài chính cho biết, đối với một số linh kiện, máy móc được nhập khẩu từ những nước có cam kết, thỏa thuận về thuế chính sách thuế cũng có sự thay đổi; có một số loại phụ tùng có tính chất đặc thù nhập khẩu về có thể sản xuất ra sản phẩm khác, nên thuế cao hơn… Để xử lý vướng mắc của doanh nghiệp về chính sách thuế, hàng năm, Bộ Tài chính thực hiện rà soát lại các biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu để điều chỉnh cho phù hợp.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp nêu vướng mắc liên quan đến khống chế lãi vay theo quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết (Nghị định 20). Nêu cụ thể về vấn đề trên, đại diện Công ty Hải Nam cho rằng, Nghị định 20 quy định quản lý thuế đối với giao dịch liên kết, trong đó khống chế trần lãi vay, doanh nghiệp đồng tình với quan điểm của ngành Thuế trong việc điều tiết chống chuyển giá đối với doanh nghiệp đa quốc gia. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước không có hoạt động xuyên quốc gia, chỉ đầu tư sản xuất chuỗi sản xuất trong nước có liên quan đến nhiều công ty con lại bị khống chế lãi vay.

Tương tự, đặt câu hỏi về chính sách thuế đất đai đối với doanh nghiệp khi đi mua đất để làm trụ sở, đại diện Công ty vận tải Mai Nguyễn, quận 12, TP.HCM nêu: Đầu năm 2019, doanh nghiệp có mua 1 lô đất để làm trụ sở, việc thực hiện thủ tục mua bán theo đúng quy định của pháp luật giữa bên mua và bên bán. Về nguyên tắc, bên mua sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân (nếu có). Tuy nhiên, trường hợp này người bán chỉ có 1 căn nhà duy nhất nên không phải chịu thuế. Và vấn đề này được các cơ quan chức năng như Văn phòng đăng ký nhà đất, công chứng và chứng thực (các đơn vị liên quan đã xác nhận). Tuy nhiên, khi làm thủ tục sang tên cho doanh nghiệp, chi cục thuế quận 12, TP.HCM, lại yêu cầu doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập cá nhân thì mới sang tên thửa đất nêu trên. Điều này là hết sức vô lý – đại diện Cty Mai Nguyễn nêu.

Bộ Tài chính tăng cường đối thoại để hoàn thiện chính sách

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thế Mạnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thay mặt Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong việc phát triển sản xuất kinh doanh. Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, song với thực tiễn đa dạng, sôi động và đổi mới nhanh chóng như hiện nay, cùng với đòi hỏi chính sách và thủ tục hành chính về thuế, hải quan phải liên tục được hoàn thiện, cập nhật kịp thời cho phù hợp với yêu cầu thực tế, thì việc áp dụng các quy định của chính sách và thủ tục hành chính về thuế và hải quan vào thực tiễn không tránh khỏi phát sinh vướng mắc, khó khăn.

Vì vậy, Bộ Tài chính luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ những ý kiến đóng góp từ phía các doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện chính sách, đồng thời giải đáp các câu hỏi, vướng mắc của các doanh nghiệp, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, chính sách thuế và hải quan, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; qua đó góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh chung. Với vai trò là một kênh đối thoại thường xuyên, định kỳ, tại Hội nghị này, Bộ Tài chính mong nhận được các ý kiến tham gia và đóng góp, trao đổi tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thế Mạnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục xây dựng, trình Chính phủ ban hành các nghị định; thời ban hành, sửa đổi các thông tư, văn bản hướng dẫn các qui định của Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan; đồng thời tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính đáng của doanh nghiệp. Bộ Tài chính cũng mong muốn doanh nghiệp Việt Nam chủ động tận dụng tốt các cơ hội để đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển, đóng góp vào mục tiêu chung về phát triển kinh tế của đất nước trong bối cảnh đầy thách thức như hiện nay.

Liên quan tới thắc mắc của doanh nghiệp về Nghị định 20, Tổng cục Thuế ghi nhận Nghị định 20, đặc biệt là khoản 3 Điều 8 quy định về khống chế lãi vay được xây dựng trên cơ sở 2 cơ sở trọng yếu, cụ thể:

Một là, Việt Nam tham gia vào Chương trình hành động về chống xói mòn cơ sở thuế và Chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) trong APEC.

Hai là, xuất phát từ thực tế, tuy nhiên, quá trình triển khai có vướng mắc, cơ quan đang tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, trình Chính phủ sửa đổi cho phù hợp.

Theo Ban tổ chức, bên cạnh nhiệm vụ thu ngân sách, Bộ Tài chính cũng rất quan tâm tới việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh. Ngoài các Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về thuế và hải quan được tổ chức định kì hằng năm, Bộ Tài chính cũng đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan Thuế, Hải quan 63 tỉnh, thành phải thường xuyên tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn mình quản lý. Đặc biệt, tại các tỉnh, thành có số lượng doanh nghiệp lớn phải tổ chức đối thoại ở cấp chi cục để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thông qua đó góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hương Giang

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức cùng cơ hội nhận quà tặng hàng tháng.

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/vi-sao-doanh-nghiep-van-keu-kho-ve-cac-thu-tuc-chinh-sach-thue-va-hai-quan-162406.html