Doanh nghiệp tư nhân thúc đẩy sự chuyển mình và cất cánh của nền kinh tế

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Văn Hiếu đánh giá, trong những năm gần đây, GDP Việt Nam luôn tăng trưởng với các con số ấn tượng, như trong 6 tháng đầu năm 2018 là 6,8%. Thành quả này có sự góp công rất lớn từ nền kinh tế tư nhân - lực lượng đóng góp tới 50% vào tổng GDP, cao nhất so với các thành phần kinh tế khác như nhà nước hay FDI.

Báo cáo Phát triển bền vững khu vực doanh nghiệp tư nhân (DNTN) vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ cho thấy, tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) của khu vực này cũng tương đối ổn định. Mặc dù những năm gần đây, tốc độ tăng NSLĐ của cả nước liên tục có những biến động thì tốc độ tăng NSLĐ của khu vực kinh tế tư nhân trong đó chủ yếu là DNTN ổn định hơn so với các khu vực kinh tế nhà nước và FDI, xung quanh mức 4,8%-5,8% vào năm 2015-2016.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Trong giai đoạn 2011-2016, trung bình mỗi năm, khu vực DNTN tạo hơn 500.000 việc làm, chiếm khoảng 62% tổng số việc làm trong toàn bộ khối doanh nghiệp. Thu nhập bình quân/lao động trong khu vực này cũng tăng dần theo các năm, từ 46 triệu đồng/năm/lao động năm 2011 lên khoảng 76 triệu đồng/năm/lao động năm 2016.

Báo cáo cũng nêu rõ, các DNTN còn là nhân tố chính của ngành công nghiệp hỗ trợ, mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị để nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, hình thành nên những cụm liên kết điện tử, hay dệt may, thủy sản... Qua đó, tạo công ăn việc làm và hiệu quả chung cho nền kinh tế, quyết định đến sự tăng trưởng GDP bền vững, tăng thu nhập người lao động.

Đánh giá về vai trò và vị trí của khu vực kinh tế tư nhân, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, nếu xét về tỷ trọng trong GDP, khu vực kinh tế tư nhân đang chiếm ưu thế rõ ràng so với khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Đây cũng là khu vực tạo việc làm chính cho nền kinh tế.

Nhưng điều đáng quan tâm hơn cả theo TS Vũ Tiến Lộc là hiện doanh nghiệp tư nhân mới chiếm khoảng 8% GDP, phần lớn còn lại thuộc về khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình. Như vậy điều này cho thấy số đông trong khu vực kinh tế tư nhân vẫn là các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ...

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Hiếu, DNTN là một động lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, do đó, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ dốc toàn lực hỗ trợ tư nhân thuận lợi làm kinh tế.

Thứ trưởngNguyễn Văn Hiếu cho biết, thực tế Nhà nước đã có rất nhiều hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân và tạo ra được nhiều thành tựu đáng kể, tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn của Chính phủ và cả doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ đang chỉ đạo các đoàn thể ban ngành phải quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý, cải cách hành chính, nhằm trợ giúp tối đa cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp tất cả các thành phần kinh tế cạnh tranh công bằng - minh bạch…

Nhận thức vai trò và tiềm năng phát triển lớn mạnh của kinh tế tư nhân, trong suốt những năm qua Chính phủ luôn nỗ lực để tạo cơ chế thông thoáng, cụ thể là không ngừng cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, gỡ bỏ rào cản về nhiều mặt cho doanh nghiệp phát triển. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn để giảm chi phí cho doanh nghiệp (như chi phí bến bãi, lãi vay ngân hàng, một số chi phí không chính thức, chi phí giao thông vận tải, chi phí logistics…), đồng thời kêu gọi DNTN đầu tư vào vào tất cả lĩnh vực mà pháp luật không cấm.

“Chúng ta mở ra chương trình đầu tư mới cho tư nhân trong tất cả các lĩnh vực quan trọng mà đất nước đang thiếu vốn, đang kêu gọi phát triển”, Thủ tướng nêu rõ.

Lê Minh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/doanh-nghiep-tu-nhan-thuc-day-su-chuyen-minh-va-cat-canh-cua-nen-kinh-te-535113.html