Doanh nghiệp tại Trung Quốc hoãn dịch chuyển sang Việt Nam

Doanh nghiệp hoạt động tại đại lục phải đối mặt với câu hỏi hóc búa là ở lại hay dịch chuyển sang Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại.

Tiến thoái lưỡng nan

Thỏa thuận về ngừng leo thang thương mại giũa Mỹ Trung đạt được vào tuần trước là rất mong manh, khi bất đồng giữa 2 nước dường như còn lâu mới được giải quyết

Mặc dù vậy, nhiều nhà sản xuất xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại các trung tâm sản xuất của châu thổ sông Châu Giang và sông Dương Tử, đã có lý do để trì hoãn kế hoạch di dời của họ.

Xie Jun, sở hữu một nhà xuất khẩu đồ nội thất có trụ sở tại tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, cho biết chi phí xây dựng một nhà máy mới ở Việt Nam đã tăng vọt trong vài tháng qua và khiến nhiều công ty không thể chi trả được.

“Vì vậy, thỏa thuận ngừng chiến tranh thực sự là một cứu cánh với chúng tôi. Và chúng tôi hy vọng chính phủ thực sự có thể chấm dứt [cuộc chiến thương mại] vào năm tới", Xie nói.

“Một chủ nhà máy sản xuất bọt xốp và bọt biển ở đây đã thành lập một nhà máy ở tỉnh Đồng Nai gần TP.HCM vào đầu năm nay. Công ty đã tiêu tốn gần 10 triệu Nhân dân tệ (1,4 triệu USD) chỉ trong giai đoạn đầu di dời, như xây dựng các nhà máy, chuyển các dây chuyền sản xuất tự động từ Chiết Giang sang Việt Nam, cũng như trả phụ cấp xa xứ cho công nhân lành nghề Trung Quốc.

“Chi phí thậm chí còn cao hơn việc xây dựng một nhà máy có cùng quy mô ở Chiết Giang. Nhưng anh không có lựa chọn nào vì người mua Mỹ của anh ngày càng đặt hàng tại các nhà máy ở Việt Nam, thay vì nhà máy ở Chiết Giang”.

Ông Xie cho biết kỳ vọng việc tăng thuế lên 25% từ ngày 1.1 tới đã khiến các đơn đặt hàng từ Mỹ giảm nhanh chóng. "Chúng tôi phải di chuyển, hoặc đóng cửa kinh doanhvào năm tới," ông nói.

Nhiều nhà máy Trung Quốc gặp khó khăn với vấn đề di dời sau khi thấy chi phí sản xuất tăng lên ở Việt Nam - như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An và Đồng Nai.

Trong khi không có số liệu thống kê chính thức, năm nay khoảng 5.000 đến 6.000 nhà máy đặt tại Trung Quốc đại lục - thuộc sở hữu của các nhà đầu tư Hồng Kông hoặc Đài Loan, hoặc các nhà đầu tư tư nhân Trung Quốc - đã cử người xem xét việc chuyển sản xuất sang Việt Nam để bảo vệ chống lại sự gia tăng thuế quan đối với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc, các nhà phân tích nói.

Chí phí đắt đỏ tại Việt Nam

Được thúc đẩy bởi sự chuyển dịch, chi phí đất đai, lao động và vật liệu xây dựng ở Việt Nam đã tăng lên. Tại khu công nghiệp Giang Điền, tỉnh Đồng Nai, cách TP.HCM khoảng 70km, giá thuê đất công nghiệp cho thuê dài hạn lên tới 50 năm tăng lên 90 USD/m2 so với tháng trước, so với mức 60 USD-70 USD vào năm ngoái.

Tiền thuê hàng tháng tại các khu công nghiệp phổ biến gần thành phố Hồ Chí Minh đã tăng lên 4 USD/m2 so với 3 USD năm ngoái, theo Vincy Nguyen, Giám đốc kinh doanh phụ trách Trung Quốc của BW Industrial Development, công ty xây dựng và quản lý các khu công nghiệp.

Gao Jian, đồng sáng lập của Công ty Dịch vụ Tư vấn Kinh doanh Vnocean, giúp hơn 50 khu công nghiệp ở Việt Nam tuyển dụng các nhà sản xuất Trung Quốc, cho biết có nhiều chi phí liên quan đến việc thiết lập một nhà máy.

“Nếu thành lập một nhà máy điện tử nhỏ với khoảng 300 công nhân ở các khu công nghiệp gần TP.HCM, nó sẽ có giá khoảng 1 triệu USD,” Gao nói.

“Đối với một nhà máy 5.000 mét vuông, bạn cần phải trả 20.000USD/tháng cho thuê. Bạn cần phải trả trước 140.000 USD, bao gồm kí quỹ tiền thuê nhà 6 tháng và tiền thuê nhà trong tháng đầu tiên.

“Bạn cũng cần thêm 90.000USD/tháng để trả lương cho 300 công nhân. Các chi phí khác bao gồm thuế và vận tải cho thiết bị nhập khẩu và các nguyên liệu khác”.

Hsu Yu-lin, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Đài Loan tại Việt Nam, cho biết một sự đột biến trong việc di dời khỏi Đại lục đã bị thúc đẩy bởi những lo ngại về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Chắc chắn, đã có hơn 100 nhà máy thuộc sở hữu của Đài Loan chuyển từ Đại lục sang Việt Nam trong vài tháng qua. Số lượng các nhà máy thuộc sở hữu của Trung Quốc và Hồng Kông [đã dịch chuyển] gấp ba lần hoặc nhiều hơn, ”Hsu nói.

"Sự chuyển dịch diễn ra nhanh chóng đối với các sản phẩm như đồ nội thất, giày dép và đồ điện tử", ông nói thêm rằng chuỗi cung ứng sản xuất giày dép, quần áo và phụ kiện đã phát triển nhanh chóng ở Việt Nam trong những năm gần đây.

Sự dịch chuyển năm nay dựa trên niềm tin của các nhà xuất khẩu và nhà sản xuất đại lục rằng cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ kéo dài nhiều năm và không ai thoát khỏi tác động này, Hsu nói."Vì vậy, càng sớm bạn di dời để chuẩn bị tốt hơn," ông nói.

Tuy nhiên, đối với những công ty còn lại ở Trung Quốc, việc ngừng leo thang thương mại đã cho phép họ bám víu vào khả năng có thể không cần phải di dời, ít nhất là trong ngắn hạn. "Thực ra, biên lợi nhuận của các nhà sản xuất Trung Quốc là rất mỏng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ", Xie nói.

“Rất rủi ro và khó khăn cho chúng tôi để huy động một triệu USD tiền mặt để bắt đầu hoạt động mới bên ngoài Đại lục Chúng tôi sẽ chỉ làm điều đó nếu không có thêm đơn đặt hàng [do thuế quan thương mại] ”, Xie nói.

Nguồn SCMP

Mạnh Đức

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/the-gioi/doanh-nghiep-tai-trung-quoc-hoan-dich-chuyen-sang-viet-nam-3327187/