Doanh nghiệp tăng trưởng từ kinh doanh thực phẩm, đồ uống

Sau dịch COVID-19, sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng nội địa là động lực giúp ngành thực phẩm, đồ uống tăng trưởng trở lại.

Một góc nhà máy sữa Vinamilk. Ảnh: Phương Uyên

Một góc nhà máy sữa Vinamilk. Ảnh: Phương Uyên

Doanh nghiệp hoạt động trong ngành này được dự báo tiếp tục hưởng lợi khi giá một số nguyên vật liệu chính đầu vào có dấu hiệu hạ nhiệt sau thời gian tạo đỉnh.

Theo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm nay của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 481,2 nghìn tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch COVD-19.

Tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.679,2 nghìn tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước, cùng kỳ năm 2021 giảm 3,5%; nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,1%, cùng kỳ năm 2021 giảm 5,1%.

Các chuyên gia đánh giá, nhu cầu tiêu dùng thời gian qua ghi nhận nhận phục hồi, song vẫn chủ yếu do giá cả trung bình tăng lên. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 tăng 0,005% so với tháng trước; tăng 3,6% so với tháng 12/2021 và tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 8/2022 tăng 1,05% so với tháng trước; trong đó, lương thực tăng 0,19%, thực phẩm tăng 1,33%,; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,73%.

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, dù áp lực lạm phát những tháng còn lại của năm khá lớn song mặt bằng giá trong nước cơ bản được kiểm soát tốt. Điều này giúp từng bước gia tăng khối lượng hàng hóa tiêu dùng thời gian tới.

Ở góc độ dự báo, Công ty Khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International cho rằng, tổng chi tiêu hộ gia đình tại Việt Nam có xu hướng tăng trong giai đoạn 2022 - 2025. Người tiêu dùng trong nước sẽ duy trì sức mua mạnh mẽ đối với mặt hàng thiết yếu bao gồm thực phẩm, đồ uống.

Đáng chú ý, giá một số nguyên vật liệu chính đầu vào có dấu hiệu hạ nhiệt sau thời gian tạo đỉnh sẽ hỗ trợ gia tăng biên lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp sữa, Công ty Dịch vụ tài chính Robobank đánh giá, tình trạng dư cung tại Trung Quốc, là quốc gia nhập khẩu sữa lớn nhất khi nguồn cung nội địa tăng mạnh khiến nhu cầu nhập khẩu sữa giảm. Điều này dẫn đến việc điều chỉnh của giá nguyên liệu sữa toàn cầu trong thời gian gần đây.

Hay đối với mảng chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi cũng đang có xu hướng hạ nhiệt do nguyên vật liệu thô như lúa mạch, ngô… đã có tín hiệu suy giảm vào đầu quý III/2022.

Theo ông Vũ Việt Anh, chuyên viên Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC), triển vọng về thời tiết thuận lợi và những đàm phán về việc để Ukraine tái xuất khẩu ngũ cốc đã hỗ trợ tích cực nguồn cung thức ăn chăn nuôi.

Tuy nhiên, mức giảm giá bán đến tay các hộ chăn nuôi sẽ có độ trễ nhất định khoảng 2-3 tháng do tồn kho giá cao tại đại lý các cấp. Doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi trong những tháng cuối năm.

Trước đó, một đánh giá được đưa ra đầu tháng 8/2022 của Tổ chức Nghiên cứu thị trường thế giới Mordor Intelligence Inc., ngành thực phẩm và đồ uống sẽ đạt mức tăng trưởng kép hàng năm lên tới 8,65% trong giai đoạn 2021 - 2026.

Với dư địa và tiềm năng tăng tưởng này, nhiều doanh nghiệp đang tiếp tục mở rộng đầu tư trong lĩnh vực này. Công ty Tập đoàn Kinh đô (Kido) cho biết sẽ tăng tốc tiến độ hoàn thành nâng cấp Nhà máy dầu Vinh nhằm sớm phục vụ nhu cầu tiêu dùng lớn tại thị trường miền Bắc trước thềm Tết Nguyên đán 2023. Ngoài ra, Kido sẽ đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm dầu ăn sang các nước trong khu vực, trước mắt là thị trường Campuchia, Lào.

Thịt mát MEATDeli của Công ty Cổ phần Masan MEATLife. Ảnh: Khánh Vy/BNEWS

Về phía Công ty Tập đoàn Masan (Masan), vào giữa tháng 7 vừa qua cũng đã nhận chủ trương đầu tư dự án Trung tâm Công nghiệp thực phẩm miền Tây 2 tại Hậu Giang, ước tính dự án này có tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng, thực hiện trên diện tích 46 ha…

Doanh nghiệp này cũng tiếp tục chú trọng vào nghiên cứu và phát triển (R&D) ở các ngành hàng chủ lực như gia vị, thực phẩm tiện lợi và thịt chế biến để tạo ra sự tăng trưởng vượt trội. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh đà phát triển trong lĩnh vực đồ uống, cà phê và nước giải khát.

Thực tế, bên cạnh nhu cầu nội địa dự báo tăng, doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ mảng xuất khẩu thông qua các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, khi xu hướng tích trữ các mặt hàng nông sản nhằm đảm bảo an ninh lương thực đang được đẩy mạnh tại nhiều quốc gia.

Trước đó, nửa đầu năm nay, doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống ghi nhận kết quả hoạt động kinh doanh vượt trội về doanh thu và lợi nhuận, cả mảng nội địa và xuất khẩu.

Như Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk), bên cạnh thị trường nội địa, điểm sáng tăng trưởng quý II thuộc về thị trường nước ngoài với doanh thu thuần đạt 2.459 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2021; trong đó, xuất khẩu trực tiếp vẫn đóng vai trò chính, mang về nguồn thu 1.415 tỷ đồng.

Masan Consumer Holdings - công ty thuộc hệ sinh thái Masan, là một trong những công ty sản xuất thực phẩm và đồ uống đạt 12.355 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 7,7% so với cùng kỳ. Trong nửa đầu năm, hầu hết các ngành hàng chủ lực đều tăng trưởng mạnh mẽ như thịt chế biến, cà phê và bia, với mức tăng lần lượt là 57,8%, 33,1% và 19,3%.

Kido với doanh thu thuần đạt 6.352 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo cơ cấu tỷ trọng doanh thu, ngành dầu ăn chiếm 83%, tăng gần 29,9%. Ngành hàng thực phẩm chiếm tỷ trọng 17% và tăng trưởng 30,3%. Biên lãi gộp toàn ngành đạt 23%, cải thiện so với 19% cùng kỳ.

Trên thị trường giao dịch, cổ phiếu ngành thực phẩm, đồ uống có xu hướng tăng. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/8, cổ phiếu KDC của Công ty Tập đoàn Kinh đô có giá 66.700 đồng, cổ phiếu MSN của Công ty Tập đoàn Masan có giá 113.700 đồng, cổ phiếu Công ty Sữa Việt Nam VNM có giá 76.000 đồng và thị giá của DBC của Công ty Tập đoàn Dabaco Việt Nam là 28.800 đồng./.

Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-tang-truong-tu-kinh-doanh-thuc-pham-do-uong/256797.html