'Doanh nghiệp phải chia sẻ với người dân, không găm hàng đẩy giá thịt lợn'

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, trong bối cảnh khó khăn của chăn nuôi lợn hiện nay, các DN phải lấy tinh thần chia sẻ, không cố tình găm hàng đẩy giá để thu lợi cho riêng mình trong ngắn hạn…

Doanh nghiệp phải chia sẻ với người dân, không găm hàng đẩy giá thịt lợn lên cao

Doanh nghiệp phải chia sẻ với người dân, không găm hàng đẩy giá thịt lợn lên cao

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, cả nước đã có 860 vùng, cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh và hàng chục doanh nghiệp chăn nuôi lớn bảo đảm an toàn sinh học nên lợn không mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

Các doanh nghiệp (DN) lớn có chuỗi sản xuất thịt lợn như các công ty CP. Masan, Vavin,… đã và đang mở rộng hàng trăm điểm bán thịt lợn chất lượng, an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trước, trong và sau Tết Canh Tý.

Trong thời gian tới, theo nhận định của Cục Thú y, bên cạnh yếu tố thời tiết thay đổi tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển thì việc tăng đàn vật nuôi, vận chuyển động vật và các sản phẩm động vật cũng khiến nguy cơ dịch bệnh xảy ra phạm vi rộng là rất cao.

Do đó, Bộ đề nghị các địa phương cần chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch; rà soát và đề xuất về cơ chế, chính sách đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng chống dịch.

Chính quyền cơ sở và các cơ quan thú y địa phương phải kiểm tra, xác nhận điều kiện nuôi tái đàn, tăng cường hướng dẫn, giám sát tình hình chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh; đồng thời, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học được tái đàn và phát triển đàn lợn của địa phương.

Cục Thú y cũng đề nghị các địa phương, các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn giống và sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến sâu theo quy định hiện hành.

Doanh nghiệp phải chia sẻ với người dân

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong bối cảnh khó khăn của chăn nuôi lợn hiện nay, các DN phải lấy tinh thần chia sẻ, có trách nhiệm với thị trường, không cố tình găm hàng đẩy giá để thu lợi cho riêng mình trong ngắn hạn.

Bộ trưởng đề nghị các bộ ngành, địa phương thông tin đầy đủ, kịp thời về nguồn cung và giá các mặt hàng thực phẩm, nhất là giá thịt lợn để người sản xuất và người tiêu dùng biết, tránh hiện tượng “găm hàng”, thổi giá lên cao bất thường.

Cùng với việc tạo mọi điều kiện cho vấn đề lưu thông thực phẩm là việc hỗ trợ các hộ tái đàn trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu về an toàn dịch bệnh.

Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị các bộ ngành, địa phương thông tin đầy đủ, kịp thời về nguồn cung và giá các mặt hàng thực phẩm, nhất là giá thịt lợn để người sản xuất và người tiêu dùng biết, tránh hiện tượng “găm hàng”, thổi giá lên cao bất thường; Tạo mọi điều kiện cho vấn đề lưu thông thực phẩm. Đồng thời, hỗ trợ các hộ tái đàn trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu về an toàn dịch bệnh.

Bộ trưởng đề nghị trong hoàn cảnh hiện nay, các DN chăn nuôi lợn phải đóng vai trò dẫn dắt, đặc biệt là dẫn dắt về giá, làm chủ sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi, để không chỉ thu lợi trong ngắn hạn, chụp giật, mà còn phải tạo sự ổn định thị trường 100 triệu dân, tiến tới thị trường quốc tế, xuất khẩu, trở thành cường quốc về chăn nuôi.

Trước đó, chiều ngày 24/12, tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dự báo nhu cầu mặt hàng thịt lợn trong tháng tết của thị trường Hà Nội là khoảng 22,4 nghìn tấn và Thành phố cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu, không cần phải nhập khẩu.

Trong đó, nguồn cung nội tại của TP đáp ứng được khoảng 60%, từ các tỉnh khoảng 40%. Hà Nội cũng chưa tính toán đến nguồn nhập khẩu vì đã cơ bản đáp ứng đủ. Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cũng khuyến cáo, người dân không nên “găm hàng” để trục lợi. Người chăn nuôi giữ lợn thịt chờ giá là có hại, vì khi lợn nuôi quá lứa hệ số chuyển đổi kinh tế thấp đi. Đặc biệt, nếu ai cũng "găm hàng", sẽ đến một lúc nào đó tất cả đều đổ ra thị trường thì người chăn nuôi sẽ bị lỗ.

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201912/doanh-nghiep-phai-chia-se-voi-nguoi-dan-khong-gam-hang-day-gia-thit-lon-c4f678a/