Doanh nghiệp thực phẩm: Kết nối nâng giá trị hàng Việt

Trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2026, ngành lương thực, thực phẩm và đồ uống Việt Nam dự báo tăng trưởng 8,56%.

Tăng trưởng mạnh mẽ

Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM, cho biết, ngành chế biến lương thực, thực phẩm (LTTP) Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đã từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu, đã có nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu uy tín chiếm lĩnh thị trường trong nước, thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất được sang nhiều nước “khó tính” trên thế giới.

Chế biến thực phẩm đông lạnh tại Công ty CP Thủy hải sản Sài Gòn APT - Bình Tân TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chế biến thực phẩm đông lạnh tại Công ty CP Thủy hải sản Sài Gòn APT - Bình Tân TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chung nhận định, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội LTTP TPHCM, cho biết thêm, nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng mạnh trở lại, đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phục hồi và tăng trưởng mạnh, kéo doanh thu bán lẻ các mặt hàng LTTP tăng trưởng theo. Thực tế cho thấy, doanh thu bán lẻ hàng hóa nhóm ngành hàng LTTP tăng 12% và riêng tại TPHCM là tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2021. Không dừng lại đó, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục khẳng định vị trí là trụ cột của nền kinh tế khi tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 13%, đạt 36,3 tỷ USD. Nhiều sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao tập trung vào các nhóm hàng như cà phê, cao su, gạo, hồ tiêu, sữa và sản phẩm sữa, thịt và phụ phẩm thịt, cá tra, tôm…

Theo một báo cáo được đưa ra đầu tháng 8-2022 của Tổ chức Nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Mordor Intelligence Inc, ngành LTTP và đồ uống sẽ đạt mức tăng trưởng kép hàng năm lên tới 8,65%. Trên thực tế, tính từ đầu năm đến nay, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành chế biến LTTP Việt Nam tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, một số nhóm hàng tăng trưởng tốt như thủy hải sản chế biến tăng 20,7%, sữa bột tăng 3,2%… Riêng tại TPHCM, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành LTTP tăng đột biến khi ghi nhận mức 26,87%. Nhìn chung, trong bối cảnh hiện nay thì phải nói đây là kết quả rất khả quan cho ngành và nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, dưới tác động nặng nề của dịch Covid-19, ngành chế biến LTTP thành phố đã gặp nhiều khó khăn và thách thức từ sự đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu, hệ thống phân phối bị gián đoạn cho đến logistics, hậu cần và nhân lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cơ hội giao thương cho hàng Việt

Trước những đề xuất từ phía Hiệp hội LTTP, ông Trần Phú Lữ cho biết, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư thành phố (ITPC) sẽ chủ trì, phối hợp Hội LTTP TPHCM (FFA) tổ chức Triển lãm quốc tế ngành LTTP TPHCM 2022 (HCMC FOODEX 2022). Dự kiến, triển lãm diễn ra từ ngày 19 đến 22-10 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) với chủ đề “Kết nối giá trị cùng phát triển”.

Đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 300 doanh nghiệp thuộc nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký tham gia HCMC FOODEX 2022. “Đây là cơ hội để các doanh nghiệp và thành phố quảng bá sự phát triển năng động của ngành công nghiệp chế biến LTTP thành phố, các sản phẩm có chất lượng và doanh nghiệp có thương hiệu uy tín trong ngành LTTP, thúc đẩy các cơ hội hợp tác kinh doanh và thu hút nguồn lực đầu tư hiệu quả. Ngoài ra, trong khuôn khổ triển lãm, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ để cập nhật thông tin mới nhất về xu hướng trong sản xuất, tiêu dùng và định hướng thị trường xuất khẩu tiềm năng, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác và mở rộng mạng lưới phân phối và tiêu thụ sản phẩm”, ông Trần Phú Lữ nhấn mạnh.

Cùng đó, thông qua các hoạt động trình diễn quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam và quốc tế với các chủ đề như: “Phở Việt Nam - Tinh túy từ hạt gạo”, “Thế giới qua những sợi mì”, “Văn hóa bánh mì”, “Văn hóa cà phê Việt Nam và thế giới”, “Bánh truyền thống dân gian Việt Nam - Hương xưa, mùi nhớ, vị quê nhà”… và do các nghệ nhân thực hiện, ban tổ chức chương trình kỳ vọng sẽ thu hút 18.000 du khách, người dân đến tham quan tại TPHCM.

Hiện Việt Nam đã xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản, thực phẩm chế biến đến hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ, và là đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang là quốc gia được nhiều doanh nghiệp FDI lựa chọn là điểm đến hấp dẫn đầu tư bởi tiềm năng tăng trưởng cao. Điều này cho thấy tính hấp dẫn của ngành đối với các doanh nghiệp quốc tế vào đầu tư tại thị trường Việt Nam. Và để có thể gia nhập sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mặt khác tăng cơ hội mở rộng thị phần trên toàn cầu, doanh nghiệp Việt cần phải đổi mới sáng tạo, thay đổi công nghệ, chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, nâng cao giá trị sản phẩm, đưa văn hóa bản địa vào sản phẩm để thích ứng với yêu cầu từ các thị trường xuất khẩu. Việc tổ chức những triển lãm như trên là hết sức cần thiết cho doanh nghiệp Việt.

ÁI VÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//doanh-nghiep-thuc-pham-ket-noi-nang-gia-tri-hang-viet-843871.html