Doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư truyền tải điện

Nhằm giảm ùn tắc cho chính dự án của doanh nghiệp, và các tỉnh xung quanh, mới đây, Công ty Trung Nam đã đề xuất đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời và đường dây truyền tải điện.

Để tư nhân làm hạ tầng truyền tải điện được xem như một trong những giải pháp giảm tải lưới điện hiện nay.

Để tư nhân làm hạ tầng truyền tải điện được xem như một trong những giải pháp giảm tải lưới điện hiện nay.

Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ của UBND tỉnh Ninh Thuận và Bộ Công thương. Theo đó, Bộ Công thương mới đây đã trình Chính phủ chủ trương phê duyệt dự án đường dây truyền tải điện và trạm biến áp 500kV, đồng thời bổ sung nhà máy điện mặt trời 450mW.

Dự án được doanh nghiệp cam kết thực hiện đúng tiến độ và bàn giao theo hình thức miễn phí, sẽ chuyển giao lại cho EVN quản lý, vận hành. Được biết, dự án có tổng mức đầu tư gần 12 nghìn tỷ đồng, trong đó có 30% là vốn tự có và 70% là vốn vay.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, nếu nhà đầu tư thực hiện đúng tiến độ cam kết sẽ vừa tiết kiệm chi phí cho ngành điện vừa kịp thời giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo trong khu vực.

Nếu chủ trương đầu tư được Chính phủ chấp thuận, đơn vị sẽ hoàn tất thủ tục hồ sơ theo quy định pháp luật, trình các cấp thẩm quyền phê duyệt, khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng trong năm 2020.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết, Bộ Công thương đã họp và lấy ý kiến các bộ, ngành thì đều ủng hộ chủ trương đầu tư này của doanh nghiệp.

Trước đó, Bộ Công thương đã họp, 7 vụ và các cơ quan trực thuộc Bộ đều ủng hộ chủ trương này. Hiện Bộ Công thương đang dự thảo trình Bộ trưởng và dự kiến trình Chính phủ xem xét phê duyệt theo đề xuất của UBND tỉnh Ninh Thuận trong tuần này.

Đại diện doanh nghiệp Trung Nam hy vọng, chủ trương đầu tư này sẽ sớm được Chính phủ phê duyệt để đảm bảo hoàn thành dự án trong năm 2020 khi chính sách về giá điện mặt trời vẫn còn ưu đãi với Ninh Thuận.

Dự án được đề xuất trong bối cảnh, Ninh Thuận hiện có 15 dự án điện mặt trời đã đi vào hoạt động với công suất 1.200mW mỗi ngày, nhưng đường truyền tải chỉ đáp ứng khoảng 800mW. Theo đó, Ninh Thuận phải giảm tải 60% công suất điện, tương đương chỉ 9/15 dự án được hòa lưới điện. Vì vậy, để tư nhân làm hạ tầng truyền tải điện được xem như một trong những giải pháp giảm tải lưới điện hiện nay.

Lý giải một trong những nguyên nhân khiến tình trạng năng lượng bị dồn ứ, ông Trần Tuấn Nhân – Tổng giám đốc EVN cho biết, trong quá trình triển khai các dự án đầu tư truyền tải điện, với những đường dây 300kV không thể hoàn thành dưới ba năm, đường dây 500kV không thể hoàn thành trong năm năm, do vướng các quy định và thủ tục đầu tư nên không thể nhanh hơn được.

“Như vậy, sự tham gia của tư nhân là tín hiệu tốt, cho thấy nhà nước và doanh nghiệp cùng chung tay vì lợi ích chung của đất nước”, ông ông Vũ Đinh Tuấn- Chủ tịch HĐQT Cty CP tư vấn xây dựng điện gió Việt Nam (VIWICO) nhận định.

Để tư nhân làm hạ tầng truyền tải điện được xem như một trong những giải pháp giảm tải lưới điện hiện nay. Hiện Ninh Thuận và Bình Thuận là 2 tỉnh có số lượng nhà máy điện mặt trời lớn nhất dẫn đến tình trạng quá tải lưới điện, các dự án phải giảm công suất, trong khi nguồn cung điện vẫn thiếu. Nhiều máy biến áp, trục đường dây ở mức quá tải tới hơn 200%.

Dương Thành

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/doanh-nghiep-tu-nhan-tham-gia-dau-tu-truyen-tai-dien-160968.html