Doanh nghiệp và nông dân đều than khó khi làm nông nghiệp hữu cơ

Nông nghiệp hữu cơ được coi là hướng đi cần thiết, xu hướng của toàn cầu, nhưng cả doanh nghiệp và người nông dân đều đang gặp khó về thị trường, đặt ra yêu cầu cần có thêm các chính sách hỗ trợ để có thể phát triển.

Tại Diễn đàn “Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến”, chiều 28/9, cả phía doanh nghiệp và nông dân đều chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc khi làm nông nghiệp hữu cơ.

Theo ông Lê Khắc Cương, Tổng Giám đốc CTCP nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao Quốc tế TH Group, khảo sát của TH cho thấy, trong 5 - 10 năm trở lại đây, người tiêu dùng quan tâm nhiều đến sản phẩm hữu cơ, không đơn thuần chỉ là sản phẩm sạch. Nhưng đầu tư cho sản xuất các sản phẩm hữu cơ lại đòi hỏi công sức rất lớn.

“Tập đoàn đang áp dụng công nghệ đầu cuối trong trồng trọt, chăn nuôi bò sữa quy mô lớn. Những cánh đồng xanh hiện tại của TH không có phân bón hóa học. Để đảm bảo tiêu chuẩn, chúng tôi đã khá tốn kém do phải bảo đảm cả diện tích đi dạo và ăn cỏ của bò sữa”.

“Tập đoàn đang áp dụng công nghệ đầu cuối trong trồng trọt, chăn nuôi bò sữa quy mô lớn. Những cánh đồng xanh hiện tại của TH không có phân bón hóa học. Để đảm bảo tiêu chuẩn, chúng tôi đã khá tốn kém do phải bảo đảm cả diện tích đi dạo và ăn cỏ của bò sữa”.

Ông Lê Khắc Cương, Tổng Giám đốc CTCP TH Group

“Để được chứng nhận hữu cơ là chặng đường gian nan, tốn kém. Do đó, nếu ai nói sản phẩm hữu cơ vì sao đắt, thì cần hiểu chúng tôi đã bỏ vào đó bao nhiêu nhân tài, vật lực”, Tổng Giám đốc TH Group giãi bày.

Một chia sẻ khác đến từ bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng Giám đốc CTCP Kinh doanh Chế biến nông sản Bảo Minh cho biết, tiềm năng để sản xuất sản phẩm lúa hữu cơ của Việt Nam còn rất lớn, nhất là khu vực Tây Bắc và Đồng bằng sông Hồng.

“Nhưng có một thực tế đáng buồn hiện nay là nhiều doanh nghiệp, trong đó có Bảo Minh đã xây dựng được vùng nguyên liệu lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ, tuy nhiên nhà máy chưa đạt tiêu chuẩn nên vẫn phải mua nguyên liệu hữu cơ với giá cao hơn 60% nhưng lại bán thành phẩm với giá thường”, bà Hiếu nêu thực trạng.

Trên cơ sở đó, bà Hiếu kiến nghị, các cơ quan quản lý Nhà nước cần quy định rõ vùng nguyên liệu tại đâu được hưởng chính sách nào để thúc đẩy sản phẩm hữu cơ. Bên cạnh đó, cần có cơ chế giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc giao đất xây dựng nhà máy, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn "mua nguyên liệu giá hữu cơ, bán sản phẩm giá thường” như hiện nay.

Đối thoại với các doanh nghiệp tại Diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm San, đại diện cho phía nông dân phản ánh thực tế là hiện nay người nông dân không nắm rõ thị trường mà chỉ biết sản xuất.

Theo ông Luân, các doanh nghiệp hướng tới nông sản hữu cơ không cần xin Nhà nước đất canh tác, mà hãy làm việc trực tiếp với từng hộ nông dân. Theo đó các hợp tác xã cần phải nắm vai trò đứng đầu chuỗi nông nghiệp hữu cơ.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn nhiều gian nan.

Từ góc nhìn của cơ quan quản lý, bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối PGS Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho rằng, nông dân sản xuất nhỏ lẻ phải tự bươn chải, phải làm theo các thương lái mà họ đã liên kết. Từ đó, dẫn đến vấn nạn mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản hữu cơ.

"Việc đưa nông dân vào một chuẩn nhận thức đã rất khó, mà việc tiếp cận thị trường hữu cơ nếu để sai sót trong một khâu nào đó sẽ ảnh hưởng tới cả chuỗi cung ứng. Người nông dân cần hiểu rõ thế nào hữu cơ và có sự dẫn dắt của doanh nghiệp đầu chuỗi mới có thể phát triển được mặt hàng này", Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam đưa ra quan điểm.

Cần quỹ tín dụng đặc biệt không thế chấp để thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ

Để phát triển nông nghiệp hữu cơ hiệu quả, TS. Ngô Kiều Oanh, Chuyên gia nông nghiệp, chủ Trang trại Đồng quê Ba Vì đề xuất, cần tăng cường năng lực, tư duy cho chính quyền địa phương, chuyển đổi tư duy từ nền nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ.

Theo bà Oanh, trong thời gian chuyển đổi cần quỹ tín dụng đặc biệt không thế chấp. Song song với quỹ này cần có hai điều kiện để nông dân, Hợp tác xã hoạt động được là quỹ tín dụng vi mô và bảo hiểm. Bên cạnh đó, cần thành lập liên minh các nhà sản xuất hữu cơ để giáo dục lẫn nhau, tập hợp, đặt nhiệm vụ cung cấp sản phẩm đa dạng, số lượng và liên tục, mở rộng cung cấp sản phẩm theo chuỗi và làm truyền thông.

Nông nghiệp hữu cơ cần được quy hoạch với sự tham gia của các nhà khoa học xây dựng bản đồ thổ nhưỡng, mạng lưới thủy văn, thảm thực vật theo số liệu điều tra từ địa phương để phân loại các loại cây trồng phù hợp.

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/doanh-nghiep-va-nong-dan-deu-than-kho-khi-lam-nong-nghiep-huu-co-post11984.html