Doanh nghiệp sau cổ phần hóa: Kỳ vọng tăng hai chữ số

Sau mùa đại hội đồng cổ đông 2021, giới đầu tư và cổ đông của các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp sau cổ phần hóa đang trông chờ vào những thay đổi trong quản trị doanh nghiệp để thúc đẩy hiệu quả hoạt động cao hơn...

Vinamilk đã thành công với công cuộc cổ phần hóa

Không khó để nhận ra đặc điểm chung của những thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam hiện nay, như: Vinamilk (Công ty CP sữa Việt Nam), FPT (Tập đoàn công nghệ FPT), REE (Công ty CP cơ điện lạnh)... đều có nguồn gốc là các doanh nghiệp nhà nước. Đây là những đơn vị đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, luôn duy trì được giá trị vốn hóa cao và là những mã cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

TÁI CẤU TRÚC MẠNH MẼ

Sự phát triển của các doanh nghiệp này là minh chứng rõ rệt cho những kết quả tích cực từ chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn ở các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm chi phối. Song, không phải doanh nghiệp nhà nước nào sau cổ phần hóa cũng phát triển bền vững và thành công. Đã có những tên tuổi ngày càng mai một, sản xuất kinh doanh đi xuống sau khi rời khỏi bàn tay Nhà nước.

Theo nhiều chuyên gia, chỉ khi doanh nghiệp có vốn nhà nước có sự thay đổi mang tính bước ngoặt về quản trị, nhân sự cũng như cơ chế hoạt động mới kỳ vọng về việc nâng cao hiệu quả hoạt động.

Trên thực tế, câu chuyện “hậu cổ phần hóa” không bao giờ dễ dàng. Để có thể đạt mức doanh thu 11.466 tỷ đồng và mức lợi nhuận trước thuế 2.134 tỷ đồng trong năm 2020 (so với mức doanh thu 9.980 tỷ đồng và 1.660 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế của năm 2019) bất chấp những đợt sóng “tàn khốc” từ Covid-19, FPT Telecom (Công ty cổ phần viễn thông FPT thuộc Tập đoàn FPT) phải trải qua hơn 15 năm tái cấu trúc mạnh mẽ với các định hướng chiến lược đề ra, đặc biệt trong các giai đoạn phát triển đột phá của đơn vị.

“Đặc biệt, kể từ khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần có sự tham gia chi phối của cổ đông nhà nước do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) làm đại diện từ tháng 7/2005 đến nay, SCIC luôn thể hiện vai trò của một cổ đông lớn, năng động, tích cực, hỗ trợ công ty hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh”, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom chia sẻ.

SCIC cũng đồng hành cùng FPT Telecom trong công tác quản trị và kiểm soát thông qua công tác Người đại diện, tham gia phối hợp tích cực với Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát công ty trong xây dựng chiến lược và định hướng phát triển sản xuất kinh doanh của công ty; nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý tối ưu nguồn vốn...

“Trong hành trình gắn kết với FPT Telecom, công tác tái cơ cấu doanh nghiệp được làm thường xuyên liên tục, chứ không đợi đến kỳ đại hội đồng cổ đông mới được đem ra mổ xẻ, quyết định”, ông Hoàng Nam Tiến cho biết.

Chẳng hạn, như câu chuyện ứng phó với đại dịch Covid-19, SCIC đã tích cực kết nối FPT Telecom đến với các đơn vị, doanh nghiệp mà SCIC đang quản lý phần vốn để tạo sự giao thoa hợp tác, đơn cử như việc tổ chức Đại hội cổ đông trực tuyến (Vinamilk), phát triển trung tâm Dữ liệu kịp thời để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh về lưu trữ và dịch vụ trực tuyến thời kỳ Covid…

Không riêng với FPT Telecom, hiện danh mục đầu tư của SCIC gồm 149 doanh nghiệp, với giá trị vốn nhà nước gần 39.000 tỷ đồng, giá trị vốn hóa thị trường đạt trên 190.000 tỷ đồng (hơn 8 tỷ USD) nên công tác quản trị doanh nghiệp, quản trị danh mục được quan tâm đặc biệt.

“Điều cần thiết là sẵn sàng nắm bắt cơ hội, thay đổi mạnh mẽ về quản trị, để bắt nhịp ngay với thị trường để ứng phó với diễn biến của dịch bệnh. Chúng tôi đạt được sự thống nhất cao trong hệ thống người đại diện rằng, chúng ta sẽ chọn giải pháp đối mặt với khó khăn và cùng tìm kiếm cơ hội trong khó khăn”, ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc SCIC chia sẻ về nguyên tắc hoạt động có được sự đồng thuận cao ở nhiều doanh nghiệp nằm trong danh mục đầu tư của tổng công ty và các cổ đông lớn của doanh nghiệp.

TĂNG CƯỜNG TÍNH HIỆU QUẢ

Nhờ áp dụng các biện pháp quản trị doanh nghiệp thông qua vai trò cổ đông nhà nước, đa số các doanh nghiệp SCIC tiếp nhận có kết quả sản xuất kinh doanh tốt.

Trong số hơn 1.000 doanh nghiệp có vốn nhà nước đã tiếp nhận từ khi thành lập, đến nay chỉ có 24 doanh nghiệp nhỏ trong diện kiểm soát đặc biệt, thua lỗ (chiếm 3%); tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân chung của các doanh nghiệp trong toàn danh mục đạt gần 20%, đặc biệt có một số doanh nghiệp ROE bình quân cao trên 30% như: Công ty TNHH 2TV đầu tư thương mại Tràng Tiền (72%), Công ty TNHH khai thác và chế biến đá An Giang (68%), CTCP sữa Việt Nam (35%), CTCP tư vấn đầu tư và đầu tư Việt Nam (35%), CTCP viễn thông FPT (31%)... Tổng nguồn thu cổ tức cho nhà nước lũy kế trên 38.000 tỷ đồng.

Số lượng các doanh nghiệp yếu kém, thuộc diện giám sát đặc biệt theo xếp loại của SCIC trong 5 năm gần đây có xu hướng giảm mạnh, năm 2015 có 49 doanh nghiệp, đến cuối năm 2020 chỉ còn 24 doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa công tác điều hành, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn là “bình mới, rượu cũ”, thiếu đột phá. Tại một số đơn vị trực thuộc vẫn theo tư duy cũ, nặng tính bao cấp, hành chính; quyết định của bộ máy lãnh đạo công ty, người đại diện phần vốn nhà nước còn phụ thuộc vào quyết định của Nhà nước, còn nặng nề cơ chế xin - cho, ảnh hưởng đến sự chủ động của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và không bắt kịp xu hướng công nghệ.

Thực tế này đòi hỏi phải thúc đẩy tính thị trường trong các doanh nghiệp cổ phần hóa có vốn nhà nước. Cần có quy định cụ thể trách nhiệm của người đại diện vốn trong việc thực hiện quyền đại diện vốn trong công ty cổ phần.

“Thách thức và trở ngại lớn nhất đối với doanh nghiệp nhà nước là rào cản về cơ chế, chính sách, ví dụ cơ chế liên quan đến việc ra quyết định đầu tư, thoái vốn hay đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chế độ đãi ngộ cho người lao động”, ông Lê Song Lai nhận định.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng “Doanh nghiệp nhà nước thường phải làm theo yêu cầu, nhiệm vụ của chủ sở hữu nhà nước. Nay cần để họ tự quyết định cách thức thực hiện. Đừng khống chế doanh nghiệp nhà nước chi bao nhiêu, mà quan trọng là doanh nghiệp nhà nước làm ra bao nhiêu”.

Điều này cho thấy, các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp, đầu tư cần tiếp tục được triển khai, được trao cho doanh nghiệp nhà nước mới có thể kỳ vọng đem đến sự tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp.

Khánh Vy -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-sau-co-phan-hoa-ky-vong-tang-hai-chu-so.htm