Doanh nghiệp sẽ 'biến mất' nếu chậm chuyển đổi số (!)

Theo các chuyên gia, nếu doanh nghiệp Việt 'chậm chân' trong việc ứng dụng về chuyển đổi số, thì sẽ sớm bị loại khỏi 'cuộc chơi'.

Khi Việt Nam bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế số, ngưỡng cửa của cuộc cách mạng 4.0 thì tất cả các ngành nghề, các lĩnh vực, đều phải tiến tới kết nối số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi không ngừng theo sự phát triển của công nghệ.

Trong bối cảnh đó, theo các chuyên gia, nếu doanh nghiệp (DN) Việt “chậm chân” trong việc ứng dụng về chuyển đổi số, thì sẽ sớm bị loại khỏi “cuộc chơi”. Thậm chí, nếu chỉ đứng ngoài nhìn DN khác chuyển đổi thì chỉ trong vòng 5 năm nữa, DN đó có thể sẽ... “biến mất”.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất là xu hướng phát triển của doanh nghiệp.

Theo công bố mới đây của Microsoft, GDP của châu Á - Thái Bình Dương sẽ đạt thêm 387 tỷ USD vào năm 2021 và tăng thêm 1% hằng năm nếu ngành sản xuất của khu vực này thực hiện chuyển đổi số. Vì vậy, Microsoft khuyến nghị các DN cần xem trọng vai trò chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Với nhiều kinh nghiệm làm việc với các tập đoàn lớn về công nghệ trên thế giới, TS Trần Viết Huân, chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số của Microsoft, Khu vực châu Á – Thái Bình Dương chia sẻ: “Việc chuyển đổi thì dữ liệu là quan trọng nhất. Vào năm 2020, sẽ có 70% nhà sản xuất đi đầu trong ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc ứng dụng này sẽ giúp họ tăng 30% doanh thu, giảm 30% chi phí. Có đến 48% DN đã sẵn sàng cho mô hình mới tương tác với người máy trong sản xuất. Trong kỷ nguyên của kỹ thuật số, DN nào ứng dụng chuyển đổi số sớm sẽ có lợi thế hơn so với những DN chậm chuyển đổi”.

Nói về vấn đề này, GS.TS Hồ Tú Bảo, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản, Viện trưởng Viện John Von Neumann – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, chuyên gia đầu ngành về trí tuệ nhân tạo, nguồn nhân lực làm về công nghệ thông tin, cho rằng trong các công nghệ số thì trí tuệ nhân tạo (AI) có tác động nhiều nhất.

“Để làm ra máy có những chức năng thông minh, yếu tố cơ bản là khai thác dữ liệu. Ứng dụng trong sản xuất hay mọi lĩnh vực của đời sống, đều cần dữ liệu để ra những quyết định. Vì vậy, AI là phổ biến nhất. Chẳng hạn, ứng dụng công nghệ số vào quản lý hoạt động giao thông trên toàn quốc hiện đang làm trên 1 triệu xe tải, xe khách và taxi có gắn thiết bị định vị GPS.

Dữ liệu GPS khoảng 1,5 tỷ records/ngày (khoảng 500Gb) cho biết hành trình của những xe này hằng ngày, tốc độ xe, quãng đường di chuyển… Hiện, Sở GTVT TP Cần Thơ cũng đã ứng dụng công nghệ số vào quản lý hoạt động vận tải cho thấy cơ sở dữ liệu về tổng số xe là 2.250 xe của 335 DN, cho phép phân biệt loại xe và xây dựng mô hình đánh giá tài xế”, GS-TS Hồ Tú Bảo thông tin.

Cũng theo GS-TS Hồ Tú Bảo, yếu tố chính để số hóa trong sản xuất, kinh doanh của DN là cơ sở dữ liệu.

“Chuyển đổi số đòi hỏi phải thay đổi phương thức sản xuất, phải đào tạo nguồn nhân lực, chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hầu hết các DN Việt còn rất yếu trong việc xây dựng nguồn dữ liệu. Ngoài ra, những rào cản khiến các DN Việt Nam chưa sẵn sàng để chuyển đổi. Đó là hạ tầng số chưa được nhận thức ở mọi cấp, dữ liệu quốc gia và địa phương còn thiếu... Nói chung, hiện vẫn thiếu hành lang pháp lý cho kinh tế số. Ngoài ra, các chủ DN cũng lo ngại dữ liệu của DN không biết có được bảo mật không, và một khi dữ liệu DN không đảm bảo an toàn, không được bảo mật thì không biết quản lý thế nào?”, GS-TS Hồ Tú Bảo nói thêm.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cũng nêu ra những lo ngại cho cộng đồng DN khi chuyển đổi số, nhất là DN nhỏ và vừa.

“DN lo ngại bởi mua công nghệ rất tốn tiền và nhân sự để vận hành, bảo trì. DN ngại thông tin dữ liệu không bảo mật; nguồn nhân lực lấy ở đâu ra và liệu chủ DN có thể kiểm soát được nhân sự này không?”, bà Hạnh nói.

GS-TS. Hồ Tú Bảo khẳng định, chuyển đổi số là không thể tránh được, vấn đề là chuyển đổi sớm hay là muộn. Vì vậy, vấn đề lớn của Việt Nam là làm sao xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia, xây dựng cơ sở dữ liệu của các sở, ban, ngành và kết nối nó với nhau.

Thúy Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-se-bien-mat-neu-cham-chuyen-doi-so-501504/