Doanh nghiệp Trung Quốc 'nóng lòng' chờ kết quả đàm phán thương mại với Mỹ

Các nhà xuất khẩu của Trung Quốc là những người 'nóng lòng' chờ đợi kết quả nhất vào thời điểm họ ngày càng lo ngại về tác động của việc Mỹ tăng thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc.

Khi mọi sự chú ý đang hướng về Washington, nơi diễn ra các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung trong hai ngày 9-10/5, các nhà xuất khẩu các loại hàng hóa, từ thủy sản, từ quần áo, giày dép, hóa chất đến đồ nội thất, của Trung Quốc là những người "nóng lòng" chờ đợi kết quả nhất vào thời điểm họ ngày càng lo ngại về tác động của việc Mỹ tăng thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tuần trước đã gây sức ép lên Trung Quốc khi tuyên bố sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của nước này từ ngày 10/5.

Các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang chịu thiệt hại từ việc Mỹ áp đặt thuế trừng phạt hồi năm ngoái và một số doanh nghiệp cho rằng thông báo nâng thuế nói trên của Mỹ sẽ buộc các công ty này phải chuyển địa điểm sản xuất và sa thải nhân công. Theo số liệu của hải quan, xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc tới Mỹ trong bốn tháng đầu năm nay giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một nhân viên của Tongwei Hainan Aquatic Products, công ty chuyên về cá rô phi và xuất khẩu phần lớn sản phẩm sang Mỹ, cho biết công ty này đang chờ kết quả của cuộc đàm phán, sau khi năm ngoái đã phải hạ giá bán để giữ khách hàng và duy trì hoạt động kinh doanh.

Theo số liệu của Mỹ, 84% lượng cá rô phi đông lạnh mà Mỹ nhập khẩu có trị giá 435 triệu USD trong năm ngoái là từ Trung Quốc. Tuy nhiên, mức thuế nhập khẩu 10% của Mỹ đã làm giảm khối lượng nhập khẩu trong năm nay, với mức giảm gần một nửa trong tháng Một và tiếp tục giảm trong tháng Hai.

Theo bà Emily Wang thuộc Hainan Zhongyi Frozen Food, công ty cũng chuyên về cá rô phi, với 90% trong lượng xuất khẩu là tới Mỹ, sau thông tin mới nhất về thuế, các khách hàng của công ty đã dừng mua hàng và công ty không có bất kỳ đơn hàng mới nào. Bà cho rằng đây là thực trạng chung của ngành xuất khẩu thủy sản, khi các khách hàng đang theo dõi tình hình, dừng đơn hàng hay trì hoãn đơn hàng mới.

Công ty Brooks Running Company có trụ sở tại Mỹ ngày 8/5 cho biết sẽ chuyển một phần hoạt động sản xuất giầy từ Trung Quốc sang Việt Nam, do thuế có thể tăng lên 25%. Nhà sản xuất đồ nội thất Markor Furnishings đầu tuần này cho biết hồi năm ngoái họ đã mua một cơ sở sản xuất ghế sofa của Mỹ và một nhà sản xuất đồ gỗ của Việt Nam để đối phó với việc Mỹ tăng thuế./.

Lê Minh (Theo AFP)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/doanh-nghiep-trung-quoc-nong-long-cho-ket-qua-dam-phan-thuong-mai-voi-my/121830.html