Doanh nghiệp than phiền tình trạng 'tùy nghi, vòi vĩnh'

Nhiều doanh nghiệp (DN) phản ánh, tình trạng giao tiếp ứng xử tùy nghi, vòi vĩnh, lạm dụng thanh tra, kiểm tra với DN vẫn rất phổ biến không chỉ riêng với khối doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn mà phần đông doanh nghiệp các ngành đều gặp vấn đề này.

Quang cảnh buổi đối thoại với doanh nghiệp TPHCM

Đó là nội dung được nêu ra tại hội nghị Đối thoại DN do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức tại TPHCM chiều ngày 4/12.

Tình trạng giao tiếp ứng xử tùy nghi, vòi vĩnh, lạm dụng thanh tra, kiểm tra với DN vẫn rất phổ biến không chỉ riêng với khối kinh doanh nhà hàng, khách sạn mà phần đông doanh nghiệp các ngành đều gặp vấn đề này. Bên cạnh đó, việc áp dụng pháp luật cũng còn khá tùy nghi, ít công khai minh bạch, thiếu thống nhất trên dưới, giữa các bộ ngành, đặc biệt là ở cấp địa phương nơi vẫn theo nề nếp cũ, bị động, ngại thay đổi để chuyển từ quản lý sang kiến tạo, đồng hành...

Nhiều DN than thở về thái độ của cơ quan công quyền

Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân với 100 DN mới đây, kết quả cho thấy, 3 rào cản lớn liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh đó là: thủ tục hành chính còn rườm rà, gây mất thời gian cho DN (chiếm 73%); thái độ, hành vi ứng xử của cán bộ cơ quan nhà nước chưa đúng mực, còn nhũng nhiễu (chiếm 64%); có sự chồng chéo giữa các cơ quan nhà nước (chiếm 46%). Các vấn đề khác cũng được DN quan tâm nhưng ở mức thấp hơn.

Theo ông Trương Gia Bình - Trưởng ban Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân: “Nhìn chung, DN không phàn nàn về các giải pháp hỗ trợ DN của Chính phủ thời gian qua. DN cũng ghi nhận những nỗ lực về cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, phần tiếp cận đất đai vẫn là yếu tố chiếm tỷ lệ phàn nàn cao (28%). Các vấn đề tiếp theo là cổ phần hóa, xử lý nợ xấu và thực hiện các chương trình hỗ trợ DN cũng đang có những “thang” đánh giá khác nhau, không hoàn toàn tích cực. Như vậy, đây là bức tranh nhiều chiều, có tốt và không tốt, phản ánh nỗ lực cải cách vượt qua khó khăn của cả nền kinh tế giai đoạn qua”.

Tại hội nghị, các đại diện nhóm DN lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế số và khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư tài chính, du lịch, Hội Doanh nhân trẻ TPHCM… đã nêu những khó khăn, vướng mắc mà các DN phải đối mặt; đồng thời kiến nghị nhằm giúp tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, công bằng, an toàn và hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhìn nhận, với kết quả khảo sát ý kiến này cho thấy sự chuyển biến chậm về tư duy, hành động của các cấp quản lý, đặc biệt là ở các cấp chính quyền địa phương; sự chồng lấn về chức năng, nhiệm vụ và thiếu cơ chế liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính nhà nước.

Các quy định thủ tục hành chính dù cắt giảm và cải cách nhiều nhưng vẫn rườm rà, phức tạp chưa tạo điều kiện cho DN sản xuất kinh doanh. Quá trình thực thi chính sách còn nhiều méo nó, gia tăng thêm gánh nặng cho hoạt động sản xuất kinh doanh; sự lạm dụng pháp luật và tùy nghi trong ứng xử của cơ quan công quyền với người dân, DN.

“Chính vì thế, những hội nghị đối thoại là kênh quan trọng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tìm ra giải pháp tháo gỡ, minh bạch hóa khâu thực thi của các bộ ngành, các cấp chính quyền nhằm gia tăng hiệu quả quá trình cải cách” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Uyên Phương

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/doanh-nghiep-than-phien-tinh-trang-tuy-nghi-voi-vinh-1215027.tpo