Doanh nghiệp than khổ do bất cập cơ chế bảo trì đường thủy

Những bất cập, hạn chế trong cơ chế bảo trì thường xuyên đường thủy quốc gia đã được nhận diện từ nhiều năm qua nhưng vẫn chậm được tháo gỡ.

Kiểm tra, nghiệm thu chất lượng đèn tín hiệu đường thủy tại khu vực phía Nam.jpg

Kiểm tra, nghiệm thu chất lượng đèn tín hiệu đường thủy tại khu vực phía Nam.jpg

Hết hạn hợp đồng vẫn... phải làm

Từ đầu năm 2020 đến nay, hệ thống phao tiêu, báo hiệu trên các tuyến đường thủy quốc gia mà Công ty CP Bảo trì đường thủy nội địa (ĐTNĐ) số 7 trúng thầu quản lý bảo trì trong năm 2019 đang được duy trì liên tục, đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Điều này là bình thường trong hoạt động bảo trì thường xuyên, song về phía DN lại không bình thường vì thời hạn của các gói thầu đã kết thúc từ năm 2019 và Cục ĐTNĐ Việt Nam chưa tiếp tục ký hợp đồng mới.

“Mấy năm nay, việc bảo trì thường xuyên các luồng tuyến được Cục ĐTNĐ Việt Nam đặt hàng trong 3 tháng đầu năm và đấu thầu trong 9 tháng còn lại. Nay đã sang tháng 2/2020 nhưng chưa có thông báo đặt hàng hay ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, không thể bỏ trống việc quản lý bảo trì nên chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì”, ông Nguyễn Bá Nhuần, Phó giám đốc công ty này nói.

Cũng theo ông Nhuần, đơn vị phải phải tự bỏ kinh phí để thực hiện, người lao động cũng không có lương. Công việc đã thực hiện nên chắc không thể đấu thầu lại, do đó khả năng sẽ tiếp tục được giải quyết theo cơ chế đặt hàng như năm trước.

Không riêng Công ty CP Bảo trì ĐTNĐ số 7, 14 đơn vị bảo trì hệ thống đường thủy quốc gia khác cũng trong tình trạng tương tự. Ông Trần Xuân Khơi, Giám đốc Công ty CP Quản lý bảo trì ĐTNĐ số 1 cho biết: “Thời hạn bảo trì theo đấu thầu năm trước đến hết năm 2019 là kết thúc. Để triển khai tiếp cần được Cục ĐTNĐ Việt Nam đặt hàng hoặc đấu thầu cho thời gian tiếp theo. Trước Tết Nguyên đán 2020, Cục có văn bản yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện quản lý bảo trì các luồng tuyến và đơn vị tiếp tục duy trì công việc, nhưng đến nay cũng chưa rõ thực hiện công việc theo thủ tục, cơ chế nào”.

“Chúng tôi được biết nguyên nhân do Nghị định 32/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên có hiệu lực từ tháng 6/2019, thay thế nghị định trước đây, nhưng đến nay chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện”, đại diện các DN cho biết.

Bất cập đan xen đặt hàng, đấu thầu

Cần rõ tiêu chí nghiệm thu sản phẩm
Lãnh đạo một số đơn vị bảo trì đường thủy cho rằng, việc nghiệm thu chất lượng sản phẩm bảo trì đường thủy hiện khá máy móc, bất hợp lý. Chẳng hạn việc nghiệm thu quản lý báo hiệu đường thủy căn cứ số công làm, lượt sơn trong khi có thể theo tiêu chí về số lượng, tiêu chuẩn màu sắc và tùy theo tính chất vùng nước mặn, nước lợ, nước ô nhiễm...
Về quản lý luồng chạy tàu, các đơn vị bảo trì phải tham gia khắc phục hậu quả các vụ tai nạn đường thủy xảy ra trên luồng thuộc phạm vi quản lý nhưng lại không được thanh toán chi phí.

Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam xác nhận, hiện chưa ký hợp đồng với các đơn vị bảo trì do chờ cơ chế để thực hiện. “Trước đây cho phép đặt hàng 3 tháng, tuy nhiên quy định trên không còn hiệu lực, trong khi chưa có hướng dẫn mới. Cục đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, đề xuất Bộ GTVT dự thảo hướng dẫn quy định mới để ban hành trong quý I/2020”, ông Thu nói và cho biết, năm 2020 tiếp tục đan xen phương thức đặt hàng với đấu thầu như các năm trước, còn về lâu dài sẽ nghiên cứu cơ chế quản lý của nước ngoài để áp dụng.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, trước năm 2016, dịch vụ quản lý, bảo trì hệ thống đường thủy quốc gia sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế được thực hiện theo cơ chế đặt hàng. Còn từ năm 2016-2018, theo Quyết định số 47/2015 của Thủ tướng (về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển GTVT ĐTNĐ), thí điểm thực hiện phương thức đấu thầu hạn chế để lựa chọn nhà thầu đối với 3 tuyến (lòng hồ Sơn La, sông Vàm Cỏ, sông Hồng); còn đấu thầu theo quy định đối với các tuyến đường thủy quốc gia còn lại.

Tuy nhiên, thực tế Cục ĐTNĐ Việt Nam đặt hàng bảo trì trong 3-4 tháng đầu năm, còn chỉ đấu thầu 8-9 tháng còn lại. Nguyên nhân do quá trình triển khai phát sinh một số vướng mắc (như chậm thời gian dự toán, kế hoạch đấu thầu, giá thầu, thời hạn hợp đồng...). Như vậy, trong thời hạn thí điểm, dịch vụ bảo trì các tuyến đường thủy quốc gia (hơn 7.000km) chưa thể chuyển hẳn sang đấu thầu và đến thời điểm này, các gói thầu hạn chế cũng chưa biết sắp tới sẽ áp dụng cơ chế nào.

Đề cập cơ chế bảo trì trong vài năm qua, hầu hết lãnh đạo đơn vị bảo trì đường thủy đều cho rằng, trong một năm vừa thực hiện theo phương thức đặt hàng và đấu thầu bảo trì gây ra nhiều khó khăn, bất cập cho cả doanh nghiệp lẫn chủ đầu tư. Bởi cùng là một công việc nhưng hồ sơ theo hai phương thức khác nhau và nhất là thời gian thầu chỉ 8 - 9 tháng/lần mất nhiều thời gian, công sức chuẩn bị hồ sơ, đấu thầu, nghiệm thu, thanh toán. Do đó, nhiều đơn vị đề nghị chuyển hẳn sang hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu dài hạn.

“Thời gian thực hiện chỉ vài tháng khiến các đơn vị bảo trì không yên tâm đầu tư thiết bị, máy móc để đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động. Hiện đang trong thời gian sửa thông tư liên quan, các DN bảo trì đường thủy rất mong thời hạn đấu thầu là 3-5 năm như lĩnh vực đường bộ, giúp DN giảm bớt khó khăn và yên tâm đầu tư”, ông Vũ Trung Tá, Giám đốc Công ty CP Quản lý bảo trì ĐTNĐ số 10 kiến nghị.

Huy Lộc

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/doanh-nghiep-than-kho-do-bat-cap-co-che-bao-tri-duong-thuy-d451605.html