Doanh nghiệp Thái Lan 'hốt bạc' từ các sản phẩm chứa cần sa

Các doanh nghiệp Thái Lan đang kiếm được một khoản lợi nhuận đáng kể từ các sản phẩm có chứa cần sa như kem đánh răng, trà, xà phòng và đồ ăn nhẹ sau khi chính phủ hợp pháp hóa loại cây này và thành phần chiết xuất của nó từ giữa năm nay.

Cửa hàng Chopaka bán kẹo cần sa gần ngã tư Asoke, ngay trung tâm Bangkok ngày 8/6/2022. Ảnh: Reuters

Cửa hàng Chopaka bán kẹo cần sa gần ngã tư Asoke, ngay trung tâm Bangkok ngày 8/6/2022. Ảnh: Reuters

"Nó đem lại cho tôi một giấc ngủ sâu và thoải mái", Pakpoom Charoenbunna (32 tuổi) – một khách hàng hay mua trà sữa có tẩm cần sa - cho biết.

Năm 2018, Thái Lan trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên hợp pháp hóa cần sa trong việc sử dụng và nghiên cứu y tế.

Tháng trước, Thái Lan đã loại bỏ hoàn toàn cần sa ra khỏi danh sách chất gây nghiện, từ đó dẫn đến sự ra đời của hàng loạt sản phẩm thương mại chứa cần sa.

Về mặt chính thức, các sản phẩm thương mại được cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Thái Lan phê duyệt có thể chứa cannabidiol (CBD), một chất tự nhiên có trong cần sa không gây ảo giác và gây nghiện cho người dùng. Tuy nhiên, cơ quan quản lý giới hạn hàm lượng tetrahydrocannabinol (THC) – cũng là một thành phần hoạt tính trong cần sa gây kích thích cho người sử dụng – dưng lại ở mức 0,2%.

Surawut Samphant, chủ cửa hàng cần sa Channherb, đã tạo ra một loại kem đánh răng có chứa tinh chất CDB. “Một trong những thành phần của nó là dầu hạt cần sa sativa, có chứa CBD”, ông Samphant giải thích.

Surawat cho biết kem đánh răng có chứa CDB giúp chăm sóc nướu và nhiều khách hàng hài lòng về công dụng của sản phẩm.

Nikom Rianthong, một khách hàng của cửa hàng đã sử dụng kem đánh răng được 2 tháng, chia sẻ: “Tôi bị tụt nướu và thi thoảng chúng bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, kem đánh răng này đã giải quyết được vấn đề của tôi”.

Chủ cửa hàng tráng miệng Kanomsiam, Kreephet Hanpongpipat, từ lâu bán các món ăn có hương vị lá dứa nhưng một năm trước đã kết hợp lá cần sa để thu hút khách hàng mới. Kreephet cho biết các khách hàng bày tỏ món tráng miệng tẩm cần sa giúp họ có một giấc ngủ ngon.

Theo Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul, động lực chính đằng sau việc thúc đẩy hợp pháp hóa cần sa là phục vụ mục đích y tế. Nhà chức trách ước tính ngành công nghiệp này có thể trị giá hơn 3 tỷ USD trong vòng 5 năm.

“Tôi muốn thấy mọi người giàu lên nhờ kinh doanh những sản phẩm này theo cách tích cực. Chính sách của tôi về cần sa chỉ tập trung vào các mục đích y tế và chăm sóc sức khỏe. Chúng tôi không khuyến khích việc sử dụng cần sa theo những cách khác”, Bộ trưởng Anutin nhấn mạnh.

Một số nhà sản xuất cần sa có chứa nhiều chất THC đã lợi dụng việc quảng bá loại cây này theo mục đích y tế để bán và thu lợi nhuận. Để đối phó với thực trạng đó, Bộ trưởng Anutin cho biết đã có luật y tế công cộng ngăn chặn việc sử dụng cần sa như một chất kích thích tiêu khiển trong khi quốc hội cũng đang thảo luận một dự luật về cần sa.

Theo ông chủ nhà hàng Kreephet, điều quan trọng là cần tuyên truyền và giáo dục cộng đồng nhiều hơn nữa về lợi ích và nguy hiểm của cần sa, từ đó người dân có thể sử dụng các chất này một cách an toàn.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Reuters)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/doanh-nghiep-thai-lan-hot-bac-tu-cac-san-pham-chua-can-sa-20220727101158101.htm