Doanh nghiệp phải ưu tiên nhiệm vụ dự trữ quốc gia

Dự trữ lương thực là nhiệm vụ quan trọng của dự trữ nhà nước. Vừa qua, nhiều doanh nghiệp (DN) mặc dù đã trúng thầu, đủ điều kiện ký hợp đồng cung cấp gạo với Tổng cục Dự trữ (TCDT) Nhà nước nhưng lại bỏ không tiếp tục thực hiện. Điều này khiến TCDT Nhà nước mới chỉ mua được 7.700 tấn/190.000 tấn gạo kế hoạch mua dự trữ năm 2020.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Đỗ Việt Đức, Tổng cục trưởng TCDT Nhà nước về tình trạng này.

Doanh nghiệp chấp nhận chịu phạt để "đánh tháo"

Phóng viên (PV): Đề nghị ông cho biết rõ về thông tin có nhiều DN từ chối bán hàng cho TCDT Nhà nước mặc dù đã trúng thầu?

Ông Đỗ Việt Đức: Trong năm 2020, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì TCDT Nhà nước phải thực hiện đấu thầu mua 190.000 tấn gạo để bảo đảm an ninh lương thực. Chúng tôi triển khai đấu thầu và các DN đã ký hợp đồng cung cấp cho TCDT Nhà nước được 7.700 tấn gạo (hoàn thành 4,05% kế hoạch). Cùng với đó, nhiều DN đã trúng thầu nhưng không đến ký hợp đồng. Cụ thể, có 28 DN trúng thầu đủ điều kiện ký hợp đồng, trong đó 2 DN đã ký hợp đồng thực hiện 100% theo nội dung đã đấu thầu, 2 DN thực hiện ký một phần sản lượng trúng thầu. 24 DN còn lại thì bỏ, không thực hiện và họ đã có văn bản gửi tới các cục dự trữ trên cả nước từ chối ký hợp đồng. Lý do mà các DN này đưa ra là vì ảnh hưởng dịch bệnh, giá lương thực tăng, tích lũy lương thực trong dân cao, triển khai thực hiện các hợp đồng xuất khẩu với nước ngoài. Do vậy gây giảm lượng cung trong nước và ít nhiều tác động đến việc nhập gạo của TCDT Nhà nước. Ở một giác độ nào đó, nhiều DN nghĩ rằng lợi nhuận là vấn đề cốt lõi nên họ sẵn sàng chấp nhận phạt ở chỗ này để bán ra ở chỗ khác với giá cao hơn.

PV: Theo thông báo của cơ quan hải quan, nhiều DN từ chối bán hàng cho TCDT Nhà nước nhưng lại đăng ký xuất khẩu với lượng rất lớn. Ông có biết thông tin này?

Ông Đỗ Việt Đức: Đúng là có chuyện đó.

 Bảo quản gạo tại kho dự trữ quốc gia. Ảnh: VĂN DƯƠNG

Bảo quản gạo tại kho dự trữ quốc gia. Ảnh: VĂN DƯƠNG

PV: Những DN đã trúng thầu nhưng không ký hợp đồng cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia sẽ bị xử phạt như thế nào?

Ông Đỗ Việt Đức: Theo quy định của Luật Đấu thầu thì sẽ thu bảo lãnh dự thầu từ 1% đến 3% giá trị gói thầu tùy theo quy mô của gói thầu đối với các DN không đến ký hợp đồng. Số tiền này là DN đã đặt cọc khi đấu thầu, nếu họ trúng thầu nhưng không chịu thương thảo hợp đồng thì sẽ bị phạt số tiền trên. Còn đối với những trường hợp DN đã ký hợp đồng nhưng không thực hiện theo đúng cam kết của hợp đồng thì họ sẽ bị thu tiền phạt 2-10% giá trị hợp đồng theo quy định của Luật Đấu thầu. Đồng thời, trong khoảng thời gian 3-5 năm, các DN này sẽ không được thực hiện đấu thầu với TCDT Nhà nước.

PV: Để bảo đảm mua đủ 190.000 tấn gạo dự trữ theo kế hoạch của năm nay, TCDT Nhà nước sẽ có biện pháp gì?

Ông Đỗ Việt Đức: Hiện nay có 4 DN đã ký hợp đồng với số lượng gạo 7.700 tấn. Đến nay đã nhập kho 3.000 tấn gạo, các DN này sẽ tiếp tục cung cấp nốt số gạo còn lại theo đúng số lượng đã ký. Số gạo còn lại so với chỉ tiêu được giao là182.300 tấn chưa ký được hợp đồng thì TCDT Nhà nước đã báo cáo Bộ Tài chính và sẽ triển khai đấu thầu trong tháng 5 và dự kiến đến ngày 30-6 sẽ bảo đảm đủ chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao. Trên thực tế, chỉ tiêu 190.000 tấn gạo nhập kho của TCDT Nhà nước so với tổng sản lượng gạo trên cả nước là rất nhỏ. Do vậy, nếu các DN đã đấu thầu với TCDT Nhà nước, tốt nhất là khi trúng thầu rồi thì phải nghiêm túc, thực hiện ký hợp đồng và bảo đảm bán đủ số lượng gạo để giữ uy tín của nhà thầu.

Cần có quy định doanh nghiệp phải ưu tiên nhiệm vụ dự trữ quốc gia

PV: Theo ông, những biện pháp hiện nay về Luật Đấu thầu đối với các DN không thực hiện đúng cam kết hợp đồng đã đủ sức răn đe chưa?

Ông Đỗ Việt Đức: Những DN trúng thầu và đã ký hợp đồng với TCDT Nhà nước thì phải thực hiện theo đúng quy định. Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi Bộ Công Thương đề nghị hạn chế xuất khẩu gạo đối với các DN đã trúng thầu với TCDT Nhà nước. Để thống nhất về quy định pháp luật của Việt Nam, theo tôi, thời gian tới phải tiến hành sửa Luật Đấu thầu theo hướng ngoài những quy định hiện nay về các khoản thu đối với bảo lãnh dự thầu hoặc thực hiện hợp đồng đấu thầu thì phải tăng thêm trách nhiệm DN và quy định tỷ lệ phạt cao hơn. Hoặc có thể yêu cầu các DN phải ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước khi đã tham gia đấu thầu.

PV: Trong số các DN vi phạm hợp đồng, có cả những doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo ông, cần quy định trách nhiệm như thế nào đối với DNNN trong việc cung cấp hàng hóa cho TCDT Nhà nước?

Ông Đỗ Việt Đức: Hiện nay chưa có quy định nào ràng buộc DN phải có nghĩa vụ với an ninh lương thực quốc gia. Do đó, các DNNN đã trúng thầu bán gạo cho TCDT Nhà nước thì đơn vị chủ quản các DN này phải có trách nhiệm trong việc chỉ đạo DN thực hiện quy định về cung cấp gạo cho Nhà nước trước khi thực hiện các nhiệm vụ khác.

PV: Theo ông, có cần xây dựng các quy định về trưng mua, trưng thu để bảo đảm an ninh lương thực trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh gây hậu quả nghiêm trọng hay không?

Ông Đỗ Việt Đức: Chúng tôi cho rằng, pháp luật nên có quy định nếu mức độ ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh ở mức rất lớn mà cơ quan dự trữ không khắc phục được thì có thể huy động tổng nguồn lực xã hội. Với tình trạng dịch Covid-19 hiện nay, chúng ta vẫn bảo đảm đủ lượng gạo dự trữ cho năm 2020. Việc mua gạo lần này là để gối đầu cho thực hiện kế hoạch năm 2021.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

QUANG PHƯƠNG - ANH VIỆT (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/doanh-nghiep-phai-uu-tien-nhiem-vu-du-tru-quoc-gia-615384