Doanh nghiệp và người lao động loay hoay vượt khó mùa dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nhiều doanh nghiệp. Giảm lương thưởng, cho nghỉ việc tạm thời là những giải pháp mà doanh nghiệp tính tới.

Dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực, đồng thời ảnh hưởng đến tâm lý người lao động; người lao động phải tạm nghỉ việc, dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, lưu chuyển thương mại, sản xuất kinh doanh bị đình trệ…

Đáng nói, tác động của đại dịch đã gây nên những khủng hoảng về nhân sự tại nhiều công ty, doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là các DNNVV có vốn ít, quy mô nhỏ. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng “hoảng loạn”, loay hoay tìm cách để tồn tại. Tùy đặc thù, các doanh nghiệp đang có những cách xử lý về vấn đề nhân sự khác nhau sao cho phù hợp với tình hình thực tế.

Để đáp ứng nhu cầu việc làm của người lao động, một số doanh nghiệp vẫn hoạt động nhưng bằng hình thức trực tuyến, hạn chế tập trung đông người tại nơi làm việc. Có doanh nghiệp cắt giảm luôn nhân sự ngay khi có dấu hiệu xảy ra khủng hoảng để đảm bảo an toàn về tài chính, đợi dịch qua đi.

Người lao động đã và đang bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực của đại dịch. (Ảnh minh họa)

Người lao động đã và đang bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực của đại dịch. (Ảnh minh họa)

Chị Hoàng Thùy Linh, chủ một xưởng may ở Mỹ Đình (Hà Nội) chia sẻ, xưởng may của chị hoạt động được 7 năm nay với 50 nhân công lao động. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, các sản phẩm may mặc làm ra tiêu thụ rất chậm, xưởng buộc phải sản xuất ít đi và tạm thời cắt giảm một nửa số lượng lao động.

Chị Linh cho hay, trong giai đoạn kinh tế đang rất khó khăn như hiện nay thì đây là điều bắt buộc phải làm, nếu không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của doanh nghiệp.

Phải đối mặt với những khó khăn tương tự, anh Trần Tuấn Linh – Quản lý một xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất ở Đông Anh (Hà Nội) cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên lượng đơn hàng bị giảm đi một nửa so với trước đó. Một tuần trở lại đây, xưởng gỗ của anh phải cắt giảm 1/3 số nhân công lao động, từ 12 người làm việc nay chỉ còn 8 người. Việc sản xuất đồ nội thất cũng cầm chừng hơn. Với tình hình này, doanh thu của xưởng bị giảm mạnh, chỉ đủ chi phí thuê mặt bằng và trả tiền nhân công. Tuy vậy, anh Linh vẫn cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, không phải đóng cửa xưởng, như thế cũng là may mắn rồi.

Với một số doanh nghiệp lớn khác, tình hình cũng không khá hơn. Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông – đơn vị chuyên sản xuất phân bón chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch bệnh, bên cạnh việc khó tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp còn gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào do phải phụ thuộc một phần vào thị trường Trung Quốc.

Về vấn đề nhân công, ông Phong cho hay, một số người lao động do không đáp ứng được yêu cầu công việc hay không thể “vượt khó” thì sẽ tự nghỉ làm hoặc tìm kiếm công việc khác. Cơ bản, Tiến Nông vẫn cố gắng tìm mọi cách để hỗ trợ người lao động bằng quỹ dự phòng của doanh nghiệp.

Còn theo ông Vũ Huy Thủ, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Đại dương xanh - một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu thủy sản, đại dịch Covid-19 tác động rất nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm bí đầu ra, doanh thu sụt giảm… Những yếu tố tiêu cực này đã khiến thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng như: chậm lương hoặc phải cắt giảm một phần tiền lương, thưởng. Trường hợp dịch bệnh kéo dài, khó khăn hơn hơn thì việc giảm nhân sự sẽ phải tính tới…

Trước hàng loạt khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt hiện nay, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội cho biết, hiện nay cả nước có gần 800.000 doanh nghiệp, các DNNVV quy mô hạn chế, sức cầu giảm, nguồn nguyên liệu khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, có những doanh nghiệp phải giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất. Điều này đương nhiên ảnh hưởng nhiều đến người lao động.

Cũng theo ông Mạc Quốc Anh, một số doanh nghiệp mạnh hơn thì sản xuất cầm cự để duy trì bộ máy đến hết tháng 6. Trong thời gian này, họ yêu cầu lao động làm việc online, cơ cấu lại các khoản lương, giãn, giảm hoặc hoãn các khoản lương, thưởng. Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm do dịch bệnh, có doanh nghiệp còn phân chia lao động làm việc theo ngày chẵn, lẻ trong tuần hoặc làm việc 3 ngày đầu tuần, 3 ngày cuối tuần để giảm áp lực về lương vì các nguồn thu chính bị giảm.

“Để khắc phục những khó khăn trước mắt, phía cơ quan quản lý Nhà nước cần kích cầu những địa phương nào không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để tăng sức mua trong dân, sức mua của các tổ chức cá nhân, giúp doanh nghiệp có thể tái tạo được nguồn thu, có doanh thu thì mới có thể tiếp tục tuyển dụng lao động. Đồng thời, nên công bố những ngành nào không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch bệnh, có thể tái cơ cấu lại lao động sang những ngành đó để bù đắp thiếu hụt cho họ”, ông Mạc Quốc Anh nói.

Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều chuyên gia dự báo, thị trường lao động quý I cũng như cả năm 2020, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, sẽ thiếu hụt và dịch chuyển mạnh do nhiều doanh nghiệp đóng cửa, thu hẹp chuỗi sản xuất. Để khắc phục tình trạng này, các doanh nghiệp phải nhanh chóng chủ động điều tiết, tìm kiếm giải pháp thay thế lực lượng lao động để hoạt động sản xuất kinh doanh không bị đình trệ./.

Chung Thủy/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-va-nguoi-lao-dong-loay-hoay-vuot-kho-mua-dich-covid19-1026104.vov