Doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Sở Công thương thành phố vừa phối hợp Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp thành phố (Hepza), Ban Quản lý Khu công nghệ cao thành phố (SHTP) tổ chức hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) năm 2020. Hội nghị nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm CNHT tiếp cận các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các nhà sản xuất công nghiệp có chiến lược nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao năng lực cung ứng, tạo điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sở Công thương thành phố vừa phối hợp Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp thành phố (Hepza), Ban Quản lý Khu công nghệ cao thành phố (SHTP) tổ chức hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) năm 2020. Hội nghị nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm CNHT tiếp cận các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các nhà sản xuất công nghiệp có chiến lược nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao năng lực cung ứng, tạo điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đại diện Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh cho biết: Sản phẩm của công ty chủ yếu được cung cấp cho các DN FDI nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng không đáng kể trong mùa dịch Covid-19. Tuy nhiên, mảng xuất khẩu giảm hơn 20% về số lượng và khoảng 10% về doanh số so với cùng kỳ năm 2019. Trên cơ sở nhu cầu rất lớn của thị trường trong thời gian tới và với thỏa thuận với một số DN FDI, Duy Khanh đã triển khai đầu tư xây dựng một nhà máy trong SHTP để sản xuất những sản phẩm CNHT được sử dụng trong ngành ô-tô, điện tử, điện gia dụng. Ðây là nhà máy có công nghệ sản xuất hoàn toàn mới ở Việt Nam, dự kiến cuối năm 2021 sẽ đi vào hoạt động. Theo Giám đốc Công ty TNHH Tương Lai (chuyên sản xuất sản phẩm cao-su và nhựa) Trương Quốc Cường, để trở thành đối tác cung ứng sản phẩm CNHT cho các DN FDI cũng như xuất khẩu được sản phẩm, DN Việt Nam cần đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, bảo đảm chất lượng và đáp ứng được nhanh nhất theo yêu cầu đặt hàng của khách hàng... Vì vậy, DN cần thường xuyên đưa vào ứng dụng nhiều công nghệ mới, liên tục cải tiến quy trình sản xuất… Ở góc độ người mua hàng, ông Bùi Minh Ðức, Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH DLG Ansen Electronics cho biết: "Chúng tôi chuyên sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng; cung cấp dịch vụ lắp ráp linh kiện điện tử, bo mạch điện tử… với thị trường chính là Hồng Công (Trung Quốc) nên cần tìm kiếm các nhà cung cấp sản phẩm CNHT có năng lực, tiềm năng. Dù bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng công ty vẫn triển khai kế hoạch duy trì và phát triển". Theo ông Ðức, Việt Nam đang có lợi thế về giá thành gia công.

Cùng mong muốn tìm kiếm DN Việt Nam sản xuất sản phẩm CNHT để tăng tỷ lệ nội địa hóa, tối ưu chi phí sản xuất…, đại diện Công ty TNHH Panasonic Việt Nam cho biết: Cùng với các nhà máy khác, Panasonic sắp đưa vào hoạt động thêm một nhà máy mới ở tỉnh Bình Dương nên rất cần tìm các nhà cung cấp linh, phụ kiện. Panasonic không phân biệt DN FDI hay DN trong nước; DN nào đáp ứng được các yêu cầu cụ thể, rõ ràng và có sản phẩm đạt chất lượng tốt thì sẽ trở thành đối tác của Panasonic. Theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT TP Hồ Chí Minh, Techtronic Industries Co. Ltd. - TTI (nhà sản xuất thiết bị điện thông minh) đang rất cần tìm khoảng 200 nhà cung ứng sản phẩm CNHT trong nước để phục vụ một nhà máy đang được xây dựng ở SHTP. Ðây là cơ hội rất lớn cho DN sản xuất sản phẩm CNHT ở TP Hồ Chí Minh và Việt Nam…

Đánh giá về tình hình chung, bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng Ban Quản lý SHTP cho rằng: Hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư, DN nước ngoài tìm kiếm các nhà cung ứng sản phẩm CNHT Việt Nam, nhiều DN FDI có vốn từ Mỹ và châu Âu bị gián đoạn nguồn cung ứng từ các nước nên đã tìm kiếm DN cung cấp trong nước để thay thế. Ðây là cơ hội lớn chưa từng có của DN Việt Nam. Riêng tại SHTP, nhiều DN đã nhận được đề nghị từ các nhà đầu tư nước ngoài về khả năng trở thành nhà cung ứng. Theo bà Loan, sự điều chỉnh "đầu vào" của DN FDI đang tạo ra thời cơ tốt để các DN sản xuất sản phẩm CNHT trong nước "bước chân" vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Vì vậy, để tận dụng được cơ hội quý giá này, các DN Việt Nam nỗ lực cải thiện quy mô, trình độ công nghệ sản xuất, chất lượng nhân lực, trình độ quản trị DN… nhằm đáp ứng được những tiêu chuẩn về sản phẩm CNHT do các bên mua hàng đưa ra. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Ðức cho biết: Thành phố đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ lĩnh vực sản xuất sản phẩm CNHT, đã giao Sở Công thương và Trung tâm Phát triển CNHT thành phố triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN đầu tư phát triển CNHT. Trong đó, DN đã được hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi để đổi mới công nghệ, tìm kiếm thị trường cung ứng, nâng cao năng lực sản xuất, giảm chi phí sản xuất, giảm lượng hàng tồn kho và hàng lỗi…

Bài và ảnh: HOÀNG LIÊM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/doanh-nghiep-tham-gia-chuoi-cung-ung-toan-cau-617603/