Doanh nghiệp thủy sản ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nuôi trồng

Trước đòi hỏi cao của các thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp thủy sản tỉnh Phú Yên đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất và nuôi trồng.

Phú Yên mời gọi và khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp nuôi thủy sản trong và ngoài nước có quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến đầu tư, hợp tác để phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

Kế hoạch tái cơ cấu ngành thủy sản

Thời gian qua, nhằm phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế về phát triển ngành thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên đã ban hành Kế hoạch Phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, tính đến năm 2020 có 70% cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên đáp ứng các quy chuẩn về bảo vệ môi trường, 100% cơ sở xây dựng mới đạt các quy chuẩn về bảo vệ môi trường. Mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất ngành thủy sản toàn tỉnh tăng 4,5%/năm, giá trị xuất khẩu đạt 100 triệu USD.

Một trong những địa phương như TP. Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, các huyện Tuy An và Đông Hòa được tỉnh Phú Yên áp dụng theo Kế hoạch Tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để tái cơ cầu ngành nuôi trồng thủy sản.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết, trên địa bàn tỉnh có hơn 50 cơ sở sản xuất giống thủy sản. Trong đó, cơ sở của Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc (Công ty Đắc Lộc) được đầu tư bài bản, áp dụng các mô hình nuôi tiên tiến. Hiện khu sản xuất tại xã Xuân Hải (thị xã Sông Cầu) của Công ty Đắc Lộc có diện tích 50 ha, trong đó có 3 trại giống tôm bố mẹ, 11 trại ương ấu trùng và khoảng 30 ha nuôi thực nghiệm.

“Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc là đơn vị đi đầu trong hoạt động ứng dụng khoa học-công nghệ (KHCN) vào sản xuất, trở thành một trong hai đơn vị đầu tiên của tỉnh được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN tại Phú Yên”, ông Tùng cho biết.

Phú Yên mời gọi, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp xây dựng mô hình nuôi thủy sản theo hướng bền vững.

Từ năm 2013 đến nay, Công ty Đắc Lộc đã xây dựng mô hình khu ương nuôi Green House, tiếp nhận công nghệ, kỹ thuật ương nuôi tiên tiến nhất từ Công ty Aquaculture Promotion Co., Ltd thuộc Tập đoàn C.P.

Ông Lê Hữu Tình, Phó giám đốc Công ty Đắc Lộc cho hay, những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm thẻ chân trắng nói riêng đã mang lại nguồn thu nhập cao cho người nuôi. Tuy nhiên, nuôi tôm theo lối truyền thống gặp nhiều rủi ro, nên việc đầu tư phát triển nghề này theo hướng ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào nuôi trồng nhằm quản lý và kiểm soát tốt các yếu tố môi trường, an toàn dịch bệnh, nâng cao năng suất, sản lượng… là một định hướng đúng đắn và cần thiết.

Theo lãnh đạo công ty này, quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất là tiền đề giúp Đắc Lộc tạo ra những mô hình nuôi bền vững, góp phần đưa ngành nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng hiện đại, quy mô, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả.

Mới đây, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Phú Yên về kết quả chống khai thác bất hợp pháp IUU, tái đàn lợn, phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản.

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, ông Nguyễn Trọng Tùng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ địa phương đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản vùng lộng và vùng ven bờ làm cơ sở công bố hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản; hướng dẫn quản lý nguồn giống tôm hùm nhập khẩu. Đồng thời quan tâm đề xuất của tỉnh đối với dự án đầu tư phát triển thủy sản bền vững, nuôi tôm công nghệ cao.

Theo ông Tùng, hiện Phú Yên có nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản được áp dụng KHCN an toàn như: Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên phối hợp với Công ty CP Thiết bị chuyên dụng và chuyển giao công nghệ (Hà Nội) để triển khai mô hình nuôi tôm hùm trên bể với công nghệ ứng dụng hệ thống nuôi thủy sản tuần hoàn và sử dụng thức ăn công nghiệp để nuôi tôm.

Trước đó, Dự án Đầu tư sản xuất và kinh doanh sản phẩm cá chẽm và các loài cá biển giá trị cao của Công ty TNHH Blue Table Farmers đang được tỉnh thẩm định và chuẩn bị cấp phép. Dự án này triển khai tại xã An Hải (huyện Tuy An) với diện tích mặt nước khoảng 29 ha, quy mô sản xuất và chế biến khoảng 1.000 tấn cá/vụ nuôi hoặc 400 tấn cá phi lê/vụ nuôi.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Trần Hữu Thế cho biết, Phú Yên mời gọi và khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp nuôi thủy sản trong và ngoài nước có quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến đầu tư, hợp tác để phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp xây dựng mô hình nuôi thủy sản theo hướng bền vững.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-thuy-san-ung-dung-cong-nghe-cao-vao-san-xuat-nuoi-trong-d132467.html