Doanh nghiệp sử dụng tối thiểu bao nhiêu lao động nữ sẽ được giảm thuế?

Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ và đáp ứng các điều kiện sẽ được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng với các khoản chi thêm cho lao động nữ nếu hạch toán riêng.

Hôm 19/1, tại Hà Nội vừa diễn ra hội thảo Cập nhật văn bản hướng dẫn Bộ Luật Lao động 2019. Ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, theo Luật Lao động 2019, người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ được giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Sử dụng bao nhiêu lao động nữ để được giảm thuế

Theo đó, doanh nghiệp được coi là sử dụng nhiều lao động nữ khi: Sử dụng từ 10 đến dưới 100 lao động nữ, trong đó số lao động nữ chiếm 50% trở lên so với tổng số lao động; Sử dụng từ 100 đến dưới 1.000 lao động nữ, trong đó số lao động nữ chiếm 30% trở lên so với tổng số lao động; Sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên.

Trong khi đó, quy định về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tại điều 21 Thông tư 78/2014/TT-BTC nêu rõ: doanh ghiệp được giảm thuế TNDN khi đủ các điều kiện sau:

- Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng, vận tải;

- Sử dụng từ 10 - 100 lao động nữ, trong đó số lao động nữ chiếm trên 50% tổng số lao động có mặt thường xuyên

- Hoặc sử dụng thường xuyên trên 100 lao động nữ mà số lao động nữ chiếm trên 30% tổng số lao động có mặt thường xuyên của doanh nghiệp.

Khi đáp ứng đủ 03 điều kiện trên, doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tương ứng với số tiền thực chi thêm cho lao động nữ nếu hạch toán riêng được theo hướng dẫn tại tiết a điểm 2.9 Khoản 2 Điều 6 (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm 2.10 khoản 2 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC). Cụ thể:

Các khoản chi thêm cho lao động nữ được tính vào chi phí được trừ gồm:

+ Chi cho công tác đào tạo lại nghề cho lao động nữ trong trường hợp nghề cũ không còn phù hợp phải chuyển đổi sang nghề khác theo quy hoạch phát triển của doanh nghiệp. Khoản chi này bao gồm: học phí (nếu có) + chênh lệch tiền lương ngạch bậc (đảm bảo 100% lương cho người đi học).

+ Chi phí tiền lương và phụ cấp (nếu có) cho giáo viên dạy ở nhà trẻ, mẫu giáo do doanh nghiệp tổ chức và quản lý.

+ Chi phí tổ chức khám sức khỏe thêm trong năm như khám bệnh nghề nghiệp, mãn tính hoặc phụ khoa cho nữ công nhân viên.

+ Chi bồi dưỡng cho lao động nữ sau khi sinh con lần thứ nhất hoặc lần thứ hai.

+ Phụ cấp làm thêm giờ cho lao động nữ trong trường hợp vì lý do khách quan người lao động nữ không nghỉ sau khi sinh con, nghỉ cho con bú mà ở lại làm việc cho doanh nghiệp được trả theo chế độ hiện hành; kể cả trường hợp trả lương theo sản phẩm mà lao động nữ vẫn làm việc trong thời gian không nghỉ theo chế độ.

Chú ý, quy định giảm thuế này không áp dụng với các đơn vị sự nghiệp, cơ quan văn phòng thuộc các Tổng công ty không trực tiếp sản xuất kinh doanh.

Thủ tục để được giảm thuế khi có nhiều lao động nữ

Theo Điều 12 Thông tư 156/2013/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 151/2014/TT-BTC) khi quyết toán thuế TNDN, doanh nghiệp cần hoàn thiện hồ sơ khai quyết toán thuế theo các mẫu sau:

- Tờ khai quyết toán thuế TNDN theo mẫu số 03/TNDN.

- Báo cáo tài chính năm.

- Một hoặc một số phụ lục kèm theo tờ khai ban hành (nếu có), như:

+ Phụ lục kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh theo mẫu số 03-1A/TNDN, mẫu số 03-1B/TNDN, mẫu số 03-1C/TNDN.

+ Phụ lục chuyển lỗ theo mẫu số 03-2/TNDN.

Ngoài các giấy tờ trên, khi quyết toán để được giảm thuế TNDN, doanh nghiệp cần kê khai chi phí cho lao động nữ theo mẫu số 03-3C/TNDN.

Như vậy, để được giảm thuế TNDN, doanh nghiệp phải tự xác định số thuế được giảm để kê khai theo mẫu số 03-3C/TNDN và quyết toán với cơ quan thuế.

Lưu ý: Doanh nghiệp phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp và hạch toán riêng được.

Hà Ly

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/doanh-nghiep-su-dung-bao-nhieu-lao-dong-nu-de-duoc-giam-thue-27298.html