Doanh nghiệp tư nhân Indonesia giúp thúc đẩy tiếp cận vaccine Covid-19

Indonesia triển khai 2 gọng kìm - tiêm chủng quốc gia và tiêm chủng tư nhân - để giúp người dân sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

Đến nay, Indonesia có tổng cộng hơn 1,8 triệu ca mắc Covid-19, cao nhất trong các quốc gia Đông Nam Á. Với 50.578 ca tử vong, Indonesia đứng thứ 3 tại châu Á và đứng thứ 18 trên thế giới. Trong 7 ngày trở lại, quốc gia này ghi nhận trung bình hơn 5.800 ca nhiễm mỗi ngày, theo Worldometer.

Đối phó đại dịch, chính phủ Indonesia đặt mục tiêu hoàn thành tiêm chủng vaccine Covid-19 diện rộng trong 15 tháng - tức trước cuối tháng 3/2022 - cho 181,5 triệu người đủ điều kiện. Con số này tương đương 67% dân số Indonesia - tỷ lệ được cho là sẽ đạt miễn dịch cộng đồng.

Đến ngày 31/5, gần 16,5 triệu người Indonesia đã được tiêm liều đầu và khoảng 10,5 triệu người đã được tiêm đủ 2 liều với vaccine Sinovac hoặc AstraZeneca trong chương trình tiêm chủng quốc gia.

Như vậy, Indonesia hiện có gần 6% số người đủ điều kiện đã được tiêm chủng đầy đủ trong chương trình quốc gia, tương đương 3,96% dân số. Chương trình tiêm chủng của Indonesia vì thế vẫn còn cách mục tiêu đặt ra một khoảng cách khá xa.

Nhằm thúc đẩy tốc độ tiêm chủng, Indonesia mới đây triển khai gọng kìm thứ 2: chương trình tiêm chủng tư nhân. Chương trình này sẽ được thực hiện song song nhằm bổ trợ chương trình tiêm chủng quốc gia.

 Một phụ nữ được tiêm miễn phí vaccine AstraZeneca trong chương trình tiêm chủng quốc gia tại Bali, Indonesia vào ngày 23/3. Ảnh: Reuters.

Một phụ nữ được tiêm miễn phí vaccine AstraZeneca trong chương trình tiêm chủng quốc gia tại Bali, Indonesia vào ngày 23/3. Ảnh: Reuters.

Chương trình tiêm chủng tư nhân của Indonesia

Sáng kiến chương trình tiêm chủng tư nhân, còn gọi là chương trình Gotong Royong (“cùng hợp tác”), do Tổng thống Indonesia Joko Widodo đề xuất trong một cuộc họp với Phòng Thương mại Indonesia (Kadin) vào tháng 1, theo Arab News.

“Chúng tôi trao đổi với tổng thống về cách để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng. Tổng thống đưa ra ý tưởng này và cộng đồng doanh nghiệp có phản ứng rất tích cực”, Rosan Roeslani - Chủ tịch Kadin - kể lại.

Trong khuôn khổ chương trình Gotong Royong, các công ty tư nhân sẽ tự trả tiền mua vaccine và tổ chức tiêm chủng cho người lao động cùng gia đình của họ, và thậm chí là cả cộng đồng người dân sống gần công ty.

Các doanh nghiệp sẽ phải mua vaccine Covid-19 từ Kimia Farma, công ty con của doanh nghiệp nhà nước sản xuất vaccine Bio Farma. Bio Farma là nhà nhập khẩu vaccine duy nhất tại Indonesia.

Để không ảnh hưởng tới chương trình tiêm chủng quốc gia, bệnh viện và cơ sở y tế công sẽ không được dùng cho chương trình tiêm chủng tư nhân, theo Kadin. Dữ liệu tiêm chủng tư nhân sẽ được chuyển cho chính phủ để tránh tiêm chủng trùng lặp.

Tương tự, vaccine trong chương trình tiêm chủng tư nhân sẽ là loại khác so với các loại vaccine miễn phí (như AstraZeneca, Novavax, Pfizer và CoronaVac) được dùng trong chương trình tiêm chủng quốc gia từ giữa tháng 1.

Người Hồi giáo Malaysia lúc cầu nguyện trong lễ Eid al-Fitr, ngày lễ đánh dấu sự kết thúc của tháng ăn chay Ramadan, vào ngày 13/5 tại Jakarta. Ảnh: Reuters.

Hiện, loại vaccine Covid-19 được dùng trong chương trình tiêm chủng tư nhân là Sinopharm của Trung Quốc. Sắp tới, chương trình Gotong Royong có thể có thêm vaccine CanSino của Trung Quốc, trong khi chính phủ Indonesia đang đàm phán để sử dụng vaccine Sputnik V của Nga.

Với mỗi liều vaccine Sinopharm, Bộ Y tế Indonesia đặt mức giá trần là 35 USD. Tuy nhiên, các công ty tham gia không được phép thu tiền của người lao động khi tiêm vaccine.

Theo Jakarta Globe, Tổng thống Joko nói chương trình Gotong Royong sẽ giúp các khu vực kinh tế trọng yếu rút ngắn thời gian trở lại hoạt động bình thường và sẽ tái khởi động nền kinh tế.

Còn những hạn chế

Ngày 30/4, lô vaccine Sinopharm đầu tiên gồm 480.000 liều cập bến Indonesia, theo Strait Times. Hơn 2 tuần sau, ngày 18/5, chính quyền nước này bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng tư nhân với hơn 22.700 công ty đăng ký, đại diện cho hơn 10 triệu người lao động.

Đến ngày 25/5, 21.616 liều vaccine Sinopharm đã được sử dụng trong chương trình Gotong Royong, theo Văn phòng Thư ký Nội các Indonesia.

“27 công ty đã tổ chức chương trình vaccine Gotong Royong tại 18 cơ sở y tế khắp Jakarta, Tây Java, Banten,…”, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Airlangga Hartarto nói trong họp báo ngày 25/5.

Trong bài bình luận đăng ngày 27/5 trên Channel NewsAsia, A'an Suryana, chuyên viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), nhận định chi phí mua vaccine từ nhà nước còn đắt đỏ cho doanh nghiệp vừa, nhỏ, và siêu nhỏ.

Với mức giá trần là 35 USD/liều, đây sẽ là khoản chi lớn đối với doanh nghiệp có 10-300 lao động và có doanh thu hàng năm trong khoảng từ 21.000 USD đến 3,48 tỷ USD. Điều này theo ông Suryana là đáng lo ngại vì khoảng 64 triệu cơ sở kinh doanh tại Indonesia - tương đương 99,99% - là những doanh nghiệp vừa, nhỏ, và siêu nhỏ sử dụng 117 triệu lao động, theo dữ liệu 2018.

Chính phủ Indonesia từng ước tính tổng cộng khoảng 12,5 triệu lao động công ty sẽ tham gia tiêm chủng tư nhân. Con số này bằng 6,8% tổng dân số Indonesia và chỉ chiếm một phần nhỏ trong mục tiêu tiêm chủng 67% dân số trong 15 tháng, theo ông Suryana.

Sinopharm là một trong những loại vaccine được dùng trong chương trình tiêm chủng tư nhân của Indonesia. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, “dữ liệu trên cũng cho thấy nhiều lao động sẽ bỏ lỡ chương trình Gotong Royong vì 12,5 triệu lao động chỉ chiếm 10,7% trong tổng số 117 triệu lao động có việc làm tại Indonesia”, ông Suryana cho biết. Những người này sẽ phải chờ tới lượt trong chương trình tiêm chủng quốc gia.

Cuối cùng, yếu tố hạn chế nhất có lẽ là do sự chậm chạp của nguồn cung vaccine, theo ông Suryana.

Đầu tháng 4, chính phủ Indonesia thông báo sẽ nhận ước tính 35 triệu liều vaccine Sinopharm, CanSino, và Sputnik V trong khoảng tháng 4 tới tháng 12 năm nay để dùng cho chương trình Gotong Royong.

Nhưng tới tháng 5, chủ tịch Hiệp hội Chủ lao động Indonesia cảnh báo về nguồn cung chậm chạp của vaccine dành cho chương trình tiêm chủng tư nhân. Tổng thống Joko Widodo ngày 18/5 cũng thừa nhận Indonesia mới nhận được gần 500.000 liều vaccine Sinopharm do phải cạnh tranh với các nước khác.

Như vậy, tuy có thể giúp tiêm chủng cho số người đáng kể, chương trình Gotong Royong vẫn đối diện nhiều hạn chế khổng lồ, ông Suryana kết luận.

Theo ông, Indonesia thay vì thế nên xem xét lại khả năng trợ cấp vaccine cho doanh nghiệp cỡ nhỏ trở xuống, cũng như tập trung tìm cách có được thêm nguồn cung vaccine.

Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doanh-nghiep-tu-nhan-indonesia-giup-thuc-day-tiep-can-vaccine-covid-19-post1221781.html