Doanh nghiệp tư nhân tăng tự chủ nền kinh tế

Khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng thì vấn đề xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, có tính cạnh tranh cao càng trở nên cấp thiết. PV trao đổi với TS. Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia quanh vấn đề này.

TS. Trương Văn Phước

Ông đánh giá nội lực, sức đề kháng của nền kinh tế hiện ra sao?

- Hơn 30 năm qua đất nước chúng ta đã thực hiện chính sách đổi mới trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội thì có thể nói rằng nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức lớn lao. Từ một nền kinh tế kế hoạch hóa bao cấp, chúng ta đã chuyển qua nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, tạo ra những bước chuyển rõ rệt, mạnh mẽ.

Trong 30 năm qua, thế giới đã từng chứng kiến rất nhiều các cuộc khủng hoảng, suy thoái của các nền kinh tế lớn nhỏ khác nhau. Nền kinh tế của chúng ta tuy có bị ảnh hưởng ít nhiều nhưng vẫn có thể đứng vững và củng cố, phát triển đi lên. Đó chính là nội lực, là sức đề kháng của nền kinh tế Việt Nam.

Dĩ nhiên, với sự cần cù, sáng tạo và niềm mong mỏi vươn lên mãnh liệt của người dân chúng ta thì nội lực của nền kinh tế đã có thể còn mạnh mẽ hơn nhiều, nếu chúng ta kịp ban hành, điều chính một số chính sách. Đặc biệt là nếu khâu triển khai một số chủ trương, chính sách lớn được thực hiện nghiêm, không bị méo mó, lợi dụng thì kết quả còn khả quan hơn nhiều.

Theo ông cần làm gì để tạo bệ phóng, để khối doanh nghiệp tư nhân đóng góp nhiều vào sự tự chủ, tự cường của nền kinh tế?

- Thực tiễn của nền kinh tế nước ta đã cho thấy vai trò của nền kinh tế tư nhân là rất quan trọng. Thực ra trong 30 năm qua thì kinh tế tư nhân đã có những đóng góp hết sức đáng nổi bật trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội của nước ta. Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “phát triển kinh tế tư nhân” năm 2017 như một tổng kết sắc bén từ hiện thực đấy.

Chúng ta cũng đang tập trung vào việc xây dựng thể chế phù hợp với đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Không phủ nhận vai trò của Kinh tế nhà nước nhưng công tâm mà nói doanh nghiệp tư nhân vẫn là một lực lượng định đoạt tốc độ phát triển của nền kinh tế.

Cũng trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam chúng ta đã tập trung đổi mới thể chế rất mạnh mẽ. Thành phần kinh tế tư nhân đã nhanh chóng khắc phục những khuyết tật về quản trị điều hành, nhất là đã có tầm nhìn chiến lược sắc sảo hơn nhiều.

Một nguyên tắc cơ bản của đất nước theo định hướng pháp trị là tất cả mọi người, mọi doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm, chứ không phải chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Cần phải khẩn trương tạo lập nguyên tắc pháp trị đấy xem như là một trụ cột căn bản trong cải cách thể chế.

Nếu được vậy thì tôi tin rằng khu vực doanh nghiệp tư nhân có thể phát triển nhanh, đóng góp nhiều hơn nữa trong tiến trình phát triển kinh tế của nước ta.

Người dân Việt Nam có truyền thống yêu nước mạnh mẽ, nên doanh nhân Việt càng phát triển, càng mạnh thì đóng góp, sức ảnh hưởng của khối doanh nghiệp này vào sự cường thịnh, chủ quyền, độc lập của quốc gia càng được củng cố.

Các doanh nghiệp này có cần cơ chế, chính sách riêng để bứt phá?

- Tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng có ý nghĩa hết sức quan trọng để khuyến khích mọi thành phần kinh tế cạnh tranh có hiệu quả. Tôi không cho rằng cần có cơ chế chính sách riêng cho một số doanh nghiệp, kể cả DNNN hay DNTN nào. Môi trường và cách đối xử bình đẳng của nhà nước đối với các thành phần kinh tế mới là vấn đề quan trọng.

Dĩ nhiên, những bài học của các chính sách trong nền kinh tế Đông Á trong một nửa thập kỷ qua cũng là những bài học rất thiết thực đối với chúng ta. Các nước này đã có những chính sách tạo lập các doanh nghiệp tư nhân hùng mạnh nhằm tạo động lực đầu tàu để dẫn dắt cả nền kinh tế; Đó là kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc mà chúng ta cần tham khảo.

Tuy nhiên theo tôi, điều mà doanh nghiệp tư nhân trong nước cần bây giờ là môi trường thực sự bình đẳng với DNNN và FDI. Tôi nhận thấy khối doanh nghiệp tư nhân trong nước năng động, sáng tạo, có sức sống cao và rất nhiều khát vọng.

Nhà nước chỉ cần tập trung vào công tác quản lý, hoạch định chính sách bảo đảm sự minh bạch, thuận lợi, công bằng, đưa Chính phủ kiến tạo vào từng ngõ ngách của cuộc sống thì DNTN sẽ trỗi dậy mạnh mẽ.

Theo ông, những doanh nghiệp tư nhân nào đang giữ vai trò quan trọng trong việc tăng nội lực, tự chủ và sức cạnh tranh cho nền kinh tế nước ta?

- Nếu phải chỉ ra những DNTN nào trong hàng thập kỷ qua đã phát triển ngoạn mục, hiệu quả thì tôi cho rằng có thể rõ ràng thấy đó là Vingroup, FPT, Vinamilk, TH Truemilk, Sungroup, Hòa Phát, Masan, Trung Nguyên, Vietjet Air... Tiềm lực tài chính của họ cải thiện rõ rệt. Chiến lược, tầm nhìn, kỹ năng quản trị và các yếu tố bảo đảm cho sự phát triển nhanh, bền vững thể hiện khá rõ.

Có tập đoàn như Vinamilk trở thành công ty đại chúng, người dân, khách hàng có cổ phần, cùng hưởng lợi. Công ty đại chúng đang được coi là mẫu hình cho một nền kinh tế, một xã hội tốt đẹp hơn.

Có doanh nghiệp như FPT tạo cảm hứng cho ngành công nghệ sáng tạo, đã hiện diện, cạnh tranh ở những cứ địa công nghệ thông tin mạnh trên thế giới.

Đặc biệt, có doanh nghiệp như Vingroup thậm chí đã tạo ra hệ sinh thái đa dạng, cộng hưởng cùng phát triển. Tập đoàn này đang chuyển hướng mạnh mẽ sang lĩnh vực công nghệ và công nghiệp.

Những doanh nghiệp như thế đang góp phần tăng nội lực, độc lập, tự chủ của nền kinh tế và sớm đưa Việt Nam vươn tầm quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

P.V (thực hiện)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep-tu-nhan-tang-tu-chu-nen-kinh-te-912458.html