Doanh nghiệp tư nhân đề xuất tập trung cho kinh tế số

Trong bối cảnh nền kinh tế số đã xuất hiện trên thế giới ngót 1 thập kỷ nay, đã đến lúc Nhà nước cần có những cải cách thể chế, thủ tục hành chính, pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam cũng như tận dụng được những lợi ích mà mô hình kinh tế này mang lại. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khẳng định sẵn sàng đi đầu trong việc xây dựng nền kinh tế số.

Ngày 19/12/2019 tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn “Doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”, do Ban Kinh tế Trung ương và Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam đồng tổ chức. Đây cũng là hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”.

Toàn cảnh Diễn đàn

Toàn cảnh Diễn đàn

Theo ông Nguyễn Trọng Điều- Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, đây là một đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt nhằm phát huy trí tuệ, khơi dậy sức sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân với đất nước. Diễn đàn đã nhận được sự quan tâm hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân với việc chỉ trong một thời gian ngắn, Ban tổ chức Diễn đàn đã nhận được trên 100 bản tham luận.

Doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng dấn thân vì đất nước phồn vinh

Tại Diễn đàn nhiều tiếng nói bộc bạch khát vọng dấn thân của doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân vì sự phồn vinh của đất nước, chung tay cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân xây dựng nền kinh tế hùng cường.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Tổng giám đốc Trung Nguyên International, nhà sáng lập thương hiệu King Coffee, doanh nhân đã cống hiến hơn 25 năm trong ngành cà phê Việt Nam chia sẻ, trong số gần 5 tỷ ly cà phê được bán ra trên thế giới mỗi ngày, có đến 10% nguyên liệu đến từ Việt Nam, thế nhưng bà Thảo đượm buồn khi nói: “thế giới vẫn còn có không ít người không biết đến Việt Nam là một quốc gia cà phê”.

“Khi xây dựng nhiều thương hiệu cà phê ở Việt Nam và phát triển ra toàn cầu chúng ta sẽ tham gia sâu, đồng bộ, toàn diện vào 98% giá trị toàn cầu còn lại của ngành cà phê”- bà Thảo nói.

Một nữ doanh nhân nổi tiếng khác, bà Nguyễn Thị Nga- Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam rằng: cần xây dựng, phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn thế mạnh của quốc gia. Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động cần tập trung phát triển kinh tế mũi nhọn, tập trung vào hai cơ sở: hình thành trung tâm tài chính khu vực.

Bà Nga đặc biệt lưu ý cần xây dựng chiến lược phát triển du lịch vừa thu hút du khách phổ thông vừa thu hút khách cao cấp. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch cao cấp.

“Chúng ta cần có chiến lược ở tầm quốc gia để đầu tư cơ sở hạ tầng, có ngân sách để đầu tư hệ thống cơ sở đạt tiêu chuẩn quốc tế”- nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga nhìn nhận.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hữu Nghĩa phát biểu tại Diễn đàn

Nền kinh tế số: đường đến một nền kinh tế giàu mạnh

Không hẹn mà nên, nhiều ý kiến phát biểu tại Diễn đàn đều có chung điểm nhìn trong bối cảnh nền kinh tế số đã xuất hiện trên thế giới ngót 1 thập kỷ nay, đã đến lúc Nhà nước cần có những cải cách thể chế, thủ tục hành chính, pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam cũng như tận dụng được những lợi ích mà mô hình kinh tế này mang lại. Trong đó doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khẳng định sẵn sàng đi đầu trong việc xây dựng nền kinh tế số.

Ông nguyễn Thành Lưu- Trưởng ban Marketing truyền thông của tập đoàn CMC đề xuất: Chính phủ nên khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển quốc gia số, qua đó phát triển công nghệ số, giúp doanh nghiệp có khả năng tham gia vào mảng sản xuất.

Còn ông Phan Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP Xây dựng Gia Thy đã có những chia sẻ về mô hình kinh tế chia sẻ. Theo ông Tuấn, kinh tế số đang ngày càng thâm nhập vào cuộc sống của nhiều người. Chính phủ cũng đã các chính sách để thúc đẩy đồng thời quản lý mô hình kinh tế chia sẻ.

“Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế 4.0 và nó đang có tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế. Do đó để thúc đẩy kinh tế chia sẻ, tăng tính hiệu quả của mô hình này, về mặt nhà nước cần xây dựng mô hình dữ liệu quốc gia, big data để khuyến khích các doanh nghiệp cùng đầu tư phát triển”, ông Tuấn nói.

Một trong những ngành “thấm” nhất tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như kinh tế số chính là dệt may. Nay khi mà ưu thế nhân công giá rẻ của Việt Nam đã không còn thì theo ý kiến ông Phạm Văn Việt- Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may TP.Hồ Chí Minh: để thích ứng với nền kinh tế số, vấn đề áp dụng công nghệ và xa hơn là nâng dần trình độ nhân lực ngành dệt may mang tính sống còn.

Theo ông Nguyễn Đình Thắng- Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng LienvietPostBank, doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế là phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa đầu tư nhiều vào công nghệ nên có thể đẩu tư ngay công nghệ mới. “Cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số, thử nghiệm doanh nghiệp, sản phẩm mới. Cần có doanh nghiệp công nghệ lớn để tạo điều kiện chuyển đổi công nghệ”- vị chủ tịch nhà băng này nêu ý kiến.

Chủ tich Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam Nguyễn Trọng Điều, cho biết: Diễn đàn thực sự là "Hội nghị Diên Hồng" của khối doanh nghiệp tư nhân

Thể chế- Đòi hỏi số 1 để nền kinh tế phát triển

Cũng tại Diễn đàn, vấn đề cải cách thể chế được xem là đòi hỏi số một trong phát triển hiện nay và cũng chính vì vậy, những sáng kiến, những đề xuất được các đại diện doanh nghiệp tư nhân đề cập tại Diễn đàn đều gặp nhau tại vấn đề này.

Nói là đòi hỏi số một bởi theo phân tích của chuyên gia kinh tế cao cấp Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) cho rằng, cải cách cơ chế quản trị quốc gia là vấn đề vô cùng quan trọng, bởi theo ông Tuyển, không có cải cách này thì không có nói được chuyện phát triển.

Trong khi đó bà Lê Hoàng Diệp Thảo nêu nhận xét, Chính phủ bên cạnh cải cách chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng cần đặc biệt là tăng cường sự nghiêm minh của pháp luật để bảo vệ cho doanh nghiệp yên tâm phát triển trong nước cũng như vươn tầm quốc tế.

Từ điểm nhìn của một nhà quản lý, ông Nguyễn Mại- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhấn mạnh hai bài học. Thứ nhất, đặc biệt lưu ý việc Nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển, có chiến lược kinh doanh toàn cầu, có quy mô, có khả năng cạnh tranh. Thứ hai, cần hỗ trợ tập đoàn tư nhân tích lũy vốn, cần có nhiều phương thức để huy động vốn, Nhà nước cần hoàn thiện thể chế để các doanh nghiệp tư nhân huy động vốn.

Trao chứng nhận cho các doanh nhân đóng góp tích cực vào Diễn đàn

Với tư cách đơn vị đồng tổ chức, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hữu Nghĩa trong phần “chốt” lại Diễn đàn khẳng định, con số đại biểu doanh nghiệp và doanh nhân tham dự Diễn đàn vượt quá số lượng mời thể hiện sự tin tưởng, hưởng ứng của khu vực kinh tế tư nhân với các chủ trương, quan điểm phát triển của Đảng và Nhà nước.

“Những ý kiến phát biểu hôm nay và cả những ý kiến gửi đến Diễn đàn thực sự là những “nguyên liệu” đầu vào rất quan trọng trong việc thể chế hóa các quan điểm của Đảng cũng như xây dựng các chính sách phát triển kinh tế tới đây”- ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, các ý kiến tâm huyết, có giá trị sẽ được biểu dương và trao thưởng vào dịp tổng kết Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” dự kiến tổ chức vào tháng 4/2020.

Nhân dịp này, Ban tổ chức Diễn đàn đã trao Bằng chứng nhận cho các doanh nghiệp, doanh nhân có nhiều đóng góp tích cực cho việc tổ chức Diễn đàn.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-tu-nhan-de-xuat-tap-trung-cho-kinh-te-so-130188.html