Doanh nghiệp thủy sản bức xúc vì bị áp thuế hàng 'chế biến' thành 'sơ chế'

Các mặt hàng thủy sản chế biến xuất khẩu lại bị áp là hàng 'sơ chế' thay vì 'chế biến' khiến doanh nghiệp hội viên VASEP bức xúc vì không được hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập.

Đề nghị Tổng cục thuế có buổi làm việc với VASEP và doanh nghiệp thủy sản

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa gửi công văn đề nghị Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) xem xét cho các doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề kinh doanh chế biến, bảo quản thủy sản và có nhà máy chế biến thủy sản; các sản phẩm từ thủy sản (mã ngành 1020) được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị định 12/2015/NĐ-CP bằng cách sửa đổi lại khoản 1, điều 1 của Thông tư 26/2015/TT-BTC.

VASEP cũng đề nghị Tổng cục thuế bố trí một buổi làm việc với VASEP và các doanh nghiệp thủy sản để trao đổi về các vướng mắc, bất cập về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành đối với hoạt động chế biến thủy sản cũng như có thể làm rõ hơn đề xuất của Hiệp hội tại công văn này.

Ảnh minh họa: Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam ở khu công nghiệp Trà Nóc (TP Cần Thơ) chế biến xuất khẩu cá tra đông lạnh (Nguồn: Vũ Sinh-TTXVN).

Trước đó, VASEP đã nhận được nhiều phản ánh từ các doanh nghiệp thủy sản hội viên về các gặp vướng mắc liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngành chế biến thủy sản liên quan đến quy định và việc thực thi Thông tư 26, Thông tư 96.

Bởi, theo 2 Thông tư trên, đa số mặt hàng thủy sản chế biến xuất khẩu lại bị áp sang là hàng “sơ chế” thay vì là “chế biến” khiến các doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đồng thuận về vấn đề này với VASEP, đầu tháng 07/2020, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị xử lý vướng mắc trong việc áp thuế đối với sản phẩm thủy sản “chế biến” và “sơ chế”.

VASEP cho biết, hiện, nhiều doanh nghiệp thủy sản đang bị áp mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho hàng thủy sản là sơ chế với mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20% trong khi các mặt hàng đầu ra của các doanh nghiệp này đa số là các sản phẩm đã qua chế biến, được phép áp dụng mức thuế là 10% hoặc là 15% Thông tư 96.

Phía UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã có văn bản đề nghị Tổng cục Thuế làm rõ hơn chính sách này và đã nhận được công văn trả lời của Tổng cục về vấn đề này.

Tuy nhiên, theo VASEP, công văn trả lời nói trên hay một số các văn bản hướng dẫn của ngành thuế vẫn chưa có cơ sở vững chắc thế nào là sơ chế và thế nào là chế biến, chưa giải thích được sản phẩm như thế nào sẽ được coi là “sản phẩm khác với nguyên liệu đầu vào”.

Điều này dẫn tới các doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.

05 lý do khiến áp thuế 20% là không phù hợp

VASEP cho rằng, việc áp mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho hàng thủy sản là sơ chế với mức thuế 20% trong khi các mặt hàng đầu ra của các doanh nghiệp này đa số là các sản phẩm đã qua chế biến đang gây nhiều bất cập và không phù hợp với thực tiễn, bởi 05 lý do:

Thứ nhất, một số doanh nghiệp trước đây đã từng được các Cục thuế các tỉnh cho hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với mức 15%.

Tuy nhiên, sau một số công văn hướng dẫn (được ban hành từ cuối 2017 đến nay) thì các sản phẩm của doanh nghiệp lại bị quy sang hàng sơ chế và thuế suất phải nộp lại tăng lên 20%.

Điều này đã gây ra một thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp khi trước đó được hưởng ưu đã nên khi bán hàng đã chấp nhận giảm giá cho khách hàng nước ngoài và cân đối nâng giá thu mua tôm nguyên liệu của người dân để tăng lượng khách hàng và lượng nguyên liệu thu mua được.

Nhưng sau khi bị nâng mức áp thuế thu nhập doanh nghiệp và bị truy thu thì đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào con đường thua lỗ nghiêm trọng, theo VASEP.

Thứ hai, hoạt động chế biến của các doanh nghiệp thủy sản gồm 3 dạng: Chế biến từ sản phẩm tươi sống để xuất khẩu; Chế biến từ sản phẩm tươi sống thành sản phẩm chín và Chế biến từ nguyên liệu có pha trộn gia vị phụ liệu để ra hàng giá trị gia tăng.

Nhưng khi quyết toán thuế hoặc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp chế biến thủy sản, các sản phẩm của cả ba dạng chế biến trên đều không được các cơ quan ngành thuế công nhận là sản phẩm “chế biến” mà chỉ là ‘sơ chế”.

Điều bất cập này khiến tỷ lệ phải nộp thuế của các doanh nghiệp thủy sản hiện tại (bao gồm cả sản phẩm xuất khẩu, tiêu thụ nội địa hay gia công) đều là 20% - không đúng với bản chất chế biến của ngành.

Thứ ba, các sản phẩm thủy sản đông lạnh đều trải qua quá trình cấp đông và bảo quản lạnh đông với các công nghệ cấp đông, bảo quản lạnh đông hiện đại, tối tân, đòi hỏi chi phí cao và mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm.

Đây chính là “phương pháp công nghiệp” được ghi rõ trong định nghĩa sản phẩm chế biến của Luật ATTP 2010.

Hấp/chiên (công đoạn gia nhiệt sản phẩm) chỉ là một công đoạn trong quá trình chế biến cho những sản phẩm nhất định. Có sản phẩm có công đoạn này, có sản phẩm không có công đoạn gia nhiệt.

Tuy nhiên, vấn đề cốt yếu nhất là hầu hết, nếu như không muốn nói là tất cả, các sản phẩm này đều phải qua công đoạn quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất tạo ra giá trị sản phẩm và giúp sản phẩm lưu thông được trên toàn thế giới mà chất lượng sản phẩm giữ nguyên. Đó là công đoạn cấp đông.

Cấp đông là bước tiến của ngành Công nghệ thực phẩm, là công nghệ hiện đại, giữ được chất lượng sản phẩm gần như nguyên vẹn trong thời gian dài (khoảng 2 năm).

Công nghệ này không chỉ phải nhập khẩu máy móc công nghệ với hệ thống Cấp đông - chi phí đầu tư lớn, mà cả chi phí vận hành cũng lớn.

VASEP cho rằng, đặc thù, ưu việt và khác biệt của ngành thủy sản với đa phần là sản phẩm đông lạnh khi cần đầu tư những công nghệ tối tân và đắt đỏ.

Dù vậy, sản phẩm thủy sản phải sử dụng các công nghệ hiện đại này thì lại không được coi là sản phẩm chế biến. Đây là một bất cập và bất bình đẳng lớn đối với sản phẩm thủy sản so với các sản phẩm nông sản, thực phẩm khác.

Thứ tư, chế biến thủy sản (lột vỏ tôm, rút tim, lạng da cá, phi lê/cắt khúc, rút xương, phân size cỡ, rửa làm sạch, ngâm phụ gia, hấp/chiên (hoặc không hấp/chiên), cấp đông, đóng gói, bảo quản đông lạnh -18 độ C,...) thuộc mã ngành 10201 cùng thuộc nhóm C: Công nghiệp chế biến, chế tạo thì không được cho là chế biến thủy sản mà là hoạt động sơ chế. Điều này tạo sự khập khiễng về hoạt động chế biến của hai ngành nghề: gạo và thủy sản.

Bởi, hoạt động xay xát, đánh bóng gạo gắn liền với quá trình sản xuất gạo bằng cách tách vỏ trấu, xay xát, đánh bóng gạo thì được xác định thuộc mã ngành 10611 xay xát, thuộc nhóm C: Công nghiệp chế biến, chế tạo theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam thì được cơ quan Thuế xác định là hoạt động chế biến nông sản.

Hơn nữa, để xây dựng hoàn chỉnh một nhà máy chế biến thủy sản đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, mức độ công nghệ áp dụng cao và quy trình chế biến phức tạp nhiều lần so với chế biến gạo.

Thứ năm là, đối với các sản phẩm hàng gia công, giá trị nguyên liệu (là của đối tác thuê gia công) cũng không được các cơ quan quản lý Nhà nước tính vào giá thành sản xuất hàng hóa của doanh nghiệp nên sản phẩm cũng không đáp ứng được yêu cầu nêu tại Thông tư 96/2015/TT-BTC để được hưởng ưu đãi thuế.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-thuy-san-buc-xuc-vi-bi-ap-thue-hang-che-bien-thanh-so-che-d126932.html