Doanh nghiệp tìm giải pháp tăng năng suất lao động

Để tăng năng suất lao động (NSLĐ), ngoài cơ chế, chính sách của Nhà nước, địa phương, mỗi doanh nghiệp (DN) cũng như các CĐCS cần có các giải pháp hữu hiệu.

Các cấp CĐ Hà Nội thường xuyên quan tâm động viên công nhân hăng hái sản xuất. Ảnh: X.T

Lãnh đạo một số doanh nghiệp (DN) cũng như nhiều cán bộ công đoàn (CBCĐ) đều cho rằng, năng suất lao động (NSLĐ) Việt Nam còn thấp so với nhiều nước trong khu vực là do quy mô nền kinh tế nhỏ bé; chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chưa phù hợp; máy móc thiết bị cũ kỹ và công nghệ sản xuất lạc hậu; chất lượng lao động kém, tiền lương và thu nhập của người lao động (NLĐ) thấp, không bảo đảm cuộc sống…

Phải có cơ chế chính sách minh bạch

Theo bà Nguyễn Việt Hương - Phó TGĐ Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội - để tăng NSLĐ, Cty luôn tìm những giải pháp để NLĐ làm việc có hiệu quả.

Theo đó, trước hết, Cty xây dựng cơ chế chính sách minh bạch, rõ ràng, có quy trình, tiêu chuẩn khi tuyển dụng lao động.

Thứ hai, Cty luôn chú trọng xây dựng thương hiệu DN có uy tín bằng việc xây dựng quy chế dân chủ, nội quy, quy chế trả lương, thưởng đúng quy định của pháp luật, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, gắn với năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh doanh; khuyến khích NLĐ có tài năng, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật tốt để NLĐ thích đến làm việc tại Cty.

Thứ ba, lãnh đạo Cty phối hợp với CĐ Cty phát động và tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua, nhất là phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo; thực hiện thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện TƯLĐTT…

Thứ tư là chú trọng đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý, sản xuất. Thứ năm là xây dựng môi trường làm việc thân thiện, điều kiện làm việc an toàn, bảo đảm quy trình kỹ thuật, quy phạm về ATVSLĐ trong sản xuất.

“Phải có cơ chế, chính sách minh bạch mới mang lại động lực làm việc tốt cho NLĐ” - bà Nguyễn Việt Hương chia sẻ.

Một số DN cũng cho rằng, nâng cao chất lượng và đổi mới biện pháp quản lý, quản trị, điều hành DN, nâng cao trình độ khoa học của DN, thực hiện cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục… là những yếu tố rất quan trọng để góp phần tăng NSLĐ.

Đảm bảo quyền lợi của NLĐ

Đề cập về vai trò CĐ trong cải cách hành chính và tăng NSLĐ, bà Đỗ Thị Phương Nga - Chủ tịch LĐLĐ huyện Ứng Hòa, Hà Nội - khẳng định, yếu tố quan trọng quyết định đến tăng NSLĐ chính là nhân tố con người.

Là tổ chức đại diện, chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, BCH CĐCS phải lắng nghe, tiếp nhận và tham gia giải quyết ổn thỏa những phát sinh trong sản xuất của NLĐ. CĐCS phải phát động và tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, thường xuyên tổ chức các cuộc thi thợ giỏi, thi sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, kích thích sự sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật của NLĐ; kiến nghị DN tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề cho CNLĐ; tham gia cùng DN trong việc bàn giải pháp đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, cải thiện điều kiện làm việc ngày càng tốt hơn cho NLĐ; đề xuất DN xây dựng các hình thức biểu dương, khen thưởng theo tháng, quý để động
viên NLĐ.

Liên quan đến vấn đề này, bà Phạm Thị Bích Hải - Chủ tịch CĐ Cty TNHH TOTO Việt Nam - cho biết, để tăng NSLĐ, CĐCS cần phối hợp với lãnh đạo Cty xây dựng thang, bảng lương, chế độ phụ cấp, trợ cấp cho NLĐ; tổ chức nhiều cuộc thi tay nghề; biểu dương khen thưởng các CNLĐ có thành tích tốt trong công việc… để khuyến khích NLĐ hăng say sản xuất.

Trao đổi về vai trò CĐ trong tăng NSLĐ, ông Trần Quang Hải - công nhân Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội - cho rằng, để tăng NSLĐ cần có sự nỗ lực của bản thân NLĐ, DN và tổ chức CĐ tại DN. Trong đó, CĐ cần động viên NLĐ để họ có tình yêu với công việc, nâng cao kỹ năng và tuân thủ kỷ luật lao động, quy trình kỹ thuật trong sản xuất; biết ứng dụng công nghệ tin học cho các công việc của mình tại Cty…

T.XUÂN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/doanh-nghiep-tim-giai-phap-tang-nang-suat-lao-dong-564422.ldo