Doanh nghiệp TQ hoạt động trở lại nhưng nhân lực còn ở nơi cách ly

Các doanh nghiệp tại Trung Quốc gặp nhiều khó khăn để khôi phục hoạt động, trong bối cảnh nhiều biện pháp phong tỏa vẫn đang áp dụng, cùng tâm lý lo ngại của người dân.

Airbus bắt đầu tái khởi động dây chuyền lắp ráp tại Trung Quốc. General Motors bắt đầu sản xuất hạn chế từ 15/2, và sau đó Toyota tiếp bước trong ngày 17/2. Chậm chạp và có phần đau đớn, với một chút thúc ép trong lo lắng từ Bắc Kinh, Trung Quốc đang bắt đầu mở cửa lại các hoạt động sản xuất.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đóng cửa từ 3 tuần trước, khi virus corona bùng phát khiến hàng chục nghìn người nhiễm bệnh, đồng thời kéo dài bất thường kỳ nghỉ Tết nguyên đán của người Trung Quốc. Sự đình trệ không thể lường trước gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu nếu công xưởng của thế giới tiếp tục đóng cửa lâu hơn.

Nay, khi một số nhà máy rục rịch vận hành trở lại, nhiệm vụ rõ ràng và quan trọng nhất là tái khởi động nền kinh tế Trung Quốc. Việc nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus va chạm với nhu cầu thúc đẩy hoạt động sản xuất tái khởi động đang buộc các nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh đưa ra quyết định khó khăn, một bên là bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, một bên là đưa các ngành công nghiệp sống còn trở lại guồng quay cần thiết.

Rục rịch hoạt động trở lại

Tuần qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhấn mạnh hơn về yêu cầu làm sống dậy nền kinh tế. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, nhiều công ty và chuyên gia kinh tế cho biết các nhà máy dù hoạt động trở lại cũng luôn ở trạng thái công suất thấp. Các biện pháp cách ly, phong tỏa giao thông, trạm kiểm soát y tế, đang ngăn cản hàng chục triệu người lao động trở về các khu công nghiệp nơi họ làm việc. Dây chuyền cung ứng, đồng thời, cũng bị ảnh hưởng trầm trọng.

“Sự sợ hãi và đình trệ xuất hiện trong hoạt động kinh tế có thể sẽ tiếp tục kéo dài. Tôi không nhìn thấy kết quả tích cực nào", George Magnus, chuyên gia kinh tế từ Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Oxford, nhận định.

Khi tuần thứ 3 của tháng 2 bắt đầu, cỗ máy sản xuất khổng lồ của Trung Quốc, chiếm 1/4 tổng giá trị sản xuất của thế giới, chưa cho thấy dấu hiệu rõ ràng nào của sự hồi phục.

 Nhà máy lắp ráp máy bay của Airbus tại Thiên Tân. Ảnh: News CN.

Nhà máy lắp ráp máy bay của Airbus tại Thiên Tân. Ảnh: News CN.

Airbus, nhà sản xuất máy bay của châu Âu, xác nhận hãng bắt đầu tái khởi động dây chuyền lắp ráp thân máy bay phản lực tại Thiên Tân từ tuần trước. Tuy nhiên, Airbus cho biết sẽ "từ từ gia tăng sản lượng, trong khi tiếp tục áp dụng các biện pháp an toàn sức khỏe y tế theo yêu cầu".

Trước đó, Airbus thừa nhận hãng đang đứng trước nguy cơ không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường quốc tế đối với thân máy bay phản lực, trong bối cảnh nhu cầu tăng đột biến sau khi Boeing đình chỉ khai thác dòng máy bay 737 Max. Airbus cho biết nhà máy tại Thiên Tân đang hoạt động ở quy mô hạn chế, kỳ vọng cho ra lò 6 sản phẩm mỗi tháng.

Hãng Volkswagen cho biết đã tái khởi động một phần một trong 15 nhà máy lắp ráp ở Trung Quốc từ hôm 13/2. Các nhà máy còn lại sẽ lần lượt được tái khởi động sau đó. Trong khi đó, General Motors thông báo đã xây dựng một tiến trình để lần lượt tái khởi động 12 nhà máy lắp ráp tại Trung Quốc.

Ngoại trừ các nhà sản xuất thiết bị bảo hộ y tế, được yêu cầu sản xuất không ngừng nghỉ theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc, chỉ có số ít các doanh nghiệp cho thấy khả năng sớm quay trở lại quy mô sản xuất như trước khi virus corona bùng phát.

Toyota cho biết 4 nhà máy lắp ráp của tập đoàn này từng vận hành 2 ca làm việc mỗi ngày trước khi virus bùng phát. Tập đoàn này cho biết dự kiến sẽ mở lại 3 nhà máy, với chỉ 1 ca làm việc mỗi ngày, trong đầu tuần này.

Theo Anna-Katrina Shedletsky, giám đốc điều hành Instrumental, hệ thống giám sát chất lượng từ xa các sản phẩm điện tử, phần lớn các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động trở lại, ngoại trừ tại Vũ Hán, tâm điểm dịch bệnh. Mặc dù vậy, bà Shedletsky cho biết nhiều cơ sở sản xuất không thể hoạt động hết công suất.

Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, với thành viên là các doanh nghiệp hoạt động trong hầu hết trung tâm công nghiệp khắp Trung Quốc, cho biết phần lớn thành viên của tổ chức này đã tái khởi động một phần sản xuất. Tuy nhiên, phần lớn các nhà máy không đạt công suất tối đa do thiếu công nhân.

Nỗ lực tái kết nối đất nước

Nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh đã khiến đất nước Trung Quốc bị chia tách trong suốt thời gian qua. Ít nhất 760 triệu người, hơn 50% dân số, đã phải sống trong nhiều hình thức phong tỏa khác nhau. Vì vậy, việc tái khởi động các doanh nghiệp được xem là nỗ lực nhằm tập hợp lại lực lượng 700 triệu lao động của Trung Quốc sau gần 3 tuần nghỉ lễ.

Nhà chức trách Trung Quốc đã bắt đầu các nỗ lực nhằm tái kết nối đất nước. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cuối tuần qua đã yêu cầu tháo dỡ tất cả chướng ngại vật trên các tuyến đường giao thông ở nông thôn nhằm giúp hàng hóa, thực phẩm lưu thông. Trong khi đó, tỉnh Giang Tây hôm 13/2 tuyên bố sẽ tháo dỡ các điểm kiểm soát tại lối ra, vào cao tốc.

Tuy nhiên, nhiều chướng ngại vật vẫn ở đó.

"Tôi biết virus này rất nguy hiểm. Tôi có thể hiểu đây là căn bệnh cả nước phải đối mặt. Tôi không biết có thể cầu xin sự giúp đỡ từ ai nữa", Ma Hongkui, một tài xế lái xe tải quê ở Tây Bắc Trung Quốc hiện mắc kẹt cùng hàng chục tài xế khác ở tỉnh Vân Nam, cho biết.

Để khởi động sản xuất, nhà chức trách Trung Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp khẩu trang cho công nhân, giám sát thân nhiệt và theo dõi lịch trình di chuyển để bảo đảm người lao động không bị nhiễm virus corona.

Người lao động phải trải qua nhiều biện pháp kiểm tra y tế, cách ly nếu muốn trở lại nhà máy. Ảnh: AP.

Tại thành phố Nghĩa Ô, một trung tâm cho các nhà sản xuất nhỏ ở tỉnh Chiết Giang, đồng thời có thị trường bán buôn sôi động, người lao động nhập cư muốn quay về các nhà máy phải thực hiện cách ly 2 tuần. Khi những người này về tới nhà ga ở Nghĩa Ô, họ bị kiểm tra bởi hàng chục nhân viên y tế trong quần áo bảo hộ cùng máy đo thân nhiệt.

Chính quyền Nghĩa Ô đã bố trí cơ sở hạ tầng để cách ly 40.000 người. Chỉ những người được các công ty đăng ký chính thức mới được cho phép đi vào thành phố. Bất cứ hành vi khai man nào cũng sẽ bị bắt giữ, nhà chức trách thành phố Nghĩa Ô thông báo.

Trong khi đó, Thượng Hải đang thu thập dữ liệu từ các doanh nghiệp về ngày công nhân trở lại làm việc cùng lịch trình di chuyển của họ. Zhu Zongyao, giám đốc Trung tâm Big Data cỉa Thượng Hải cho biết các máy tính sẽ tự động đánh giá và đưa ra tỷ lệ nguy cơ nhiễm virus của các công nhân, dựa trên lịch sử di chuyển gần nhất.

"Trung Quốc đang duy trì sự cân bằng giữa an toàn của người dân trong khi đưa công nhân trở lại làm việc càng sớm càng tốt", Michael D. Crotty, chủ sở hữu nhà máy sản xuất rèm cửa tại tỉnh Giang Tô, cho biết. Nhà máy của ông Crotty đã tái hoạt động từ ngày 17/2.

Chính quyền địa phương đã yêu cầu nhà máy của ông Crotty bảo đảm số lượng khẩu trang dùng trong 10 ngày cho tất cả công nhân. Tuy nhiên, khẩu trang tại Trung Quốc hiện chỉ được ưu tiên cho các nhân viên y tế hoặc nhu cầu khẩn cấp khác. Nhà máy của ông Crotty đã phải nhập khẩu khẩu trang từ nước ngoài.

Tác động nền kinh tế toàn cầu

Việc các nhà máy mở cửa một phần và chậm chạp có thể gây tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp toàn cầu. Các công ty dệt may tại Giang Tây cho biết nhà máy sản xuất vải sợi sẽ không trở lại hoạt động cho tới ngày 20/2. Các công ty khác tại Trung Quốc vì vậy chịu ảnh hưởng do cần vải sợi để sản xuất hàng may mặc.

Trạm kiểm soát y tế vẫn được duy trì tại nhiều thành phố. Ảnh: AFP.

Foxconn, tập đoàn Đài Loan sản xuất iPhone và các thiết bị thay thế khác cho Apple cũng như nhiều công ty điện tử toàn cầu, từ chối cung cấp thông tin chi tiết về các nhà máy của tập đoàn này hoạt động trở lại sau dịp nghỉ Tết nguyên đán. Tuy nhiên, Foxconn đã bác bỏ thông tin về việc sẽ đưa năng suất đạt mức 50% vào cuối tháng 2 so với trước khi dịch bệnh bùng phát.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Apple là Timothy Cook xác nhận một số nhà cung cấp của tập đoàn này có thể bị gián đoạn sản xuất mà không đưa ra thông tin gì thêm.

Tái khởi động các nhà máy của Trung Quốc chỉ là một trong số các thách thức. Đất nước này có khu vực dịch vụ và tiêu thụ rộng lớn, bao gồm số lượng khổng lồ các cửa hiệu, nhà hàng, được nuôi sống bởi tầng lớp trung lưu ngày càng giàu có. Sự bùng phát của virus khiến ngành kinh doanh này chịu thiệt hại nặng nề khi người Trung Quốc hạn chế ra khỏi nhà.

Amy Li, chủ sở hữu nhà hàng chuyên phục vụ đặc sản miền Bắc Trung Quốc tại Thượng Hải, cho biết cô không có hy vọng sớm đưa nhà hàng trở lại hoạt động. Nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống khác gần đó cũng đứng trước nguy cơ phá sản.

"Chúng tôi không biết khi nào có thể mở cửa trở lại. Vấn đề hiện giờ là liệu có thể tin tưởng vào tương lai được không", Li nói.

Tâm điểm dịch Vũ Hán hoang vắng giữa những ngày bị phong tỏa Cảnh quay trên không vào ngày 4/2 cho thấy hình ảnh yên tĩnh và hoang vắng của Vũ Hán, Trung Quốc. Đây là trung tâm của dịch virus corona đã bị phong tỏa kể từ ngày 23/1.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/doanh-nghiep-tq-hoat-dong-tro-lai-nhung-nhan-luc-con-o-noi-cach-ly-post1048326.html