Doanh nghiệp tìm cách vượt khó trong mùa dịch

Sau làn sóng thứ nhất của dịch COVID-19 có rất nhiều doanh nghiệp (DN) bị tác động tiêu cực, nhiều lĩnh vực hoạt động kinh doanh đã ngưng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng.

Bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đó là dịch vụ du lịch lữ hành, cho thuê mặt bằng kinh doanh, mua bán hàng hóa...

Thống kê của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) từ tháng 1-9/2020, VIAC đã tiếp nhận và thụ lý khoảng trên 130 vụ tranh chấp. Nhiều nhất là những vụ tranh chấp liên quan đến việc các DN không thực hiện được hợp đồng do bị ảnh hưởng của COVID-19.

“Đối với những vụ tranh chấp này chúng tôi nhận thấy, trong quá trình giải quyết tranh chấp, sự nhân nhượng, thiện chí của các bên thể hiện rất rõ nét. Tuy nhiên, do tài chính không đảm bảo nên không thể thực hiện hợp đồng, vi phạm hợp đồng đã xảy ra, dẫn đến khiếu kiện. Để đi kiện một DN trong bối cảnh hiện nay, các DN rất cân nhắc”, ông Châu Việt Bắc – Phó Tổng thư ký VIAC cho biết. Chính vì các DN có sự nhân nhượng, thiện chí với nhau nên những vụ tranh chấp tại VIAC, tỷ lệ hòa giải thành công tương đối cao trong thời gian vừa qua.

Nông sản Việt Nam xuất khẩu sang EU được hưởng ưu đãi.

Nông sản Việt Nam xuất khẩu sang EU được hưởng ưu đãi.

Điển hình, VIAC mới tiếp nhận trường hợp một DN của Mỹ ký kết 30 hợp đồng với DN xuất khẩu găng tay của Việt Nam. Phía công ty Mỹ đã đặt quỹ khoảng vài trăm ngàn USD cho 1 đơn hàng (1 hợp đồng), nhưng do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên DN Việt Nam không giao hàng được, dẫn đến hủy hợp đồng.

Trong vụ này, DN Mỹ cũng muốn thực hiện thủ tục hòa giải, nếu không thành công thì sẽ đưa ra trọng tài để giải quyết. “Trường hợp trên là bằng chứng rõ nét nhất xu thế giải quyết tranh chấp, vi phạm hợp đồng trong bối cảnh COVID-19”, ông Bắc nói.

Nhiều DN cũng lo ngại, trong bối cảnh hiện tại, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên DN không thể gặp mặt trực tiếp mà phải giao kết hợp đồng qua phương thức điện tử như qua phần mềm zoom, gmail… Vậy trong trường hợp, nếu phần mềm không được bảo mật, các bên bị mất thông tin thì rủi ro này giải quyết như thế nào?

Phó GS TS Dương Anh Sơn cho rằng: “Bản thân DN cần áp dụng các biện pháp để tự bảo vệ mình. Bởi, khi mất thông tin, DN không thể khiếu nại Google được. Chính vì vậy, DN phải nhờ chuyên gia tư vấn phần mềm bảo mật cao nhất để sử dụng”. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, giao kết hợp đồng qua phương thức điện tử của các DN cũng chính là xu hướng trong bối cảnh dịch COVID-19 chưa biết khi nào kết thúc.

Thúy Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-tim-cach-vuot-kho-trong-mua-dich-612861/