Doanh nghiệp sản xuất tự chủ bằng điện mặt trời giúp giảm giá điện

Theo chuyên gia năng lượng Phan Công Tiến, điện công nghiệp đang có giá thấp nhất nhưng sản lượng lại chiếm nhiều nhất. Nếu các khu công nghiệp có nguồn điện mái nhà tại chỗ sẽ giải quyết được phần lớn nhu cầu, từ đó hạn chế tăng giá điện bán lẻ.

Điện mặt trời đang trông chờ cơ chế rõ ràng để phát triển tương xứng với tiềm năng.

Điện mặt trời đang trông chờ cơ chế rõ ràng để phát triển tương xứng với tiềm năng.

Chiều 22/6, Tọa đàm “Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: Nhu cầu, lợi ích và giải pháp phát triển” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA) tổ chức diễn ra tại TP HCM. Tọa đàm có sự tham gia của đại diện Bộ Công Thương, các cơ quan liên quan, chuyên gia năng lượng và đông đảo doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Cần sớm có cơ chế, chính sách rõ ràng về điện mặt trời

Theo ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đến ngày 31/12/2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời tại Việt Nam đạt 19.400 MW. Trong đó, năng lượng mặt trời áp mái cũng đã phát triển rất nhanh với trên 100.000 công trình trong 2 năm 2019-2020. Riêng trong năm 2020, tổng công suất điện mặt trời đạt 10,6 tỷ KW, một con số rất cao.

Ông Thành cho rằng, việc phát triển điện mặt trời áp mái đã giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, chủ động nguồn điện, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi giá năng lượng tăng cao và nguy cơ có thể thiếu điện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, xu hướng chung của thế giới là “sản xuất xanh”, nhất là đối với các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như da giày, dệt may… Việc sử dụng điện mặt trời sẽ giúp thúc đẩy tiêu chí này, đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch VCCI cũng nhận định vẫn còn nhiều trở ngại mà cộng đồng doanh nghiệp cũng như các nhà cung ứng, lắp đặt điện mặt trời mái nhà đang gặp vướng mắc như về Giấy phép, phòng cháy chữa cháy… dẫn đến việc thực hiện gặp nhiều khó khăn. Do đó, rất cần các cơ quan, ban ngành cũng như chuyên gia, doanh nghiệp tham gia đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp Hội Dệt may Việt Nam (VITAS) thừa nhận, ngành dệt may chủ yếu là xuất khẩu nên đang đứng trước thách thức lớn, khi Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định Thương mại. Đó là tăng trưởng đi đôi với phát triển bền vững, xanh hóa, bảo vệ môi trường. Các nhãn hàng đã bắt đầu gây áp lực về yêu cầu này, nếu doanh nghiệp không đủ năng lực đáp ứng sẽ phải đứng ngoài “cuộc chơi”, chỉ gia công lại.

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS.

Với tiêu chí xanh hóa thì sử dụng năng lượng tái tạo chính là điểm cộng cho các doanh nghiệp dệt may. Do đó, ông Giang cho biết các doanh nghiệp dệt may đều mong muốn được tiếp cận nguồn năng lượng này. Chủ tịch VITAS kiến nghị, cơ quan quản lý Nhà nước phải tạo dựng cơ chế, chính sách ổn định để điều tiết, phát triển điện mặt trời. Cần có sự cạnh tranh về giá để đưa ra giá tốt nhất cho doanh nghiệp.

Còn chủ đầu tư cần đưa ra giải pháp đảm bảo vận hành, bảo dưỡng hàng quý, hàng năm để ổn định nguồn điện; giải pháp xử lý pin khi hết tuổi thọ. Theo ông Giang, thông tin về pin năng lượng hiện còn mập mờ, cần minh bạch, rõ ràng hơn để đơn vị sử dụng năng lượng mặt trời nắm rõ.

Giảm chi phí đầu nguồn, giá bán lẻ sẽ rẻ hơn

Trong khi đó, chuyên gia năng lượng Phan Công Tiến nhận định, nguồn điện từ năng lượng mặt trời đang là lựa chọn ưu việt và phù hợp với các yêu cầu của doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu xanh hóa trong sản xuất. Vì vậy mô hình này cần được khuyến khích mạnh mẽ và tạo cơ chế thông thoáng để phát triển.

Bên cạnh lợi ích lớn nhất là thân thiện với môi trường, theo ông Tiến, điện mặt trời sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bình ổn giá điện khi nhu cầu ngày càng tăng cao. Bởi giá bán điện quốc gia hiện nay đang ưu đãi cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Nhưng sản lượng điện tiêu thụ của lĩnh vực này lại chiếm đến 60%. Khi sản xuất công nghiệp mở rộng hơn, năng lượng tiêu thụ càng lớn, kéo theo đó là chi phí hạ tầng đi kèm. Lúc đó, giá bán điện tăng là không thể tránh khỏi.

Ngược lại nếu nguồn điện mặt trời gia nhập, các đơn vị sản xuất tự chủ nguồn điện tại chỗ sẽ giúp giảm chi phí đầu nguồn cho ngành điện lực. Từ đây, giá bán lẻ cũng sẽ giảm. Như vậy, tất cả đều có lợi. “Giá điện mặt trời đang khá thấp, tại sao EVN không tổ chức thu mua để bán lại cho người dân?”, ông Tiến đặt vấn đề.

Theo ông Tiến, bất cập của điện mặt trời là thay đổi công suất đột ngột; tuy nhiên phân tán, công suất nhỏ nên sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến lưới điện. Vì vậy ông Tiến cho rằng không cần thiết phải có thỏa thuận đấu nối mà đưa về hậu kiểm. Điện lực tới kiểm tra, hướng dẫn về kỹ thuật vận hành hệ thống sao cho đảm bảo an toàn.

Tôi đã tham khảo một số quốc gia, quy trình vận hành một lưới điện mặt trời gần giống nhau. Đầu tiên là xây dựng (giấy phép xây dựng, Phòng cháy chữa cháy, đơn vị lắp đặt), sau đó là đóng điện (mời các đơn vị chức năng, có điện lực tới kiểm tra). Và cuối cùng là các thủ tục mua bán điện. Chúng ta có thể tham khảo để chuẩn hóa quy trình.Chuyên gia năng lượng Phan Công Tiến

Đơn vị đầu tư cũng cần có tiêu chuẩn

Tại tọa đàm, ông Đào Du Dương - Trưởng Đại diện Văn phòng Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam tại TP HCM cũng đưa ra những vướng mắc lớn về thực trạng điện mặt trời hiện nay, từ đó đề nghị các cơ quan quản lý có giải pháp tháo gỡ.

Đó là các quy định về điều kiện lắp đặt điện mặt trời chưa cụ thể. Việc thẩm định kết cấu mái nhà đang làm tự phát, đa số là thuê các đơn vị khác nhau. Từ đó dẫn đến chi phí thẩm định lớn, từ 300-500 triệu đồng. Vậy nhưng ràng buộc trách nhiệm khi xảy ra sự cố lại chưa rõ ràng.

Việc cấp giấy phép xây dựng chưa có sự đồng bộ giữa các địa phương. Nhiều doanh nghiệp kêu bị làm khó nhưng thực tế có khi cơ quan quản lý cũng lúng túng vì chưa có quy định rõ ràng.

Vấn đề nghiệm thu các dự án cũng gây khó khăn cho chủ đầu tư khi có tình trạng doanh nghiệp phản ánh là "cứ vài hôm lại có một ban, ngành đến kiểm tra". Ông Dương đề xuất chỉ thành lập một đoàn công tác liên ngành để hạn chế nhiêu khê. Và cũng nên có đầu mối, đường dây nóng để nhận ý kiến và đưa ra hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Về phía đơn vị đầu tư cũng cần có quy định tiêu chuẩn. Thực tế, giá FIT1 và FIT2 có thời hạn ngắn dẫn đến việc doanh nghiệp đổ xô tham gia năng lượng tái tạo, dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo, chi phí đội lên. Nếu các đơn vị có chuyên môn, kinh nghiệm thực hiện thì sẽ hạn chế được điều này, việc nghiệm thu cũng nhanh chóng hơn.

Bên cạnh đó, vấn đề phòng cháy chữa cháy cũng cần có hướng dẫn cụ thể hơn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp bởi hiện nay rất nhiều đơn vị đầu tư bị ách tắc ở “cửa” này.

Ông Đào Du Dương, Trưởng Đại diện Văn phòng Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam tại TP HCM.

Cuối cùng, ông Dương cho rằng rất cần những kênh cung cấp thông tin chính thống, chính xác về điện mặt trời. Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam đã thành lập ban kỹ thuật về lắp đặt, quản lý bảo hành, bảo trì, đồng thời cũng đang biên soạn một bộ hướng dẫn để nhà đầu tư có thể tham khảo khi muốn đầu tư dự án.

Nên có cơ chế để khối tư nhân tham gia đầu tư lưới điện

Ở góc độ doanh nghiệp đầu tư, ông Bùi Văn Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Năng lượng VATEC nhận định, bức xạ mặt trời ở Việt Nam rất tốt cho sản xuất điện mặt trời. Các dự án này cũng có thời gian thực hiện nhanh, đơn giản, chi phí bảo trì thấp. Đáp ứng nhu cầu điện tại chỗ, giảm tổn thất lưới, giảm đầu tư lưới điện. Góp phần giảm phát thải CO2. Để phát triển nguồn năng lượng này, ông Tiến kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế, chính sách kèm hướng dẫn cụ thể về đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà.

Ông Bùi Việt Phương – Trưởng phòng Marketing Sản phẩm Năng lượng Công ty Đạt (DAT) đề xuất Chính phủ sớm có văn bản cho phép đấu nối hệ thống điện mặt trời vào lưới điện quốc gia. Các chính sách, quy định giữa các Bộ, ngành như Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công an… cần có sự đồng bộ. Các Bộ, ngành nên có các văn bản quy định, ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp có nhu cầu mạnh dạn triển khai dự án; nhà thầu EPC, quỹ đầu tư cũng nắm rõ để thực thi hiệu quả.

Ngoài ra, ông Phương cho rằng, ngành điện cần nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng lưới điện truyền tải, nên có cơ chế để khối tư nhân tham gia đầu tư và khai thác. Cần tính toán phát triển điện mặt trời theo từng địa phương; thúc đẩy, khuyến khích các khu vực có khu kinh tế, cụm, khu công nghiệp, khu chế xuất lớn lắp đặt điện mặt trời để sử dụng tại chỗ.

Đinh Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/doanh-nghiep-san-xuat-tu-chu-bang-dien-mat-troi-giup-giam-gia-dien-ban-le-post7781.html