Doanh nghiệp và 'sức ép' của kinh tế số

Kinh tế số là xu hướng tất yếu, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn chưa cảm nhận được hết vai trò của xu hướng mới này.

Kinh tế số đang tác động rất lớn tới doanh nghiệp (Ảnh TL)

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những diện mạo mới cho nền kinh tế toàn cầu. Theo đánh giá của giới chuyên gia, mô hình này sẽ giúp các doanh nghiệp (DN) tăng năng suất, tính linh hoạt và hiệu quả, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, từ đó tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Về phía người tiêu dùng, họ cũng sẽ được hưởng những lợi ích từ việc các DN ứng dụng các công nghệ thông minh, đó là sẽ có nhiều cơ hội để sử dụng, tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng cao hơn, giá cả cạnh tranh hơn...

Tuy nhiên, việc tiếp cận công nghiệp 4.0 của DN Việt hiện nay vẫn đang ở tình trạng chưa đạt được như mong muốn. Nhiều DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa vẫn có suy nghĩ “cuộc cách mạng này không ảnh hưởng đến mình”. Con số khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho hay, chỉ 55% DN cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động rất lớn tới doanh nghiệp, thế nhưng có đến 80% trong số này hoàn toàn đang “đứng yên”, chưa hề có sự chuẩn bị gì cho cuộc chuyển đổi này. Số DN còn lại vẫn ở tình thế “tìm hiểu và nghiên cứu”.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, kinh tế số chính là một cuộc bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo ra cơ hội rất lớn để các DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ có thể phát triển và tiếp cận thị trường toàn cầu, bước chân vào môi trường kinh tế thế giới. Đặc biệt, với công nghệ số và thương mại điện tử, các DN nhỏ và vừa sẽ bình đẳng hơn với các DN lớn trong việc tiếp cận đối tác, thương trường và bạn hàng nên đây là cơ hội phát triển rất lớn.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, kinh tế số và thương mại điện tử đang làm cho thế giới thu nhỏ lại để các DN nhỏ và vừa lớn lên, xóa bỏ được những bất lợi lâu nay đang là gánh nặng trên vai DN, giúp DN có thể tiếp cận được thị trường toàn cầu một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, để có thể tận dụng được các cơ hội từ nền kinh tế số mang lại, DN cần phải tuân thủ tính minh bạch, áp dụng bằng được hệ thống quản trị đạt chuẩn toàn cầu.

Hiện một số lĩnh vực đang chịu tác động mạnh mẽ của kinh tế số như dệt may, giày dép hay điện tử. Nhiều lao động sẽ đứng trước nguy cơ thất nghiệp của các lao động giản đơn trong lĩnh vực này rất lớn. Chính vì vậy, cần phải đào tạo, đào tạo lại để chuyển đổi lực lượng lao động này sang các công việc phù hợp với nền kinh tế số cũng là yêu cầu đặt ra cho các DN. Do vậy, DN cần chủ động trong việc tiếp cận công nghệ, lấy công nghệ làm bàn đạp để có thể tồn tại và phát triển.

Trần Hưng

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te/doanh-nghiep-doanh-nhan/doanh-nghiep-va-suc-ep-cua-kinh-te-so-41720