Doanh nghiệp 'quên' hoàn thổ sau khi khai thác đất

Thời gian qua, một số doanh nghiệp khai thác đất để lấy nguyên liệu trên địa bàn huyện Phú Ninh (Quảng Nam), sau khi khai thác xong đã 'quên' thực hiện việc hoàn thổ, phục hồi lại môi trường, gây ra tiềm ẩn nguy cơ xói lở đất và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Một mỏ đất công ty quên hoàn thổ.

Nhằm phục vụ nhu cầu đất san lấp, đổ nền cho dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi và các dự án đầu tư xây dựng khác trên địa bàn tỉnh, huyện Phú Ninh, UBND tỉnh Quảng Nam đã cấp phép khai thác cho 15 khu vực khai thác đất nguyên liệu. Hiện hầu hết các khu vực mỏ đã hết giấy phép khai thác đất san lấp. Nhưng điều đáng nói, sau khi khai thác đất, nhiều doanh nghiệp đã “quên” hoàn thổ như cam kết.

Trước tình trạng trên, UBND huyện Phú Ninh đã ban hành Thông báo số 275/TB- UBND, ngày 11/4/2017 về việc lập hồ sơ thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo hoàn thổ, phục hồi môi trường đối với các mỏ đất san lấp đã hết hiệu lực giấy phép cũng như các điểm mỏ còn giấy phép nhưng trong giai đoạn phục hồi môi trường và các điểm mỏ đã khai thác xong diện tích được cấp phép trên địa bàn huyện Phú Ninh. Thông báo đã được gửi đến các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện. Tuy nhiên đến nay, nhiều đơn vị vẫn không thực hiện việc lập hồ sơ đóng cửa mỏ, chưa thực hiện phương án cải tạo, phục hồi môi trường để bàn giao đất cho địa phương quản lý.

Cụ thể, tại mỏ đất Núi Vũ (thuộc thôn Đại Đồng, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh) do Công ty TNHH DV-TM-SX-XD Đông Mê Kông (gọi tắt là Công ty Đông Mê Kông) khai thác đã hết thời hạn khai thác mỏ từ tháng 5/2017, nhưng đến nay Công ty này vẫn chưa hoàn thổ, phục hồi môi trường.

Bà Võ Thị Sáu, (trú thôn Đại Đồng, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh) cho biết: “Việc Công ty khai thác lấy nguyên liệu xong rồi họ bỏ đi mất, khiến nước ngập chảy trôi xuống xung quanh nhà tôi. Việc khai thác đất trong thời gian lâu ở mỏ núi Vũ đã tạo nên những hố sâu. Khi mùa mưa đến, những khu vực này sẽ tích nước tạo thành những hố nước sâu gây nguy cơ đuối nước cho trẻ em. Đồng thời, trời mưa xuống, sỏi đất theo dòng nước từ trên khu vực này tràn vào nhà tôi. Tôi đề nghị Công ty sớm khắc phục việc hoàn thổ để đảm bảo an toàn cho gia đình tôi và các hộ dân sinh sống gần đây”.

Ông Phan Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh cho biết: “Chính quyền xã Tam Lộc đã kiến nghị phục hồi môi trường đảm bảo an toàn, sản xuất, sinh hoạt của người dân tại khu vực mỏ đất núi Vũ. Ở những chỗ nguy hiểm, chúng tôi đều cắm biển báo cho người dân để chủ động phòng tránh trước mùa mưa bão sắp tới”.

Tương tự, mỏ đất Núi Chùa, thuộc thôn Trường Mỹ, xã Tam Thái, huyện Phú Ninh) do Công ty XD CTGT 8- CTCP khai thác. Hơn một năm qua Công ty này đã rời đi mà vẫn chưa hoàn thổ, khôi phục môi trường. Do vậy, vào mùa mưa năm 2017, đất đỏ, đá sạn đã trôi xuống vườn và nhà làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhiều hộ dân thôn Trường Mỹ. Trong khi đó, mùa mưa bão lũ đang về khiến người dân rất lo lắng.

Bà Trần Thị Kiểu, trú thôn Trường Mỹ nói: “Công ty XD CTGT 8- CTCP khai thác lấy đất đá ở khu vực mỏ Núi Chùa để phục vụ cho dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi để lại vũng sâu. Mỗi khi trời mưa xuống gây xói lở, đất đá chảy trôi xuống vườn nhà tôi và các hộ dân gần đó khiến chúng tôi không thể trồng cây ăn quả được. Tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên chính quyền xã Tam Thái. Thế nhưng, bên đơn vị này vẫn chưa khắc phục hoàn thổ lại môi trường ở khu vực mỏ đất Núi Chùa”.

Trước sự việc này, ông Trần Quốc Danh, Trưởng Phòng TNMT huyện Phú Ninh cho biết, kể từ năm 2014 đến nay, nhiều doanh nghiệp đã được cấp giấy phép khai thác mỏ đất phục vụ cho tuyến đường cao tốc và các công trình khác. Sau khi cao tốc hoàn thành, nhiều đơn vị thi công không thực hiện phục hồi môi trường và hoàn thổ một số mỏ đất nguyên liệu. Nếu các doanh nghiệp này không thực hiện việc phục hồi lại môi trường ở các điểm khai thác đất thì UBND huyện Phú Ninh sẽ làm báo cáo sự việc lên cấp trên, đổng thời xin kinh phí từ quỹ môi trường mà trước đây các đơn vị này đã đóng cho UBND tỉnh Quảng Nam để thực hiện việc hoàn thổ. Sau đó, lập phương án, thuê đơn vị tư vấn đi khảo sát lại và lên kế hoạch phục hồi môi trường tại các mỏ này.

Thế nhưng không biết đến khi nào kế hoạch trên mới được thực hiện, trong khi mùa mưa bão về, người dân đang rất lo lắng, cũng như việc xử lý các đơn vị không hoàn thổ sau khi khai thác đất như thế nào vẫn chưa thấy các cơ quan chức năng đề cập đến.

Thành Nhân-Chí Đại

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dieu-tra/doanh-nghiep-quen-hoan-tho-sau-khi-khai-thac-dat-tintuc419932