Doanh nghiệp sản xuất phân bón mong muốn được vào diện chịu thuế GTGT

Doanh nghiệp sản xuất phân bón hiện đang rất mong chờ được đưa vào diện chịu thuế GTGT. Các doanh nghiệp cùng Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đều đã có kiến nghị sửa đổi Luật 71/2014/QH13, đưa phân bón về diện chịu thuế GTGT như trước đây.

Sản phẩm Đạm Phú Mỹ được bà con nông dân tin dùng

Tại Tọa đàm “Thúc đẩy sản xuất kinh doanh từ chính sách thuế” do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 1/6, các đại biểu tham dự cho hay, việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện áp dụng thuế suất GTGT 5% sang đối tượng không chịu thuế, đã dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ. Kéo theo đó là một loạt các hệ lụy gây bất lợi cho sản xuất phân bón trong nước.

Các doanh nghiệp phải hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh, làm cho giá thành phân bón tăng từ 5 đến 8%. Điều này đã làm giảm sức cạnh tranh của phân bón trong nước trước phân bón nhập khẩu, do giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng, trong khi phân bón nhập khẩu không chịu thuế GTGT cả đầu vào và đầu ra, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng với phân bón trong nước

Các doanh nghiệp sản xuất phân bón bày tỏ lo ngại, nếu tình hình này kéo dài, đến một lúc nào đó, phân bón trong nước phải thu hẹp sản xuất, không phù hợp với chủ trương chế biến sâu khoán sản trong nước, thị trường sẽ phụ thuộc hoàn toàn và phân bón nhập khẩu, khi đó, giá phân bón sẽ tăng, ảnh hưởng đến quyền lợi người nông dân.

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư sản xuất phân bón có số thuế GTGT đầu vào của máy móc thiết bị, tài sản cố định lớn, nay không được hoàn mà làm tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả dự án và không khuyến khích đầu tư sản xuất phân bón.

Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Hạc Thúy- Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhấn mạnh, cần phải sửa đổi Luật 71/2014/QH13 cho phù hợp tình hình thực tế, để giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp sản xuất phân bón. Đây là yếu tố quan trọng động viên khuyến khích các doanh nghiệp snar xuất phân bón trong nước đầu tư công nghệ mới, sản xuất các loại phân bón chất lượng cao, chủ động được nguồn phân bón trong nước.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Dương Trí Hội- Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo- đơn vị sản xuất Đạm Phú Mỹ)- cho rằng, Luật 71 là rào cản rất lớn với doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, nhất là với doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại.

Kể từ khi Luật 71 áp dụng từ 2015-2017, khoản thuế PVFCCo không được khấu trừ lên tới gần 1000 tỷ đồng. Dự kiến, mức thuế không được khấu trừ này năm nay sẽ còn cao hơn nhiều bởi doanh nghiệp vừa đầu tư dây chuyền sản xuất phân bón NPK chất lượng cao.

Công ty Đạm Hà Bắc cũng nêu lên những bất cập của Luật 71, đại diện công ty đạm hà bắc cho biết, do không được khấu trừ đầu vào đã làm tăng chi phí sản xuất của công ty 500.000đ/tấn sản phẩm. Với công suất 100.000 tấn/năm, mỗi năm, công ty bị tăng chi phí thêm 250 tỷ đồng.

Còn Công ty DAP Đình Vũ trong 3 năm áp dụng Luật 71 cũng bị tăng chi phí thêm 360 tỷ đồng, làm tăng 6,4% giá thành sản xuất so với trước.

Tương tự, các công ty sản xuất phân bón có vốn đầu tư nước ngoài như: Công ty Baconco, Công ty Việt Nhật, Công ty Việt Hàn cũng đồng loạt đề nghị được được đưa vào diện chịu thuế GTGT, bởi Luật 71 đang cản trở sản xuất phân bón trong nước.

Dẫn chứng, lĩnh vực sản xuất phân bón tại các nước đều áp thuế GTGT như Pháp là 20%, NaUy 25%, còn Nhật là 8%, các doanh nghiệp đều đề nghị sửa đổi Luật 71 để ngành sản xuất phân bón trong nước cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài.

Không chỉ tác động đến nông dân và doanh nghiệp sản xuất trong nước, Luật 71 này còn đang tạo điều kiện cho phân bón nhập khẩu tràn vào Việt Nam.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, nếu như lượng phân bón nhập khẩu các loại năm 2014 (thời điểm trước khi Luật 71 được áp dụng) chỉ là 3,7 triệu tấn thì đến năm 2017, con số này đã là hơn 5,6 triệu tấn, tăng gần 2 triệu tấn.

Với thực tế hiện nay, các nước trong khu vực đều có chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất phân bón, thì Luật 71 này sẽ tạo điều kiện để phân bón nhập khẩu tràn vào, và về lâu dài, sẽ làm thui chột ngành sản xuất phân bón trong nước.

Đề xuất sửa đổi Luật 71/2014/QH13, đưa phân bón về diện chịu thuế GTGT như trước đây của các doanh nghiệp sản xuất phân bón được đại diện các cơ quan quản lý đồng tình.

Ông Đinh Trọng Thịnh- chuyên gia tài chính (Học viện Tài chính), ông Nghiêm Quang Tuấn- Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế, Cục Bảo vệ thực vật, (Bộ NN&PTNT), ông Nguyễn Đức Ngọc- Hội Nông dân đều đề xuất Bộ Tài chính trình lên Quốc hội sửa đổi Luật 71 theo hướng đưa phân bón vào diện chịu thuế suất VAT như trước đây, để doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước có thể giảm giá thành sản xuất phân bón, đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại sản xuất ra phân bón chất lượng cao, phân bón sạch, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sạch cho đất nước.

Lê Kim Liên

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/doanh-nghiep-san-xuat-phan-bon-mong-muon-duoc-vao-dien-chiu-thue-gtgt.html