Doanh nghiệp phương Tây xé lưới trừng phạt Nga, Mỹ tính sao?

Có lẽ cứ 'tung lưới trừng phạt rách', rồi khai thác lợi ích từ Nga qua các 'lỗ thủng', giống như Mỹ mua lại LNG của Nga để bán lại kiếm lời...

Sức hút từ Nga khiến các doanh nghiệp phương Tây không thể cưỡng lại

Truyền thông Pháp ngày 5/3 đưa tin Tập đoàn Total đã ký thỏa thuận cuối cùng với Tập đoàn Novatek của Nga, cho phép họ góp 10% cổ phần vào Dự án khí tự nhiên hóa lỏng Arctic LNG-2 - dự án có tổng trị giá hơn 20 tỷ USD.

Điều này đã phá tan hoài nghi về khả năng có thể thất bại của thỏa thuận trên. Bởi trước đó ngày 25/2, Cơ quan chống độc quyền Liên bang Nga (FAS) đã yêu cầu chính phủ nước này xem xét lại việc Total tham gia Arctic LNG-2.

Thay vì phê duyệt trực tiếp thỏa thuận giữa Total và Novatek theo thẩm quyền được phân cấp, FAS lại chuyển hồ sơ đến Ủy ban Chính phủ về đầu tư nước ngoài của Nga, theo Kommersant.

Novatek - Total hợp tác ngày càng sâu rộng trong thời Nga bị cấm vận

Novatek - Total hợp tác ngày càng sâu rộng trong thời Nga bị cấm vận

Theo luật pháp Nga, nếu một nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào một dự án của Nga với việc nắm giữ cổ phần từ 25% trở lên hay thuộc lĩnh vực trọng điểm của quốc gia, thì phải do Ủy ban Chính phủ về đầu tư nước ngoài phê duyệt

Mặc dù Total cho biết họ tham gia Dự án Arctic LNG-2 với mức nắm giữ cổ phần chỉ là 10%, nhưng tập đoàn của Pháp lại sở hữu 19,4% của Novatek. Điều đó khiến Total có quyền kiểm soát gián tiếp lớn hơn 25% Arctic LNG-2.

Chính phủ Nga về cơ bản ủng hộ thỏa thuận giữa Total và Novatek, nhưng khi Ủy ban Chính phủ về đầu tư nước ngoài phải xem xét lại "có thể trì hoãn việc hoàn tất thỏa thuận, từ đó tạo ra sự nghi ngại", Kommersant tường thuật.

Tuy nhiên, đến nay mọi việc đã trở nên suôn sẻ. Bởi theo Novatek thì "giao dịch sẽ hoàn tất vào cuối tháng 3/2019", còn theo Total thì quyết định phê chuẩn cuối cùng "sẽ được Ủy ban đầu tư nước ngoài của chính phủ Nga đưa ra vào cuối năm 2019".

Như vậy, dù có những trở ngại nhưng tập đoàn năng lượng khổng lồ của Pháp vẫn quyết tâm theo đuổi việc tham gia Dự án Arctic LNG-2 và nay thì họ đã có thể yên tâm chuẩn bị rót vốn đầu tư vào dự án.

Dự án Arctic LNG-2 nằm trên bán đảo Gydan, phía bắc Siberia, vùng Bắc Cực của Nga. Theo thiết kế, dự án có công suất 19,8 triệu tấn/năm, tương đương 535.000 thùng dầu/ngày, lấy từ hơn 7 tỷ thùng dầu từ các mỏ khí trên bờ ở Utrenneye.

Được biết, ngoài Arctic LNG-2, Total cũng đã tham gia một dự án sản xuất LNG lớn khác của Novatek, đó là Yamal LNG, vốn đã vận hành từ tháng 12/2017 và đã mang lại những khoản lợi nhuận rất lớn.

Sản xuất khí đốt tại Nga đang có sức hấp dẫn rất lớn với doanh nghiệp phương Tây. Vì nếu trong Arctic LNG-2, chính phủ Nga phải xem xét lại Total, thì trong Yamal LNG, Moscow phải kêu gọi doanh nghiệp Nga nhường doanh nghiệp nước ngoài.

Dự án Arctic LNG-2 cũng có sức hút mạnh mẽ không kém Dự án Yamal LNG

Và nếu Tập đoàn Total của Pháp đầu tư vào Arctic LNG-2 thì Tập đoàn Siemens của Đức lại chọn là nhà cung cấp thiết bị cho Arctic LNG-2, theo hợp đồng được ký kết ngày 1/2/2019.

Nghĩa là cơ hội hợp tác - đầu tư vào Nga rất đa dạng.

Thậm chí theo đại diện Ban quản lý Dự án Arctic LNG-2, Siemens cung cấp thiết bị nén khí cho ba dây chuyền hóa lỏng của Arctic LNG-2, nhưng trong số đó thì thiết bị cho dây chuyền sản xuất thứ ba sẽ được sản xuất tại Nga.

"Dự án Arctic LNG-2 sẽ sử dụng các giải pháp công nghệ mới và liên quan đến sản xuất trong nước. Hợp đồng mở ra cơ hội mới cho nội địa hóa thiết bị nén khí trong công nghiệp LNG của Nga”, Phó Chủ tịch Novatek Alexander Fridman, cho biết.

Trước đó, ngày 4/10/2018, tại Diễn đàn Tuần năng lượng Nga, Novatek và Siemens cũng đã ký một thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác trong lĩnh vực khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).

Theo thỏa thuận, hai bên tăng cường và phát triển quan hệ đối tác-hợp tác trong các dự án khí đốt nói riêng, năng lượng nói chung. Bao gồm cung cấp LNG, xử lý khí, phát điện, các nhà máy khí hóa lỏng mọi công suất, cũng như ở các lĩnh vực khác.

Cũng như Total, Siemens cũng đã tham gia vào Dự án Yamal LNG của Novatek và cũng đang được "hái quả ngọt" cùng đối tác Nga, bất chấp lệnh trừng phạt-cấm vận bao quanh nước Nga liên tục được Mỹ-phương Tây siết chặt.

Doanh nghiệp Mỹ-phương Tây xé nát lưới trừng phạt Nga, Mỹ tính sao?

Việc các Tập đoàn Total, Tập đoàn Siemens tham gia hợp tác-đầu tư vào các dự án khí hóa lỏng Yamal LNG hay Arctic LNG-2 chỉ là những ví dụ cụ thể về làn sóng các doanh nghiệp Mỹ-phương Tây đầu tư làm ăn tại Nga thời cấm vận.

Bởi theo Reuters, gần như tất cả các lĩnh vực kinh tế của Mỹ đều có đại diện làm ăn tại Nga. Và năm 2017, chỉ riêng các doanh nghiệp Mỹ niêm yết công khai đã tạo ra hơn 90 tỷ USD doanh thu tại Nga.

Sức hút bởi dòng lợi ích từ Nga khiến cách doanh nghiệp phương Tây sẵn sàng xét nát lưới trừng phạt

Điều đó cho thấy "lưới cấm vận" bao quanh nước Nga dường như đã bị chính hệ thống doanh nghiệp Mỹ-phương Tây "xé nát", mà nguyên nhân được nhìn nhận là do sức hút từ dòng lợi ích tại xứ sở bạch dương.

Theo số liệu Reuters ngày 19/2/2019 dẫn của Viện nghiên cứu kinh tế IFO có trụ sở tại Munich của Đức, thặng dư mậu dịch của Nga năm 2018 so với các thành viên G-7 thì chỉ đứng sau Đức và Nhật Bản.

Cụ thể, thặng dư thương mại của Nga năm 2018 là 116 tỷ USD, trong khi của Đức là 294 tỷ USD, của Nhật là 173 tỷ USD. Đứng đầu thế giới thuộc về Trung Quốc với thặng dư thương mại năm 2018 là 323 tỷ USD.

Nên biết rằng thặng dư thương mại của Nga đã “chạm đáy” vào năm 2016 với mức 67 tỷ USD, vậy mà năm 2018 đã tăng hơn gấp đôi và bước vào Top 4 thế giới, bất chấp trừng phạt của Mỹ-phương Tây liên tục gia tăng.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/doanh-nghiep-phuong-tay-xe-luoi-trung-phat-nga-my-tinh-sao-3375881/