Doanh nghiệp thép thấm 'đòn'

Hàng loạt doanh nghiệp thép công bố kết quả kinh doanh giảm sút, thậm chí có doanh nghiệp thua lỗ do phải đối mặt với những khó khăn ở cả đầu vào lẫn đầu ra tại thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.

Cung vượt quá cầu khiến các DN buộc phải hạ giá bán để tiêu thụ được hàng, trong khi nguyên liệu đầu vào lại tăng mạnh. Ảnh: N.H.

Cung vượt quá cầu khiến các DN buộc phải hạ giá bán để tiêu thụ được hàng, trong khi nguyên liệu đầu vào lại tăng mạnh. Ảnh: N.H.

Lợi nhuận lao dốc

Báo cáo tài chính quý III/2019 của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận doanh thu chỉ tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018 nhưng giá vốn tăng tới 13% nên lợi nhuận gộp giảm 17%, chỉ đạt 12.385 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ 23% ở quý III/2018 xuống chỉ còn 18% trong quý này. Trong khi đó, chi phí bán hàng đội lên 20%, chi phí quản lý doanh nghiệp (DN) thì cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Kết quả, lãi ròng của Hòa Phát chỉ còn lại 1.794 tỷ đồng, giảm 25% so với quý III/2019. Lũy kế 9 tháng năm 2019, lãi ròng vẫn giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 5.655 tỷ đồng.

Doanh thu trong kỳ của Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen cũng giảm 26%, chỉ đạt 6.349 tỷ đồng, nhưng nhờ các chi phí cùng giảm mạnh nên lợi nhuận sau thuế đạt được 84 tỷ đồng, tích cực hơn so với mức lỗ 102 tỷ đồng hồi cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lũy kế cả niên độ (từ 1/10/2018 đến 1/10/2019), lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 12%, chỉ đạt 361 tỷ đồng. Tương tự, một số DN khác cũng bị sụt giảm lợi nhuận, như Thép Nam Kim chỉ lãi vỏn vẹn 40 tỷ đồng trong 9 tháng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi tới gần 231 tỷ đồng; Gang thép Thái Nguyên giảm 12%, chỉ đạt 40 tỷ đồng.

Tại Công ty CP Thép Pomina, tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn khi doanh thu giảm tới gần 15% trong khi các chi phí đồng loạt tăng khiến cho công ty lỗ sau thuế 119 tỷ đồng trong quý III/2019. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của Pomina âm 252 tỷ đồng. Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất của Pomina, doanh thu giảm ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong đó, thị trường nội địa giảm 10% còn thị trường xuất khẩu giảm 30%. Tương tự, Thép Tiến Lên lỗ 8,6 tỷ đồng trong quý III/2019, trong khi quý III/2018 công ty có lãi 32 tỷ đồng. Kết quả này đã kéo giảm lợi nhuận sau thuế của công ty trong 9 tháng năm 2019 chỉ còn xấp xỉ 31 tỷ đồng, giảm 82% so với cùng kỳ năm trước.

Thép Việt Ý cũng tiếp tục chìm trong thua lỗ khi doanh thu thuần trong quý III/2019 chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm 2018, đạt 1.086 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn lại lên tới 1.127 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp trong kỳ âm 41 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, Thép Việt Ý lỗ sau thuế 75 tỷ đồng trong quý III/2019 và lỗ 141 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2019, mức lỗ này tăng lần lượt 17% và 8% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, Thép Việt Ý đã lỗ liên tiếp kể từ quý II/2018 đến nay.

Tiếp tục khó khăn

Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng trong khi đầu ra gặp khó là những nguyên nhân mà các công ty đưa ra để lý giải cho sự bết bát trong kết quả kinh doanh. Cụ thể, theo giải trình của ban lãnh đạo Hòa Phát, trong quý III/2019, gián bán thép xây dựng và ống thép giảm tương ứng 10% và 6%, trong khi giá nguyên liệu đầu vào lại tăng, đặc biệt là giá quặng sắt tăng tới 37% làm giá vốn bán hàng tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Lý giải về nguyên nhân lỗ, ban lãnh Pomina cho biết, công ty đang triển khai 2 dự án trong đó có dự án lò cao quý II/2020 sẽ đi vào hoạt động và dự án tôn mới đi vào hoạt động quý II/2019 nên chi phí lãi vay tăng 79% so với cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, một nhà máy của công ty phải ngưng sản xuất do sự cố thiết bị dẫn đến sản lượng giảm. Hiện sự cố đã được khắc phục và nhà máy bắt đầu sản xuất lại từ đầu tháng 10.

Tại thời điểm 30/9, Pomina còn 1.467 tỷ đồng nợ dài hạn. Trong đó có 694 tỷ đồng vay để xây dựng dự án lò cao thuộc nhà máy luyện phôi thép có công suất 1 triệu tấn/năm tại KCN Phú Mỹ 1 (Bà Rịa - Vũng Tàu) và 687 tỷ đồng vay cho dự án nhà máy tôn. Chi phí lãi vay trong quý III/2019 của Pomina là 98 tỷ đồng, tăng vọt 92% so với quý III/2018.

Còn theo ông Satoshi Sugino, Phó Tổng giám đốc của Thép Việt Ý, giá phôi đầu vào trên thị trường giảm mạnh, sức cầu trên thị trường yếu, trong khi công ty vẫn kiên định với hướng đi sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường nên sản phẩm phôi thép của công ty khó cạnh tranh với các sản phẩm sản xuất từ công nghệ lò trung tần. Kết quả là nhà máy phôi luôn trong tình trạng hoạt động cầm chừng. Sản lượng sản xuất trong quý III/2019 chỉ bằng phân nửa so với cùng kỳ năm 2018. Đây chính là nguyên nhân gây lỗ bởi các chi phí cố định.

Một nguyên nhân nữa làm ảnh hưởng tới kết quả sản xuất kinh doanh của Việt Ý, theo ông Satoshi Sugino, là do tình trạng cung vượt cầu và sự biến động tăng của giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào và giá điện tăng trong khi giá bán ra không tăng được. Theo đó, ảnh hưởng của xung đột Mỹ - Trung cùng với những lo lắng về nhu cầu và hàng tồn kho khiến công ty phải giảm giá bán đầu ra của sản phẩm trong quý III/2019.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong 9 tháng năm 2019, sản lượng bán ra của toàn ngành đạt hơn 17 triệu tấn, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi cùng kỳ năm trước tăng trưởng đạt tới gần 24%. Như vậy, mức tăng trưởng của năm nay chỉ bằng 1/3 cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân của sự chậm lại này phần lớn bắt nguồn từ chậm lại của thị trường bất động sản và tình hình đầu tư công vẫn bị nghẽn ở khâu giải ngân vốn.

Các chuyên gia cũng đánh giá, từ năm 2018, các DN thép trong nước đã đẩy mạnh gia tăng công suất, quy mô sản xuất thép. Điều này vừa làm gia tăng nguồn cung lên cao vượt quá so với nhu cầu, vừa làm gia tăng chi phí đối với những DN đầu tư thông qua vốn vay. Tình trạng dư cung còn dẫn tới sự cạnh tranh gay gắt, buộc các DN phải hạ giá bán, trong khi nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu cũng gặp khó khăn do thương mại toàn cầu đang trong giai đoạn bất ổn. Rào cản thuế quan ở thị trường Mỹ cũng gây khó khăn lớn cho các DN.

Thời gian tới, dự báo thị trường bất động sản sẽ sôi động hơn vào năm 2021 và hoạt động giải ngân đầu tư công sẽ có chuyển biến với nhiều đại dự án đang được xem xét triển khai như cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành… Tuy nhiên, cần lưu ý là thời hạn thuế chống bán phá giá sẽ đáo hạn vào ngày 22/3/2020, dẫn tới rủi ro thép giá rẻ của Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam. Hiện Việt Nam nhập khẩu tới 10% sản lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc, đứng thứ hai chỉ sau Hàn Quốc. Ngay ở thời điểm hiện tại khi thời hạn chống bán phá giá chưa chấm dứt, các DN thép trong nước cũng đã đang bị áp lực bởi sản lượng thép dư thừa lớn từ Trung Quốc.

Giá cổ phiếu chìm sâu, kết quả kinh doanh ảm đảm và triển vọng ngắn hạn không mấy khả quan đã nhấn chìm giá cổ phiếu thép xuống mức thấp. Giá nhiều cổ phiếu hiện chỉ ở mức 4.000 - 5.000 đồng/đơn vị như TLH của Thép Tiến Lên đang giao dịch quanh mức xấp xỉ 4.000 đồng/đơn vị; POM của Pomina có giá khoảng 5.500 đồng/đơn vị, NKG của Thép Nam Kim có giá chưa tới 6.400 đồng/đơn vị. Ngay cả cổ phiếu HSG của Tôn Hoa Sen cũng có giá chưa tới 7.400 đồng. Cổ phiếu đầu ngành là HPG của Tập đoàn Hòa Phát cũng đã giảm từ mức 30.000 đồng hồi đầu năm xuống chỉ còn 22.700 đồng/đơn vị.

Khải Kỳ

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/doanh-nghiep-thep-tham-don-115074-115074.html